Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước ký Quy chế mua bán ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối

Ngày 9/3, tại Hà Nội, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước tổ chức lễ ký quy chế nêu trên; tuy nhiên, cơ chế về giá, rủi ro tỷ giá và thanh toán chưa được công bố...

Ngân sách nhà nước sẽ mua ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối.

Thời gian qua, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Việc ký Quy chế mua bán ngoại tệ là nhằm phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc điều hành thị trường ngoại hối; đồng thời, tạo thuận lợi cho ngân sách nhà nước cân đối ngoại tệ, phục vụ cho các khoản chi ngân sách nhà nước bằng ngoại tệ.

"Quy chế mua bán ngoại tệ giữa ngân sách nhà nước và dự trữ ngoại hối nhà nước chuẩn hóa quy trình mua, bán ngoại tệ giữa ngân sách nhà nước, dự trữ ngoại hối nhà nước chính thức, rút ngắn thời gian thực hiện mua, bán ngoại tệ của ngân sách nhà nước".

Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính cho biết thêm, việc ký kết Quy chế mua bán ngoại tệ cụ thể hóa các nội dung hợp tác giữa 2 cơ quan theo Quy chế phối hợp công tác và trao đổi thông tin giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2012.

Theo đó, việc triển khai Quy chế mua bán ngoại tệ sẽ tiếp tục tăng cường sự phối hợp của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách, điều hành chính sách tiền tệ, quản lý ngoại hối nhằm thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, một số cơ chế cụ thể của mua/bán ngoại tệ như giá ngoại tệ, rủi ro tỷ giá, tính minh bạch trong quy chế chưa được công bố.

Hiện Việt Nam vẫn đang có cán cân thương mại thặng dư, dự trữ ngoại hối đang ở mức cao nhất lịch sử, trong khi nền kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định. Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự trữ ngoại hối của Việt Nam đến cuối năm 2020 đạt 94,8 tỷ USD, đánh dấu chuỗi gia tăng mạnh mẽ kể từ năm 2016.

Đến cuối năm 2021, báo cáo của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết giá trị dự trữ ngoại hối Việt Nam tăng lên 105 tỷ USD. Đây là mức dự trữ ngoại hối cao kỷ lục của Việt Nam. Với Việt Nam, đà tăng mạnh những năm vừa qua ghi nhận chủ yếu từ hoạt động mua ròng ngoại tệ mà Ngân hàng Nhà nước thực hiện.

Nhận định về nguồn cung ngoại tệ trong năm 2022, BSC nhận định, dự trữ ngoại hối vẫn sẽ duy trì trạng thái dồi dào dựa trện 3 yếu tố.

Thứ nhất, tình trạng xuất siêu dự tính sẽ tiếp tục trong năm 2022 khi các yếu tố vĩ mô vẫn đang ủng hộ xu hướng xuất siêu của Việt Nam. Con số này ước tính đạt 5,2 - 6,9 tỷ USD.

Thứ hai, nguồn kiều hối ước tính có tốc độ tăng trưởng trung bình 3 năm ở mức 4,4% và đạt 18,9 tỷ USD vào năm 2022.

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách thu mua ngoại tệ nhằm nâng cao dự trữ ngoại hối.

Trâm Anh -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bo-tai-chinh-va-ngan-hang-nha-nuoc-ky-quy-che-mua-ban-ngoai-te-tu-du-tru-ngoai-hoi.htm