Bộ Thông tin và Truyền thông tháo gỡ vướng mắc cho các cơ quan báo chí như thế nào?
Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo quyết liệt, quan tâm tháo gỡ khó khăn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của lĩnh vực báo chí.
Bà Trần Thị Thanh Hương, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, thời gian qua Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo quyết liệt, quan tâm tháo gỡ khó khăn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các lĩnh vực báo chí, xuất bản, thông tin truyền thông.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các quy định liên quan đến định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở xây dựng đơn giá để thực hiện đặt hàng đấu thầu trong lĩnh vực báo chí vẫn còn nhiều vướng mắc.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, truyền thông xã hội trên các nền tảng số xuyên quốc gia đã đặt ra nhiều thách thức và khiến cho doanh thu của các cơ quan báo chí ngày càng sụt giảm.
Trong khi đó, kinh phí sản xuất ngày càng tăng trên tất cả các lĩnh vực, từ thù lao chi trả cho nhân lực, tổ chức sản xuất đến chi phí bản quyền, nhưng định mức tối đa chưa bắt kịp với tình hình thực tế khiến cho hoạt động của các cơ quan báo chí đã khó khăn nay còn khó khăn hơn.
Nhằm khắc phục một số vướng mắc, khó khăn, lúng túng của các cơ quan chủ quản và các cơ quan báo chí trong thời gian qua không xây dựng được định mức kinh tế - kỹ thuật, vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 05/2024/TT-BTTTT hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực báo chí.
Việc ban hành Thông tư cũng nhằm cung cấp cơ sở lý luận, phương pháp, trình tự thống nhất trong việc xây dựng và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật cho dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực báo chí.
Có hiệu lực từ 1/8/2024, Thông tư hướng dẫn, quy định một số điểm mới nhằm hỗ trợ các cơ quan báo chí xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành định mức; hướng dẫn cụ thể về cách làm, phương pháp xây dựng, thẩm định, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Chính phủ.
Cùng với đó làm cơ sở cho các bộ, ngành và địa phương, cơ quan báo chí xây dựng định mức và phương án giá theo trách nhiệm quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Thông tin thêm về việc sửa đổi cơ chế đặt hàng, đầu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công từ nguồn ngân sách nhà nước đối với các cơ quan báo chí, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, về danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực báo chí thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến Bộ Tài chính về danh mục dịch vụ sự nghiệp công lĩnh vực thông tin và truyền thông, thay thế Danh mục ban hành tại Quyết định số 1265/QĐ-TTg ngày 18/8/2020.
Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất cụ thể hóa nội dung danh mục dịch vụ và đề xuất bổ sung phạm vi hoạt động dịch vụ bao gồm cung cấp thông tin của các cơ quan báo chí trên mạng xã hội, qua đó tạo thuận lợi cho các cơ quan báo chí.
Về đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cơ quan báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận kiến nghị của cơ quan báo chí và làm việc với cơ quan báo chí để tìm hiểu khó khăn, vướng mắc để có văn bản hướng dẫn.
Bên cạnh đó, nếu các khó khăn cần phải sửa đổi quy định về giao nhiệm vụ, đặt hàng, hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ công đã được Chính phủ quy định tại Nghị định 32/2019/NĐ-CP do Bộ Tài chính chủ trì, đề nghị cơ quan báo chí nêu rõ kiến nghị cụ thể để Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp, đề xuất với Bộ Tài chính.