Bộ Tài chính sẽ đánh giá kỹ lưỡng đề xuất đánh thuế giao dịch vàng

Việc đánh thuế với giao dịch vàng không chỉ tác động trực tiếp lên các đối tượng giao dịch mà còn nhiều mặt khác. Do đó, Bộ Tài chính sẽ có đánh giá kỹ lưỡng, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Người dân hỏi cách thức đăng ký mua vàng online tại Chi nhánh Ngân hàng thương mại Vietcombank TP. Hồ Chí Minh (số 5 Công trường Mê Linh, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

Người dân hỏi cách thức đăng ký mua vàng online tại Chi nhánh Ngân hàng thương mại Vietcombank TP. Hồ Chí Minh (số 5 Công trường Mê Linh, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

Ngày 18/6, tại buổi họp báo thường kỳ quý II/2024 của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết Bộ sẽ tiếp thu, nghiên cứu và đánh giá tác động với đề xuất đánh thuế với giao dịch vàng nhằm giảm bớt nhu cầu của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt với mục đích đầu cơ, thao túng giá.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, việc đánh thuế với giao dịch vàng không chỉ tác động trực tiếp lên các đối tượng giao dịch mà còn nhiều mặt khác. Do đó, Bộ Tài chính sẽ có đánh giá kỹ lưỡng, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cũng cho biết, như nhiều ngành nghề khác, hoạt động kinh doanh vàng luôn chịu sự quản lý của cơ quan Nhà nước; trong đó có cơ quan thuế. Ngành thuế thời gian qua đã đẩy mạnh quản lý trong lĩnh vực này.

Theo ông Đặng Ngọc Minh, cơ quan thuế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thanh tra thị trường vàng. Hiện nay, cả nước có 38 doanh nghiệp, tổ chức được cấp phép kinh doanh vàng SJC. Cơ quan thuế cử cán bộ tham gia thanh tra, khai thác số liệu nộp thuế, áp dụng hóa đơn điện tử của 16 đơn vị kinh doanh vàng SJC.

Cả nước có 12.500 doanh nghiệp, cá nhân và hơn 5.500 hộ cá nhân mua bán, chế tác, gia công vàng bạc, đá quý.

Hiện nay, đang trong quá trình thanh tra. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát xuất hóa đơn trong thực hiện các giao dịch mua, bán vàng, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp; trong đó có việc áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền để kiểm soát các giao dịch mua, bán vàng.

Bên cạnh tăng cường quản lý về thuế, ông Đặng Ngọc Minh cho biết Bộ Tài chính đề xuất thanh toán không dùng tiền mặt đối với hoạt động mua bán vàng.

Để triển khai theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã có công văn về việc tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động mua bán vàng bạc, đá quý.

Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thực hiện rà soát toàn bộ các doanh nghiệp, các hộ, cá nhân kinh doanh, gia công vàng bạc, đá quý trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các hoạt động kinh doanh mua bán vàng nguyên liệu và vàng miếng. Trên cơ sở đó, thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý thuế để thực hiện kiểm tra hồ sơ tại trụ sở cơ quan thuế theo quy định.

Đồng thời, lập đơn vị đầu mối phụ trách chuyên môn, thực hiện nghiên cứu, triển khai, theo dõi và quản lý các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh, chế tác vàng, bạc, trang sức, mỹ nghệ, kịp thời phát hiện các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh có phát sinh mua bán, chế tác vàng bạc, đá quý nhưng không kê khai thuế, có sự chênh lệch giữa giá vốn, doanh thu thực tế vưới giá vốn, doanh thu kê khai thuế giá trị gia tăng.

Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế chủ động xây dựng kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh, đề xuất các phương án, giải pháp phối hợp với các sở, ban, ngành để tăng cường quản lý đối với các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh vàng bạc, đá quý.

Thời gian qua, để ổn định thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp như đấu thầu tăng cung vàng miếng SJC, nhưng sau đó dừng phương án này do không hiệu quả. Từ 3/6, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai bán vàng bình ổn giá qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước, gồm Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC).

Tuy nhiên, theo các chuyên gia để ổn định thị trường vàng, các chuyên gia kinh tế đề xuất đánh thuế với giao dịch vàng.

PGS.TS Nguyễn Thị Mùi đề xuất quản lý bằng thuế là quan trọng nhất, cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng các chính sách thuế đối với vàng. Việc áp dụng các chính sách thuế đối với thị trường vàng trong nước sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường.

Đặc biệt, đối với những đối tượng mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng; giải pháp trên có thể ảnh hưởng tâm lý của người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó giúp kiểm soát giá vàng.

Bên cạnh đó việc áp dụng thuế sẽ đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh vàng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, hiện nay các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản…. cũng đang áp dụng thuế thu nhập cá nhân, do đó mua bán vàng cũng nên áp dụng chính sách thuế phù hợp.

Thùy Dương/BNBEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/bo-tai-chinh-se-danh-gia-ky-luong-de-xuat-danh-thue-giao-dich-vang/337858.html