Bộ Thương mại Trung Quốc phản đối kế hoạch tăng thuế của Mỹ
Một cảng hàng hóa ở Trung Quốc - Nguồn: JOC
* Mỹ - Nhật đạt đồng thuận lớn hướng tới ký thỏa thuận thương mại
Ngày 24/8, Bộ Thương mại Trung Quốc ra thông báo phản đối mạnh mẽ quyết định của Mỹ tăng thuế với số hàng hóa Trung Quốc trị giá 550 tỉ USD và cảnh báo các hậu quả mà Washington sẽ phải gánh chịu nếu không chấm dứt "những hành động sai lầm”.
Thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc nêu rõ chủ nghĩa bảo hộ thương mại một cách đơn phương và mang tính "ức hiếp" cùng chiêu thức gia tăng tối đa sức ép, đã vi phạm những đồng thuận chung giữa hai quốc gia, vi phạm nguyên tắc cùng tôn trọng và cùng có lợi, làm hủy hoại nghiêm trọng hệ thống thương mại đa phương và trật tự thương mại thế giới.
Trước đó, ngày 23/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington sẽ tăng 5% thuế với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Thông báo của Tổng thống Trump đăng tải trên Twitter nêu rõ Mỹ sẽ tăng mức thuế hiện tại với số hàng hóa nhập từ Trung Quốc trị giá 250 tỉ USD từ mức 25% lên 30% từ ngày 1/10 tới. Đồng thời, ông Trump cũng tuyên bố tăng mức thuế dự kiến áp với số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc còn lại trị giá 300 tỉ USD từ 10% lên 15%.
Tuyên bố của ông Trump được đưa ra vài giờ sau khi khi Bắc Kinh công bố kế hoạch áp thuế trả đũa với số hàng hóa nhập từ Mỹ trị giá 75 tỉ USD. Trung Quốc cũng sẽ xúc tiến áp mức thuế 25% với ôtô nhập khẩu và 5% với các phụ tùng ôtô nhập khẩu từ Mỹ vốn đã bị trì hoãn từ hồi tháng 12/2018.
Như vậy, tính tới cuối năm nay, hầu như mọi hoạt động xuất và nhập khẩu giữa hai quốc gia đều bị tác động bởi tình trạng căng thẳng.
Rất nhiều công ty Mỹ phụ thuộc nguồn cung từ Trung Quốc đang đặc biệt lo ngại trước những diễn biến mới này. Đầu tuần qua, cố vấn kinh tế Nhà Trắng cho biết Washington đang chuẩn bị cho các cuộc đối thoại trực tiếp giữa các quan chức hai bên vào tháng 9 tới. Hiện vẫn chưa rõ cuộc gặp song phương liệu có diễn ra sau những động thái kể trên hay không.
Trong khi đó, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cảnh báo về những nguy cơ suy giảm đối với nền kinh tế Mỹ do tình hình bất ổn thương mại gia tăng, giữa lúc chính sách tiền tệ không còn phù hợp để giải quyết những hậu quả của tranh chấp thương mại.
Tại hội nghị nghiên cứu thường niên của Fed, diễn ra ở Jackson Hole, Wyoming ngày 24/8, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhận định bất ổn trong chính sách thương mại dường như đang đóng vai trò chính trong việc kéo đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại cũng như làm suy yếu hoạt động chế tạo và chi tiêu vốn tại Mỹ. Mặc dù chính sách tiền tệ là một công cụ mạnh có chức năng hỗ trợ chi tiêu tiêu dùng, đầu tư doanh nghiệp và niềm tin của người dân, song nó không thể cung cấp một quy tắc giải quyết cho thương mại quốc tế. Quan điểm của ông Powell đã nhận được sự ủng hộ từ các quan chức khác của Fed, các học giả và thống đốc các ngân hàng trung ương trên toàn cầu tham gia hội nghị.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn kênh CNBC, Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida nói: “Tôi cho rằng điều Chủ tịch Powell muốn chỉ ra rằng Mỹ không có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề nền kinh tế sẽ phản ứng ra sao trước tình hình hiện nay, bởi 50 năm vừa qua thực sự là một giai đoạn của tự do hóa thương mại và chúng ta hiện đang ở một thời kỳ khác”. Quan chức này nói thêm bất ổn về chính sách thương mại “đang tác động xấu” tới đầu tư và hoạt động kinh tế trong nhiều lĩnh vực.
Trong diễn biến khác, Nhật Bản và Mỹ đã đạt một đồng thuận lớn trong các cuộc đàm phán thương mại, và lãnh đạo hai nước hy vọng sẽ thảo luận bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) ở Pháp. Phát biểu với báo giới tại Washington ngày 24/8, Bộ trưởng Nhật Bản phụ trách đàm phán thương mại với Mỹ Toshimitsu Motegi cho biết: "Chúng tôi đã đạt một tiến bộ lớn. Tiến bộ này sẽ được xác nhận tại hội nghị thượng đỉnh Nhật - Mỹ".
Thông báo trên được đưa ra sau 3 ngày đàm phán song phương kéo dài giữa ông Motegi với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer. Đài NHK và hàng loạt nhật báo của Nhật đưa tin các quan chức hai bên đã nhất trí rằng Nhật Bản sẽ đánh thuế nông sản Mỹ ở mức tương đương với các thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận mà Mỹ đã rút. Hai bên cũng nhất trí rằng Nhật Bản sẽ giảm thuế đối với thịt bò và thịt heo của Mỹ ở mức trong TPP, song sẽ áp đặt hạn ngạch đối với bơ và sữa tách chất béo.
H.T (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)