Bộ Tài chính sẽ triển khai 5 giải pháp để thị trường vốn trở nên minh bạch, an toàn
Sự tăng trưởng quá nóng của thị trường trái phiếu và chứng khoán đã làm nảy sinh rất nhiều rủi ro. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ triển khai 5 giải pháp để thị trường vốn trở nên minh bạch, an toàn.
Thị trường vốn tăng trưởng quá “nóng”
Tại Hội nghị “Phát triển thị trường vốn an toàn” diễn ra vào chiều 22/4, ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: Thị trường vốn đã hình thành và vận hành đầy đủ các cấu phần bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh. Quy mô của thị trường vốn tăng trưởng bình quân 28,5%/năm giai đoạn 2016-2021.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. (Ảnh: VGP)
Ngay cả trong năm 2021, bất chấp các tác động của đại dịch COVID-19, thị trường vốn vẫn ghi nhận sự tăng trưởng, thể hiện sức chống chịu và phục hồi của nền kinh tế. Hiện tại, quy mô thị trường vốn đạt 134,5% GDP năm 2021, gấp 3,5 lần quy mô năm 2015.
Trong đó, với thị trường chứng khoán, VN-Index có sự tăng trưởng tốt. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu 93,8% GDP vào cuối tháng 3/2022, tăng 3,37% so với cuối 2021.
Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu năm 2021 tăng 258% so với bình quân năm 2020 và tiếp tục gia tăng trong những tháng đầu năm 2022, với mức bình quân đạt 30.800 tỷ đồng/phiên.
Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự tăng trưởng cả về số lượng doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu.
Tổng khối lượng phát hành riêng lẻ năm 2021 là 605.000 tỷ đồng, tăng 38,8% so với năm 2020. Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành ra công chúng là 31.00tỷ đồng.
Trong quý I/2022, khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ tiếp tục tăng ở mức 105,5 nghìn tỷ đồng; đồng thời, các doanh nghiệp đã chào bán trên 5.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng.
Các tổ chức tín dụng là nhóm phát hành lớn nhất, chiếm 36,2% tổng khối lượng phát hành, các doanh nghiệp bất động sản chiếm 33,26% tổng khối lượng phát hành.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng quá nhanh của thị trường chứng khoán và trái phiếu đã phát sinh những rủi ro tiềm ẩn.
Đơn cử, trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá và ngày càng tinh vi. Nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh.
Nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng.
Trong khi đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh tiếp tục phát sinh rủi ro do có các nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật trong việc đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ tham gia mua TPDN.
Một số trường hợp đã có hành vi gian lận khi xác định trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua TPDN riêng lẻ.
Tình hình tài chính của một số doanh nghiệp phát hành còn hạn chế; một số doanh nghiệp có mục đích sử dụng vốn không đúng với thông tin đã công bố.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, mặc dù đã triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu các tổ chức kinh doanh chứng khoán, chất lượng hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường còn chưa đồng đều, còn xảy ra các hành vi tiêu cực.
Một số tổ chức kiểm toán, tổ chức thẩm định giá năng lực còn hạn chế, chưa đáp ứng các chuẩn mực nghề nghiệp. Một số tổ chức đại lý phát hành, tổ chức phân phối trái phiếu doanh nghiệp chưa tuân thủ đúng pháp luật.
5 giải pháp nhằm minh bạch thị trường vốn
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, thực tế cho thấy, các rủi ro trên xuất phát nhiều từ nguyên nhân. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất chính là việc thị trường chứng khoán phát triển quá nhanh, mặc dù công tác thanh tra, giám sát đã được triển khai trong thời gian gần đây song chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, thực tế cho thấy, các rủi ro trên xuất phát nhiều từ nguyên nhân.
Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ trưởng sẽ triển khai 5 giải pháp để thị trường vốn trở nên minh bạch, an toàn.
Thứ nhất, Bộ Tài chính sẽ tổ chức điều hành thị trường gắn với hoàn thiện khung khổ pháp lý ở cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu.
Riêng với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Bộ Tài chính sẽ phát triển thị trường theo hướng bền vững để trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho các doanh nghiệp, trong đó tập trung phát triển thị trường thứ cấp minh bạch, xây dựng chuẩn mực thị trường, tách bạch rõ giữa trái phiếu phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ.
Trước mắt, Bộ Tài chính sẽ khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi quy định về phát hành TPDN riêng lẻ tại Nghị định số 153 của Chính phủ, theo hướng siết chặt một cách hợp lý, quản lý chặt chẽ các công ty chứng khoán tư vấn phát hành.
“Các doanh nghiệp yếu sẽ không được phát hành; thu hẹp lại mục tiêu huy động trái phiếu chỉ phục vụ cho việc đầu tư triển khai dự án”, Bộ trưởng nói.
Bộ Tài chính cũng sẽ nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ để trình Quốc hội rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán bao gồm phạm vi phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ, khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Luật Chứng khoán và các quy định về xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán.
Thứ hai, tích cực triển khai công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường.
Thứ ba, cải thiện chất lượng cầu đầu tư hướng tới cầu đầu tư bền vững, thúc đẩy việc hình thành và hoạt động của các định chế đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả công tác giám sát. Trong đó, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, giám sát để vừa đảm bảo cho sự phát triển của thị trường, vừa phát hiện, xử lý các hành vi thao túng trên thị trường chứng khoán.
“Đặc biệt là thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp như đưa thông tin sai lệch hay dùng nhiều tài khoản giao dịch bất thường, theo đó, những hành vi thao túng phải được xử phạt nghiêm minh”, Bộ trưởng cho biết.
Cuối cùng, ttăng cường công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành và hoạt động hợp tác quốc tế: Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan trong công tác điều hành và quản lý giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu với thị trường tiền tệ, tín dụng ngân hàng bảo đảm tính công khai, minh bạch trên thị trường vốn, ổn định thị trường tài chính, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.