Bộ TN&MT nói gì về kịch bản TP.HCM bị nhấn chìm trước năm 2030?
Các chuyên gia của Bộ TN&MT cho biết với kịch bản nước biển dâng 13 cm vào năm 2030, quy mô vùng ngập ở TP.HCM thấp hơn nhiều so với kịch bản Climate Central đưa ra.
Nội dung trên được đưa ra tại Hội thảo công bố kết quả của Hội nghị COP26, do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức chiều 7/12. Tại đây, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã công bố kịch bản biến đổi khí hậu tại Việt Nam theo phiên bản cập nhật mới nhất.
47% diện tích ĐBSCL nguy cơ ngập
Theo đơn vị này, biểu hiện của biến đổi khí hậu ở Việt Nam là số áp thấp nhiệt đới hoặc bão trên Biển Đông có xu hướng tăng nhẹ, đồng thời số cơn bão mạnh cũng tăng trong vòng từ năm 1990 đến 2018.
Trong 60 năm qua, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam tăng 0,89 độ C. Số ngày nắng nóng có xu thế tăng trên cả nước, số ngày rét đậm và rét hại giảm. Cùng với các quốc gia trên toàn thế giới, Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu.
Về kịch bản biến đổi khí hậu thời gian tới, đại diện Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết vào khoảng cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ trên cả nước có xu thế tăng so với thời kỳ các năm 1986-2005, trong đó khu vực phía Bắc tăng 2-2,3 độ C và phía Nam tăng 1,7-1,9 độ C.
Đồng thời, trong 80 năm nữa, số ngày nắng nóng trên cả nước cũng được dự báo tăng 80-100 ngày, trong khi số ngày rét đậm, rét hại ở miền Bắc tiếp tục giảm. Hà Nội và các tỉnh, thành phố Đồng bằng Bắc Bộ có thể chỉ xuất hiện 5-9 ngày rét hại trong mùa đông.
Nắng nóng gia tăng khiến số tháng gặp hạn tăng ở Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Số lượng bão mạnh đến rất mạnh cũng có xu thế tăng trong vài chục năm tới. Giai đoạn cuối thế kỷ, Biển Đông có thể xuất hiện 2-4 cơn bão mạnh cấp 12-13 trong mùa mưa bão.
Đáng lưu ý, TS Huỳnh Thị Lan Hương, Phó viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, cho biết theo chỉ đạo của Bộ TN&MT, đơn vị đã nghiên cứu ý kiến của Climate Central về kịch bản nhiều nơi ở phía đông TP.HCM có thể bị nhấn chìm trước năm 2030.
Theo bà Hương, những phân tích về bản đồ sụt lún của TP.HCM cho thấy với kịch bản nước biển dâng 13 cm trong 9 năm tới, tỷ lệ ngập trên toàn thành phố thấp hơn nhiều, đồng thời tập trung ở phía tây chứ không phải phía đông như kịch bản Climate Central đưa ra.
Còn với kịch bản nước biển dâng 100 cm vào cuối thế kỷ, TP.HCM nguy cơ ngập 17,15% diện tích, đồng bằng sông Hồng ngập 13,2%. Trong khi đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có thể ngập tới 47,29% diện tích, tăng 9% so với kịch bản trước đó được đưa ra năm 2016.
"Những phân tích này mới chỉ dựa trên các mô hình tính toán ban đầu. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị để nghiên cứu và công bố kịch bản chính xác nhất, giúp các nhà khoa học cũng như bộ, ngành, địa phương lên phương án ứng phó phù hợp", bà Hương cho biết.
Bên cạnh đó, bà Hương cũng khuyến cáo các phân tích trên không phải dự báo mà chỉ là các công cụ để đánh giá nguy cơ, rủi ro dựa trên các kịch bản phát thải cho đến cuối thế kỷ.
"Không có kịch bản biến đổi khí hậu tốt nhất mà chỉ có kịch bản phù hợp nhất, nên khi lựa chọn sử dụng kịch bản, người dùng cần có thời gian xác định chính xác nhu cầu và thực hiện theo hướng dẫn", bà Hương nói và cho biết kịch bản biến đổi khí hậu phiên bản sau dự kiến cập nhật vào năm 2024-2025.
Phát triển ít phát thải là xu thế chủ đạo
Tại hội thảo, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh kịch bản trên là cơ sở để các nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước và các đối tác quốc tế tham khảo, giúp Việt Nam có nhiều thay đổi trong tiếp cận quy hoạch để phát triển kinh tế, xã hội, kinh tế tuần hoàn theo hướng thích ứng tốt và cân bằng hơn trước biểu hiện ngày một nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
Nhấn mạnh biến đổi khí hậu là một thách thức khẩn cấp với nhân loại trên toàn cầu nhưng cũng đến từ nguyên nhân là con người, ông Hà cho biết Hội nghị COP26 vừa qua đã thể hiện nỗ lực chung của các quốc gia qua việc cam kết, thỏa thuận ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo đó, Hội nghị COP26 đánh dấu sự chuyển đổi mang tính đột phá trong mô hình phát triển trên thế giới, từ dựa trên năng lượng hóa thạch, sang phát triển ít phát thải, hướng tới phát thải ròng bằng "0".
Vấn đề chuyển đổi sang năng lượng sạch và nhanh chóng chấm dứt sử dụng than cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. Các nguồn tài chính quốc tế cho phát triển điện than sẽ sớm chấm dứt và chuyển sang tập trung hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, duy trì, phát triển rừng và bảo vệ các hệ sinh thái.
Các cam kết mạnh mẽ và những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại Hội nghị được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thời gian tới, phát triển ít phát thải sẽ là xu thế chủ đạo để Việt Nam tiếp tục thay đổi toàn diện mô hình phát triển từ dựa trên năng lượng hóa thạch, sử dụng nhiều tài nguyên sang mô hình phát triển theo hướng ít phát thải. Đây cũng là xu hướng chung toàn cầu.
Trước đó ngày 7/11, Climate Central đưa ra cảnh báo nhiều thành phố ven biển trên khắp thế giới, bao gồm TP.HCM, có nguy cơ bị nước biển nhấn chìm sớm hơn dự báo trước đây. Nguyên nhân là biến đổi khí hậu khiến băng ở hai cực tan với tốc độ báo động.
Theo kịch bản này, nhiều nơi ở TP.HCM có thể chìm trước năm 2030, đặc biệt là khu vực phía đông nằm cạnh sông Sài Gòn và khu Thủ Thiêm.