Bộ tộc bản địa đặc biệt của đất nước Bhutan

Bộ tộc Lhop (còn được biết đến với tên gọi Doya) là những cư dân bản địa lâu đời nhất định cư tại phía Tây Nam Bhutan. Trong ngôn ngữ địa phương, 'Lhop' có nghĩa là người phương Nam. Người Lhop sống tại các thung lũng thuộc làng Dorokha Gewog, quận Samtse, Bhutan.

Một gia đình người Lhop. Ảnh: DAILYBHUTAN.COM

Một gia đình người Lhop. Ảnh: DAILYBHUTAN.COM

Trước đây, khu vực sinh sống của cộng đồng bộ tộc Lhop khá biệt lập với các khu vực khác của Bhutan. Vì vậy, nền văn hóa của bộ tộc Lhop khá cổ xưa và khác biệt với văn hóa chính thống của Bhutan. Nguồn gốc của người Lhop vẫn còn là một bí ẩn. Người Lhop tin vào các sức mạnh siêu nhiên đến từ đất, nước, mưa, rừng, thực vật và động vật sẽ chi phối năng suất nông nghiệp. Do đó, thông qua nghi lễ, người Lhop sẽ cúng tế đồ ăn, thức uống để cầu cho mùa màng tươi tốt.

Cộng đồng người Lhop rất gắn bó với nhau. Người Lhop không hỏa táng mà chôn người đã mất trong quan tài bằng gỗ và gắn phiến đá phía trên ngôi mộ. Đồng thời, trên ngôi mộ có một túp lều và hàng rào xung quanh được dựng lên để bảo vệ mộ khỏi mưa nắng.

Một điểm nổi bật nhất của người Lhop là trang phục truyền thống của họ. Đàn ông và phụ nữ Lhop đều mặc một loại trang phục quấn quanh người được gọi là “pakhi” được làm từ sợi cây tầm ma. Ngày nay, người Lhop thường mặc quần áo hiện đại. Do lo ngại trang phục truyền thống “pakhi” có thể bị mai một, nên trẻ em Lhop được yêu cầu mặc pakhi ít nhất 2 lần một tuần.

Thức ăn chủ yếu của người Lhop bao gồm các loại ngũ cốc, rễ cây và thịt. Ngũ cốc phổ biến nhất là ngô. Bộ tộc Lhop thường chỉ ăn đồ luộc và ăn các món từ thịt nhiều hơn rau. Các loại rau phổ biến được người Lhop trồng là măng, bí và các loại rau lá khác. Trong mỗi ngôi nhà của người Lhop thường treo thịt lợn khô trên các lò sưởi. Thời xa xưa khi còn sống bằng săn bắn và hái lượm, người Lhop hay ăn thịt khỉ. Nhưng ngày nay, giống như các cộng đồng khác, thực phẩm chính của họ là thịt lợn, bò, gà và cá. Một trong những cây trồng chính của người Lhop là cây thảo quả. Tại làng Dorokha Gewog, các bản của người Lhop được bao bọc bởi rừng cây thảo quả xanh tốt. Vào mùa thu, người Lhop thường thu hoạch và sấy thảo quả để ăn. Tục lệ sấy thảo quả đã có từ xa xưa tại các làng của người Lhop. Hiện nay, bên cạnh cách thức sấy cũ, người Lhop cũng đã tiếp tục với công nghệ mới để cải thiện chất lượng sấy quả. Các sản phẩm thảo quả chất lượng do người Lhop sản xuất đã được các xuất khẩu sang nước láng giềng Bangladesh.

Lễ hội chính của bộ tộc Lhop được gọi là lễ hội Loh. Trong tiếng địa phương, “Loh” có nghĩa là “năm”. Hằng năm, lễ hội diễn ra trong 3 ngày vào tháng 9 dương lịch. Trong lễ hội Loh, người Lhop bày tỏ lòng kính trọng đối với tổ tiên và tín ngưỡng địa phương. Theo truyền thống, trong ngày lễ Loh, mỗi gia đình Lhop sẽ cúng gà trống và dâng lên tổ tiên và thần hộ mệnh của gia đình. Tại lễ Lhop, đàn ông Lhop sẽ tham gia chơi bắn cung truyền thống và chơi trò ném phi tiêu (có tên gọi “Khuru”). Người Lhop thường rất hào phóng khi mời những người không thuộc bộ tộc như nhân viên y tế hoặc nhân viên làm việc trong trường học tới dự các bữa tiệc trong lễ hội Loh. Mỗi buổi tối, người Lhop thường nghe các tin tức được phát trên đài phát thanh địa phương bằng tiếng Lhop. Sáng kiến về kênh phát thanh bằng tiếng Lhop được cộng đồng người Lhop phát triển nhằm thúc đẩy và bảo tồn ngôn ngữ bản địa.

Sau một thời gian dài sống trong các khu vực hẻo lánh, hiện nay, nhờ quá trình hiện đại hóa nên các hoạt động sinh kế của người Lhop đã từng bước chuyển hướng sang nền kinh tế hiện đại với các khu định cư mới. Song hầu hết, bộ tộc Lhop vẫn sống phụ thuộc vào các ngành nông nghiệp, chăn nuôi và trồng thảo quả.

Thu Minh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bo-toc-ban-dia-dac-biet-cua-dat-nuoc-bhutan-post444873.html