Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2026–2030: Hướng đến hiện đại hóa
Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2026–2030: Hướng đến hiện đại hóa nông thôn Việt Nam, mục tiêu là hoàn thiện hệ thống tiêu chí phù hợp với bối cảnh mới sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, thúc đẩy xây dựng nông thôn hiện đại, phát triển bền vững.
Sáng nay (25/7), tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội nghị tham vấn Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới (NTM) các cấp giai đoạn 2026–2030, với sự tham dự của đại diện các bộ, ngành, địa phương và chuyên gia. Mục tiêu là hoàn thiện hệ thống tiêu chí phù hợp với bối cảnh mới sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, thúc đẩy xây dựng nông thôn hiện đại, phát triển bền vững.
Qua ba giai đoạn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM từ 2010 đến nay, Bộ tiêu chí quốc gia đã là công cụ quan trọng trong định hướng, giám sát và đánh giá kết quả. Tuy nhiên, giai đoạn 2021–2025 vẫn còn nhiều bất cập như ban hành chậm, nội dung cồng kềnh, chưa phù hợp vùng miền. Một số tiêu chí như thu nhập, nghèo đa chiều, môi trường, an toàn thực phẩm còn đạt thấp, nhất là tại miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Do vậy, Bộ tiêu chí giai đoạn mới cần đảm bảo tinh thần “đột phá, linh hoạt, bao trùm”, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh cả nước chỉ còn 3321 xã và 34 tỉnh, thành phố sau 1/7/2025.

Hội nghị tham vấn Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới (NTM) các cấp giai đoạn 2026–2030.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam cho biết, vấn đề xử lý môi trường nông thôn, đó là vấn đề trọng yếu của nông thôn hiện nay thì tách ra rồi. Nhóm tiếp theo là hệ thống chính trị và hành chính công; Nhóm tiếp theo khoa học công nghệ và chuyển đổi số, thì trên cơ sở Nghị quyết 57 chúng tôi đưa thành một nội dung riêng, thành một nhóm tiêu chí giao về địa phương, kể cả chuyển đổi số. Chuyển đổi số tới đây là vấn đề trọng tâm để thúc đẩy phát triển nông thôn thì mình đưa thành một nhóm tiêu chí riêng; Rồi nhóm tiếp cận pháp luật và an ninh quốc phòng. Tiếp cận pháp luật ở đây chủ yếu là dân tiếp cận pháp luật, từ pháp luật này vấn đề an ninh, trật tự an ninh quốc phòng gắn với nhau thì chia thành nhóm đó.
Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho rằng, nội dung quan trọng, tiêu chí quan trọng số 1 là quy hoạch thì đề nghị nghiên cứu kỹ thêm. Bởi vì chúng ta vẫn nói là thay đổi cấp chính quyền địa phương, cụ thể ở đây, xã từ hơn hơn 10.000 xã còn hơn 3.000 xã. Thay đổi hẳn này đã đem theo yếu tố đầu tiên chính là quy hoạch phải như thế nào? Bây giờ tỉnh cũng khác, có 34 tỉnh. Do đó, vùng trọng điểm cũng sẽ khác, phạm vi kinh tế cũng sẽ khác.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến đồng thuận việc cần xây dựng “mức sàn” thống nhất cho các vùng, bảo đảm ngân sách, hạ tầng, thu nhập, an sinh xã hội không để tụt hậu vùng khó khăn.
"Thêm là tiêu chí văn hóa. Văn hóa có suốt trong đời sống của con người. Cái bắt tay trong Hội nghị cũng là văn hóa. Văn hóa trong sản xuất cũng vậy. Tại sao có hàng giả? Là vì thiếu văn hóa, thiếu lương tâm. Còn nếu có văn hóa, thì không để xảy ra chuyện đó. Theo tôi là nên tách ra để thành 8 nhóm tiêu chí", Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng đề xuất bổ sung tiêu chí văn hóa.
Hội nghị lần này là bước quan trọng trong xây dựng Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn mới. Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tổng hợp góp ý, tổ chức hội thảo chuyên đề, đăng tải dự thảo trên cổng thông tin điện tử trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ban hành vào cuối năm 2025.