Bộ Thông tin và Truyền thông: Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ chủ quyền của mình trên không gian mạng
Tại phiên trả lời chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ chủ quyền của mình không gian mạng.
Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, chiều 12/11 Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, các nền tảng mạng xã hội, nền tảng xuyên biên giới hoạt động theo luật pháp khác, không giống với hệ thống luật pháp của Việt Nam, do đó gây khó khăn trong việc yêu cầu họ tuân thủ luật pháp Việt Nam.
Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam là nước có chủ quyền và luật pháp trên không gian mạng, yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam thì phải tuân thủ luật pháp của Việt Nam. “Chúng ta hoàn có thể làm chủ chủ quyền của chúng ta trên không gian mạng”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thời gian qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã đạt kết quả rất tích cực như tăng tỉ lệ đáp ứng về gỡ bỏ thông tin xấu độc, sai sự thật từ 10-20% năm 2018 đến nay là tỉ lệ trên 95%, thời gian đáp ứng từ 48 tiếng trước đây rút xuống còn 24 tiếng và 12 tiếng, trong trường hợp đặc biệt, xử lý, gỡ bỏ thông tin xấu độc trong vòng 2 tiếng. Đồng thời gỡ bỏ các trang, các tài khoản vĩnh viễn nếu vi phạm nghiêm trọng.
Hiện nay các nền tảng mạng xã hội phải tự động rà quét, gỡ bỏ các thông tin vi phạm mang tính phổ quát đã được định nghĩa tường minh như: Cờ bạc, mại dâm, ảnh hưởng đến trẻ em, kinh doanh các mặt hàng bị cấm, khủng bố… Theo đó, hiện có thể xác định được danh tính khi vi phạm. Đặc biệt nhiều mạng xã hội lớn đã hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông về tuyên truyền chống tin giả, tin lừa đảo trực tuyến, quảng bá hình ảnh của đất nước Việt Nam ra nước ngoài, đồng thời tuân thủ luật pháp của Việt Nam trong những hợp đồng với khách hàng.
Cùng với đó, các mạng xã hội đã đóng thuế tại Việt Nam được hai năm rưỡi. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho rằng, chúng ta đã thu được khoảng trên 20.000 tỉ đồng và tăng khoảng 6 lần so với những năm trước, đây cũng là một dấu hiệu rất tích cực.
Liên quan đến ý kiến của đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, hiện nay còn tồn tại khoảng 800 trạm phát sóng đang gặp khó khăn vì bị người dân phản đối do ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định, hiện chưa có bằng chứng việc các trạm phát sóng ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chính quyền các cấp cũng chưa thực sự coi hạ tầng viễn thông là hạ tầng chiến lược, trọng yếu như là hạ tầng giao thông, hạ tầng điện. Một trong những lí do hiện nay là Nhà nước không đầu tư hạ tầng viễn thông mà do doanh nghiệp đầu tư. Do đó, chính quyền các cấp ít quan tâm và chưa vào cuộc, giúp đỡ các nhà mạng.
Bàn về giải pháp, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, giải pháp đầu tiên là tuyên truyền để cho người dân hiểu về tầm quan trọng của hạ tầng số, hạ tầng viễn thông đối với đời sống của xã hội, và không ảnh hưởng đến sức khỏe để bà con ủng hộ phát triển các trạm phát sóng. Bên cạnh đó, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn, đảm bảo an toàn cho người dân.
Luật Viễn thông mới cũng đã quy định Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, chính quyền các cấp xử lý các hành vi vi phạm việc xây dựng hạ tầng viễn thông. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng yêu cầu các nhà mạng sử dụng những công nghệ mới nhất, khi ít người dùng thì giảm công suất phát sóng.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Vũ Thị Liên Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi về tính bền vững của tuyến cáp quang biển, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay chúng ta có 5 tuyến cáp quang biển và có 2 tuyến các quang quốc tế trên đất liền. Năm 2022, có lúc cả 5 tuyến cáp quang biển bị ảnh hưởng và chỉ còn lại 40% dung lượng, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ internet khá đáng kể.
Giải thích lý do của vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nguyên nhân là do cả 5 tuyến cáp quang biển của nước ta đều đi một hướng qua Biển Đông. Đối với Việt Nam, 5 tuyến như vậy là ít, ví dụ như Thái Lan hiện nay có 8 tuyến, Philippines có 17 tuyến. Quý I/2025, chúng ta sẽ có thêm 2 tuyến nữa được đưa vào vận hành khai thác, tức là tổng 7 tuyến.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành chiến lược về cáp quang biển đến năm 2030, cụ thể sẽ tăng lên thành 15 tuyến cáp quang biển và dung lượng tăng 10 lần, đa dạng hóa hóa hướng tuyến đi xuống phía Nam và đi vào Singapore và Malaysia, có tuyến nối với Nhật và Mỹ. Đồng thời đa dạng hóa các nhà cung cấp, các nhà lắp đặt để sửa chữa; đầu tư cho 2 tuyến cáp quang trên đất liền, đảm bảo ít nhất được 20% dung lượng.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương về nâng cao chất lượng đào tạo đại học cho các phóng viên chuyên ngành báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chương trình đào tạo đại học cho phóng viên đã có từ lâu, chưa được điều chỉnh và chưa phù hợp với thời đại công nghệ số. Do đó, chương trình đào tạo này cần phải được cập nhật khung chương trình, nâng cao đào tạo công nghệ số. Cùng đó, tăng tỉ lệ đào tạo chuyên môn, tăng cường mời các nhà báo kinh nghiệm giảng dạy. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì khung chương trình này, dự kiến chương trình này sẽ được ban hành trong năm nay.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Định Thị Ngọc Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương về nâng cao chất lượng phóng viên trong thời đại số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, công cụ cơ bản của phóng viên hiện nay là công nghệ số, kĩ năng số, tư duy số, văn hóa số; phóng viên phải tự trau dồi vì môi trường số thay đổi rất nhanh.
Về đào tạo kĩ năng số chuyên sâu cho phóng viên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận thấy, đây là vấn đề của cơ quan báo chí, phải đầu tư thì mới duy trì được tính cạnh tranh trên không gian số. Khi nâng ngạch phóng viên, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đưa nội dung chứng chỉ về kỹ năng số, đây là điều kiện bắt buộc thi đối với phóng viên để làm việc, các cơ quan báo chí chủ quản có thể hỗ trợ.