Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước vào cuộc vì mục tiêu tăng trưởng 8%

Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% năm nay, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương triển khai nhiều nội dung, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.

Trước bối cảnh vĩ mô biến động, tại phiên họp thường kỳ tháng 3 và hội nghị trực tuyến với các địa phương, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77 khẳng định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên.

Để đạt mục tiêu này, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương triển khai nhiều nội dung cụ thể.

Vai trò điều tiết của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước

Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương rà soát, đánh giá tác động từ chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ đối với Việt Nam.

Đồng thời, Bộ cần đề xuất phương án hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng, báo cáo cấp có thẩm quyền trước ngày 15/4/2025.

Ngoài ra, trong tháng 4/2025, Bộ Tài chính phải trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng áp dụng từ ngày 1/7/2025 đến 31/12/2026.

Đồng thời, hoàn thiện Nghị định hướng dẫn Nghị quyết số 107 của Quốc hội liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính sớm hoàn thiện Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân và hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Việt Nam, báo cáo cấp có thẩm quyền trước ngày 15/4/2025 để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 9.

Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu đẩy mạnh cho vay ngắn hạn hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Hoa Kỳ. Ảnh: Hoàng Anh

Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu đẩy mạnh cho vay ngắn hạn hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Hoa Kỳ. Ảnh: Hoàng Anh

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao theo dõi sát tình hình quốc tế, khu vực và điều chỉnh chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả. Cơ quan này cần điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, sẵn sàng can thiệp nhằm ổn định thị trường ngoại tệ.

Ngân hàng Nhà nước cũng được yêu cầu tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn với chi phí hợp lý. Tín dụng cần được ưu tiên cho sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cần đẩy mạnh cho vay ngắn hạn hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Hoa Kỳ.

Đồng thời, nghiên cứu xây dựng gói tín dụng ưu đãi cho người dưới 35 tuổi mua nhà và gói tín dụng khoảng 500.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số vay dài hạn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2025.

Theo nghị quyết ban hành, tình hình thế giới dự báo tiếp tục có những biến động lớn, nhanh, phức tạp và khó dự báo; xung đột quân sự tại một số khu vực vẫn tiếp diễn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn; chiến tranh thương mại xảy ra trên diện rộng, làm gia tăng rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong nước, khó khăn, thách thức được đánh giá nhiều hơn thời cơ và thuận lợi. Tình hình thời tiết cực đoan tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và cung ứng điện.

Các yếu tố mới, khó lường cả bên trong lẫn bên ngoài tiếp tục gây sức ép lên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, điều hành tỷ giá, đảm bảo các cân đối lớn cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt vừa qua Mỹ áp thuế đối ứng cao với nhiều nước trên thế giới với Việt Nam.

Các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền được chỉ đạo tiếp tục tận dụng tối đa thời cơ, thuận lợi, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, nỗ lực vượt qua thách thức, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2025, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng.

Dũng Phạm

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/bo-tai-chinh-va-ngan-hang-nha-nuoc-vao-cuoc-vi-muc-tieu-tang-truong-8-d39711.html