Bộ Tài chính thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư công

Quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) trong các lĩnh vực quản lý được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính đã đưa ra các chỉ tiêu và giải pháp để THTK, CLP trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công trong toàn ngành.

Phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022

Chương trình THTK, CLP năm 2022 vừa được Bộ Tài chính ban hành nhằm quy định rõ các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, tiêu chí đánh giá tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí, tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về THTK, CLP đối với các đơn vị trực thuộc để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm đã đề ra, đảm bảo đúng quy định Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP.

Bộ Tài chính thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Ảnh minh họa: H.T

Bộ Tài chính thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Ảnh minh họa: H.T

Theo đó, trong lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đưa ra chỉ tiêu thực hiện tiết kiệm từ khâu lập, phê duyệt chủ trương đầu tư; chỉ quyết định chủ trương đầu tư các dự án có hiệu quả và phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công. Đảm bảo 100% các dự án đầu tư công có đẩy đủ thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công.

Bộ Tài chính đề nghị thủ trưởng đơn vị các cấp, chủ đầu tư các dự án được giao chủ động thành lập tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư tại các đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra để xử lý kịp thời, chính xác các vướng mắc, khó khăn, phát sinh trong việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến thủ tục đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công theo thẩm quyền hoặc báo cáo về Bộ Tài chính.

Bố trí vốn đầu tư công năm 2022 bám sát quan điểm chỉ đạo, định hướng, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu được Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII đề ra, cũng như cụ thể hóa các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo đúng thứ tự ưu tiên quy định tại các nghị quyết của Quốc hội và các văn bản pháp luật liên quan.

Đặc biệt, trong bối cảnh đầu tư công được xác định là động lực tăng trưởng chính, là cú huých cho nền kinh tế bật lên sau đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải chú trọng đến công tác này.

Theo đó, các đơn vị trong toàn ngành phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, rà soát việc phân bổ các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân. Phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công được giao trong năm 2022. Kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí. Thực hiện cắt bỏ những dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả; cắt giảm số lượng các dự án khởi công mới, bảo đảm từng dự án khởi công mới phải có giải trình cụ thể về sự cần thiết, hiệu quả đầu tư và sự tuân thủ các quy định của pháp luật.

Việc tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư công phải theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án và thời hạn giải ngân, sử dụng vốn hiệu quả. Tăng cường công tác quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước, xử lý dứt điểm tình trạng tồn đọng quyết toán dự án hoàn thành.

Tiến độ công trình phải đi đôi với chất lượng

Để đảm bảo thực hiện tốt các chỉ tiêu đề ra, ngoài việc yêu cầu các đơn vị, các chủ đầu tư thuộc Bộ Tài chính triển khai hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã đặc biệt lưu ý các đơn vị thực hiện một số giải pháp cụ thể.

Công chức Kho bạc Nhà nước Tuyên Quang đang thực hiện rà soát, đối chiếu số liệu để giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: H.T

Theo đó, các đơn vị trực thuộc tập trung triển khai những công trình, dự án thực sự cần thiết, cấp bách phải đầu tư đã đủ hồ sơ thủ tục, đủ điều kiện và khả năng cân đối bố trí vốn để thực hiện đầu tư dự án; bảo đảm 100% các dự án bố trí trong kế hoạch đầu tư công phải có đầy đủ các thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công; hạn chế tối đa việc kéo dài thời gian thực hiện và bố trí kế hoạch vốn.

Thực hiện bố trí vốn đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên bố trí vốn thanh toán số nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi tối thiểu 50% số vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2022, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, quy hoạch, các dự án chuyển tiếp phải hoàn thành trong năm 2022. Sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, số vốn còn lại bố trí cho các dự án khởi công mới đủ thủ tục đầu tư theo quy định.

Nêu cao tinh thần, trách nhiệm người đứng đầu

Một trong những giải pháp để THTK, CLP trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công được Bộ Tài chính đề ra là các đơn vị trong toàn ngành phải nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, vai trò người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra; thúc đẩy giải ngân phải đi đôi với đảm bảo chất lượng công trình, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chống tiêu cực, lãng phí. Thủ trưởng các đơn vị, hệ thống thuộc Bộ Tài chính chịu trách nhiệm toàn diện trước lãnh đạo Bộ về kết quả giải ngân của đơn vị, hệ thống.

Đặc biệt, Bộ Tài chính lưu ý các đơn vị trực thuộc nâng cao chất lượng khảo sát, thiết kế, giải pháp thi công, thẩm định dự án, hạn chế các nội dung phát sinh dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế, thi công; hạn chế tối đa tình trạng điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các giải pháp thiết kế, thi công áp dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng và hạn chế khí thải.

Tăng cường đấu thầu rộng rãi, đấu thầu qua mạng để THTK, CLP, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu các dự án đầu tư và bảo đảm công khai, minh bạch trong đấu thầu, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành tập trung chỉ đạo, xử lý ngay các dự án sử dụng vốn nhà nước đầu tư lãng phí, kém hiệu quả, làm rõ và xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan.

Một giải pháp được Bộ Tài chính hết sức chú trọng để quản lý, sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả đó là toàn ngành tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án, công trình nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng, chống lãng phí, thất thoát. Dự án, công trình triển khai không đúng tiến độ phải kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh, điều chuyển kế hoạch vốn cho những dự án, công trình có tiến độ triển khai nhanh còn thiếu vốn…

Đối với các nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị trực thuộc rà soát chặt chẽ kế hoạch sử dụng vốn. Kiên quyết loại bỏ các dự án không cần thiết, kém hiệu quả. Bố trí dự toán cho NSNN từ nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi bảo đảm theo tiến độ đã ký kết với nhà tài trợ, khả năng đáp ứng nguồn vốn đối ứng, tiến độ giải phóng mặt bằng, năng lực của chủ đầu tư quản lý chương trình, dự án sử dụng 2 loại vốn này./.

An Nhi

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bo-tai-chinh-thuc-hanh-tiet-kiem-chong-lang-phi-trong-dau-tu-cong-111673.html