Bộ Thông tin và Truyền thông 'bắt tay' VCCI hỗ trợ sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam phát triển kinh tế số
Chiều 30/7, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ký Thỏa thuận hợp tác về hỗ trợ xúc tiến đầu tư - thương mại sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số giai đoạn 2024-2026, tầm nhìn 2030.
Lễ ký kết có sự tham dự của hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các doanh nghiệp công nghệ số, hiệp hội doanh nghiệp.
Phát biểu tại lễ ký kết, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc với mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện mục tiêu này, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đã xác định chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ quan trọng, và gắn với 3 trụ cột chính đó là Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Nghị quyết số 41-NQ/TW do Bộ Chính trị ban hành ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã đề ra mục tiêu đến năm 2030: Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt… có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.
Nghị quyết 41-NQ/TW cũng đặt ra nhiệm vụ phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu.
“Sự phát triển, lớn mạnh của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đồng thời góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đã đề ra trong Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cũng là một trong những nhóm doanh nghiệp dân tộc quan trọng cần thúc đẩy, hỗ trợ trong bối cảnh cả nước đang tiến hành công cuộc chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số và xã hội số”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Ông Công cho rằng, việc ký kết Thỏa thuận lần này cũng là để thực hiện nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã giao cho VCCI, Bộ Thông tin và Truyền thông tại Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
"Với sự chung tay, góp sức của 2 cơ quan trong chương trình phối hợp công tác hết sức có ý nghĩa và thiết thực này, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nói riêng sẽ có những đóng góp quan trọng thực hiện mục tiêu lớn: thực hiện chuyển đổi số quốc gia thành công, góp phần đưa nước ta đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, phồn vinh, hạnh phúc, như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra", Chủ tịch VCCI kỳ vọng.
Thời gian tới, VCCI sẵn sàng hỗ trợ kết nối các hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam triển khai các sản phẩm phẩm công nghệ số Make in Viet Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh đáp ứng yêu cầu thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Trong khi đó, Bộ Thông tin và Truyền thông với vai trò cơ quan quản lý có chuyên môn sẽ tập hợp, định hướng, tạo môi trường thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có sản phẩm Make in Viet Nam chất lượng cao để sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong ứng dụng chuyển đổi số.
Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp ICT (Bộ Thông tin và Truyền thông), Thỏa thuận hợp tác sẽ tập trung vào các nội dung chính như tư vấn, tham vấn xây dựng chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số, môi trường chính sách phát triển; trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tư vấn, hỗ trợ xây dựng chiến lược, kế hoạch, chương trình chuyển đổi số cho VCCI. Ở chiều ngược lại, VCCI sẽ đề xuất giải pháp, môi trường, chính sách tạo lập, hỗ trợ thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Bên cạnh đó, 2 bên sẽ cùng nhau hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư sản phẩm, giải pháp, dịch vụ công nghệ số Make in Viet Nam phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số đối với thị trường trong nước; trong đó, tập trung triển khai các hoạt động như tuyên truyền, điều tra, khảo sát nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp, các hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu…
Đặc biệt sẽ có nội dung “lựa chọn, đặt hàng 10 sản phẩm, giải pháp, dịch vụ công nghệ số Make in Viet Nam tiêu biểu trong 10 lĩnh vực để triển khai thí điểm phục vụ chuyển đổi số tại VCCI và doanh nghiệp hội viên để từ đó đánh giá, nhân rộng triển khai các sản phẩm mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, hai bên sẽ cùng hỗ trợ phát triển thị trường, đầu tư ra thị trường nước ngoài cho sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam. Trong đó, sẽ triển khai một số hoạt động như hỗ trợ đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ ở nước ngoài, kết nối và giới thiệu đối tác thương mại, cung cấp thông tin, hướng dẫn, tư vấn cho doanh nghiệp và các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư ở nước ngoài…
Trong khuôn khổ diễn ra sự kiện, lãnh đạo VCCI đã ký thỏa thuận hợp tác đồng hành thúc đẩy chuyển đổi số với lãnh đạo 6 doanh nghiệp điển hình là Viettel, VNPT, Mobifone, FPT, CMC và MISA.