Bộ tộc 60 ngàn năm săn lùng cá sấu trong rừng thẳm
Từ 60.000 năm trước, những thổ dân châu Úc đã dựa vào kỹ năng săn cá sấu siêu việt để tồn tại.
Giữa thế giới hiện đại vẫn tồn tại những tộc người nguyên thủy sống trong những cánh rừng rậm rạp. Họ sinh sống trong một quần thể đặc biệt, họ có những tập tục khiến nhiều người khiếp sợ.
Chúng ta đang nói đến tộc người Yolngu ở Phía Bắc Australia đã tồn tại gần 60.000 năm như thế với nghề nguy hiểm nhất thế giới: Săn cá sấu đầm lầy.
Dân số người Yolngu vào khoảng 16.000 người trên vùng đất rộng 97.000m2. Họ là những người bản địa đầu tiên xuất hiện trên lãnh thổ châu Úc trong khoảng 40.000 tới 60.000 năm trước.
Ban đầu họ cùng chung sống với hàng trăm tộc người khác nhau, với tổng cộng 250 loại ngôn ngữ thổ dân bản địa.
Tuy nhiên, kể từ sau khi James Cook (người châu Âu đầu tiên đặt chân đến châu Úc) tới đây năm 1770, các bộ tộc ở đây trải qua hơn 200 năm đen tối với thảm sát, bệnh tật, xâm chiếm…
Theo truyền thuyết của người Yolngu, Trái Đất ban đầu là một vũng lớn toàn bùn và đất sét. Sau đó, các đấng tổ tiên nổi lên từ lòng đất hoặc xuất hiện từ bầu trời. Các đấng tổ tiên đã khai sinh ra tất cả mọi thứ, từ sinh vật, con người cho tới trí tuệ, hy vọng và niềm vui. Họ là đấng tối thượng và mọi chỉ dẫn của họ cho con cháu đời sau đều cần phải được tuân thủ một cách nghiêm túc.
Cuộc sống của người dân nơi đây dường như không có nhiều thay đổi trong suốt hàng vạn năm qua, họ sống hòa mình giữa thiên nhiên từ lúc sinh ra cho tới khi về với đất.
Roy Gaykamangu, một người đàn ông thuộc bộ lạc Yolngu đang tiến vào một khu rừng ở phía Đông hòn đảo để bắt đầu cho chuyến đi săn thường nhật.
Ngoài khẩu súng trường là thứ phương tiện hiện đại duy nhất, thợ săn nơi đây chủ yếu sử dụng những kỹ năng nguyên thủy đã được tổ tiên truyền lại từ biết bao thế hệ đã qua.
Họ không mang theo lương thực khi đi săn, khu rừng sẽ cung cấp hầu hết các nhu yếu phẩm trong suốt chuyến đi có thể kéo dài ngày này sang ngày khác.
Người thợ săn có tên Robert Gaykamangu này vừa bắn được một con ngỗng khi băng qua con sông cụt trên đường đi.
Trong khi đó Marcus Gaykamangu, một thợ săn khác, lại kiếm được một chú thằn lằn bản địa có tên gọi là Goanna.
Con thằn lằn sau đó được nướng nguyên trên đống lửa, trở thành bữa ăn trưa khá thịnh soạn cho cả nhóm thợ săn. Tuy nhiên đối tượng chính của chuyến săn lại là một cái tên ấn tượng hơn nhiều, đó chính là loài cá sấu – những sát thủ ghê gớm nhất trong rừng già châu Úc.
Johnny, đứa cháu trai ba tuổi mà Roy Gaykamangu dẫn đi cùng, tỏ ra không hề sợ hãi khi đứng trước những con vật mà bình thường có thể giết chết cậu chỉ trong nháy mắt.
Cả ba thế hệ nhà Roy đều có mặt trong chuyến đi săn, người đang vác con cá sấu trên vai – Marcus – chính là con trai của ông, bố cậu bé Johnny.
Cá sấu mà họ săn chủ yếu thuộc loài cá sấu nước ngọt, tuy không ghê gớm bằng những con cá sấu nước mặn khổng lồ nhưng lại cực kỳ nhanh nhẹn và hung dữ.
Ngoài ra, chúng còn có khả năng ẩn nấp cực kỳ hiệu quả mà nếu không phải những cặp mắt tinh tường và đầy kinh nghiệm của thợ săn bản địa, thì chẳng thể nào phát hiện ra.
Marcus Gaykamangu đang giơ cao con cá sấu nhỏ mà anh vừa dùng tay không để bắt, ngay giữa đầm lầy, nơi trú ẩn của bầy cá sấu trong rừng.
Thợ săn chỉ dùng đến súng khi gặp những con cá sấu lớn và nguy hiểm, những con vật còn lại thì dễ dàng bị họ khống chế bằng tay.
Cha con Roy đang dùng các khúc cây để thăm dò trong một ụ rễ cây nằm ngay dưới nước, những nơi như thế này là chỗ ẩn nấp ưa thích của cá sấu trong đầm.
Ông có thể dễ dàng phát hiện và bắn chết con cá sấu đang lặn sâu dưới mặt nước, ngay cả khi người chụp ảnh còn chưa kịp trông thấy dấu hiệu gì.
Tuy nhiên, không phải nhờ thế mà các thợ săn luôn tránh được hung hiểm, bằng chứng là vết sẹo vừa mới kéo da trên ngực của Bruce Gaykamangu, một thợ săn khác trong đoàn.
Trước khi đi săn bao giờ họ cũng phải tổ chức một buổi lễ với các điệu nhảy tâm linh truyền thống để cầu xin các linh hồn tổ tiên bảo hộ cho mình.
Hàng vạn năm trước, tổ tiên người Yolngu đã sinh sống hòa hợp với Mẹ Thiên nhiên nhưng chỉ e con cháu của họ sẽ không còn cơ hội đó, khi mà loài người đang hủy hoại chính môi trường sống của mình.