'Chợ mạng' nhộn nhịp mua bán vàng
Vàng miếng SJC và vàng nhẫn khan hiếm ở kênh chính thống khiến nhu cầu trao đổi, mua bán vàng trên thị trường tự do, 'chợ mạng' gia tăng
Cuối ngày 2-10, giá vàng miếng được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào với giá 82 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 84 triệu đồng/lượng, ổn định so với ngày trước. Nằm ở vùng đỉnh lịch sử, giá vàng nhẫn và vàng trang sức 24K các loại được giao dịch mua vào - bán ra với giá 81,5 triệu và 82,9 triệu đồng/lượng.
Tình trạng 2 giá
Trên thị trường tự do, giá vàng miếng SJC được một số tiệm vàng giao dịch lên tới 84,4 triệu đồng/lượng mua vào, 85,4 triệu đồng/lượng bán ra, cao hơn các công ty vàng và 4 ngân hàng thương mại quốc doanh tới 1,5 triệu đồng/lượng.
Tương tự, giá vàng nhẫn trơn cũng được rao bán trên các diễn đàn, hội nhóm với giá 84 - 85 triệu đồng/lượng, cao hơn 1 - 2 triệu đồng/lượng so với các công ty vàng. Trong khi đó, nhiều người cũng đăng bài tìm kiếm nguồn mua vàng nhẫn, vàng miếng.
Trên một diễn đàn về vàng có gần 80.000 thành viên, tài khoản tên H.B.Uyên đăng bài: "Em tha thiết tìm chỗ có sẵn vàng nhẫn 9999 mà không cần phải đợi. Lần đầu tiên thấy mua vàng nhẫn khó khăn đến vậy". Nhiều thành viên của diễn đàn tỏ ra đồng cảm và cho biết một số tiệm vàng yêu cầu viết giấy hẹn, đặt cọc và khi nào có vàng mới giao.
Ở một diễn đàn vàng và ngoại tệ khác, một tài khoản ẩn danh cho hay sáng 2-10 đã đăng ký thành công mua 1 lượng vàng miếng SJC từ ngân hàng qua hình thức online. Người này thông báo có nhu cầu sang tay, địa điểm hẹn sang tay là phòng giao dịch của ngân hàng ở quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Trên thị trường tự do, chị Nguyễn Hồng Tiên, một người chuyên mua bán vàng ở TP Hà Nội, đưa ra giá mua vào - bán ra vàng miếng SJC là 85 triệu - 85,2 triệu đồng/lượng. Người mua hay bán vàng có thể giao dịch tại nhà hoặc ở khu vực quận Đống Đa, thanh toán bằng hình thức chuyển khoản.
Theo tìm hiểu, giao dịch vàng trên "chợ mạng" những ngày qua trở nên nhộn nhịp là do người mua bị hạn chế về số lượng và số lần mua vàng miếng SJC. Mỗi người chỉ được mua 1 - 2 lượng/lần trong vài tuần hoặc 1 tháng. Mới đây, bà Trần Thị Thúy Linh (TP HCM) đã phản ánh tới Cổng thông tin điện tử Chính phủ về việc khó đăng ký mua vàng trực tuyến tại 4 ngân hàng lớn gồm Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank; đồng thời đề nghị cơ quan chức năng có phương án khắc phục.
Nguy cơ rủi ro cao
Trong vai người có nhu cầu mua vàng nhẫn, chúng tôi liên hệ một số cửa hàng kinh doanh vàng ở TP HCM để hỏi mua nhưng đều nhận được thông báo "tạm hết hàng". Ông Lê Chánh, Chủ tiệm vàng Kim Phát I, cho biết vàng hiện khan hiếm do Việt Nam không cho phép nhập khẩu vàng, hầu hết doanh nghiệp không có nguyên liệu để sản xuất nên các tiệm vàng thu mua được bao nhiêu vàng nhẫn đều đã bán sạch. "Nếu trên mạng rao bán vàng nhẫn thì có thể đó là sản phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Người mua sẽ lãnh đủ khi chủ tiệm vàng từ chối mua vào những sản phẩm này" - ông Chánh cảnh báo.
Ông Trần Hữu Đang, Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng bạc Đá quý ASEAN (AJC), phản ánh hiện nay có không ít người chuyên "canh me" đặt mua vàng miếng từ các ngân hàng rồi bán lại suất mua để kiếm thu nhập. Trong khi một số khác thì kích thích người dân bán vàng miếng bằng cách mua vào với giá cao hơn 2 - 3 triệu đồng/lượng so với giá thu mua của các doanh nghiệp rồi bán lại cho giới đầu cơ hoặc người có nhu cầu.
Ông Đang nhìn nhận người dân giao dịch vàng trên thị trường tự do có nguy cơ gặp rủi ro cao bởi ngoài tình huống bị lừa đảo mua vàng giả, còn có thể không nhận được chứng chỉ chính chủ và có thể gặp phiền toái khi bán số vàng này. Người bán vàng cũng có thể bị cơ quan chức năng "hỏi thăm" vì trục lợi chính sách ổn định thị trường vàng.
Theo ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn TP HCM (SJA), tình trạng người dân khó mua vàng nhẫn trơn là có thật vì nguồn cung hiện khan hiếm, dẫn tới việc nhiều người lên các diễn đàn, hội nhóm để hỏi mua, giao dịch trực tiếp với nhau. "Điều này sẽ phát sinh rủi ro cho cả người mua và người bán. Nếu sản phẩm kém chất lượng thì ai chịu trách nhiệm, ai kiểm soát?" - ông Dưng đặt vấn đề và khuyến nghị người dân mua bán vàng ở cửa hàng được cấp phép để được bảo đảm về chất lượng, có thể lấy hóa đơn.
Ông Dưng cũng nêu nghịch lý trên thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ là giá vàng lập kỷ lục nhưng hoạt động sản xuất lại rất khó khăn vì thiếu nguyên liệu đầu vào. "Không có vàng nguyên liệu nên rất khó để tạo ra sản phẩm vàng trang sức mới, không kích thích được nhu cầu mua bán" - ông Dưng nói.
Doanh nghiệp kiến nghị tự khai tồn kho
Cử tri các tỉnh, thành phố gồm Bình Thuận, Hưng Yên, Quảng Nam, Tây Ninh, Thái Bình và Hà Nội đã gửi kiến nghị tới Ngân hàng Nhà nước liên quan thị trường vàng. Trong đó có nội dung về khó khăn của các doanh nghiệp kinh doanh vàng khi phải chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.
Doanh nghiệp kiến nghị được phép tự kê khai lại hàng hóa tồn kho trong thời điểm quy định làm căn cứ xác định nguồn gốc số vàng hiện có. Sau thời điểm đó, với mọi hàng hóa nhập vào, xuất ra, doanh nghiệp phải thực hiện đúng, đủ các quy định về quản lý.
Theo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm quy định, hướng dẫn thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng.
Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh vàng chịu trách nhiệm kê khai về vốn khi thành lập theo quy định; lập, sử dụng hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc vàng nhằm tránh gian lận, hợp thức hóa nguồn vàng không chính thức.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cho-mang-nhon-nhip-mua-ban-vang-196241002211355983.htm