Bố tôi là một người lính

Từ thuở ấu thơ, trong suy nghĩ non nớt khờ dại của một đứa con, bố cô là một người lính mạnh mẽ, thô cứng. Đi qua bao vất vả khó khăn, vấp ngã trên đường đời, người cha - người lính kiên trung năm xưa mãi là chỗ dựa tinh thần ấm áp cho cô mỗi khi cô trở về nhà.

Con đã được nghe bà nội kể lại rằng, thời trai trẻ bố có dáng người cao gầy dong dỏng. Để đủ điều kiện nhập ngũ, bố đã giấu mấy cục đá bên trong người cho đủ cân nặng để được lên đường tòng quân.

Bố vào Nam tham gia kháng chiến tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Sau khi miền Nam được giải phóng, bố tiếp tục làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia suốt 10 năm. Bố trở về là một thương bệnh binh với tỷ lệ mất sức 65%.

Vì cuộc sống gia đình, bố của con tiếp tục trở lại miền Nam làm công nhân. Vì vậy mà tuổi thơ con và các anh, chị em thiếu tình cảm gần gũi của bố.

Hồi đó phương tiện giao thông đi lại chưa dễ dàng như bây giờ nên vài ba năm bố mới về nhà một lần vào dịp Tết. Con đã quen sự có mặt của bố trong gia đình qua những bức ảnh treo trên tường nhà. Con đã quen sự có mặt của bố trong những bức thư, mà mỗi chiều khi hoàng hôn dần tắt nắng, khói bếp nhà ai đang bảng lảng, là lúc tiếng xe đạp cót két của bác đưa thư chạy tới trước cổng nhà mình.

Con không kịp gọi mẹ, mà nhanh nhảu chân sáo chạy thẳng ra đón lấy thư từ tay bác bưu tá. Một khoảng không im lặng khi anh em con quây quần chờ mẹ bóc thư của bố, đọc cho các con nghe. Có những năm mùa xuân đã cận kề, mẹ đã nhặt sạch hết lá để chờ những nụ đào chúm chím bung nở, mà bố vẫn chưa về.

Ảnh minh họa: radio.voh.

Ảnh minh họa: radio.voh.

Có những khoảng thời gian bố về nhà, bố ở nhà rất lâu, có lẽ vì cơ quan hết việc và chắc là bố nhớ các con. Hồi bố không có nhà thì con mong mỏi nhận thư bố, mong được nghe điện thoại bố gọi về. Nhưng khi bố ở nhà chúng con lại né tránh bố. Bố bắt các con sinh hoạt ăn, ngủ phải đúng giờ giấc. Bố lôi từng đứa ra cái nền đã mọc những đám rêu lổm nhổm lỗ chỗ rồi múc từng gàu nước giếng xối ào ào từ trên đầu xuống, kỳ cọ bàn chân, bàn tay bé xíu đen đúa của con đến nỗi đỏ ửng. Bố đã đánh cho con một trận khi con bày trò chơi lấy cái manh chiếu trải ổ của con Vện để trùm lên đầu làm mái che.

Lớn lên một chút, có lần bố mang cả chai nước ngọt Coca mà anh chị em con đang uống đổ ra vườn nhà. Con lại nghe bố la mẹ rằng con hư thì tại mẹ. Con thấy sợ ánh mắt giận dữ của bố, thấy sợ dáng hình cao to của bố, vốn là một đại úy từng "thét ra lửa". Và bắt đầu con không thích bố, con không muốn bố ở nhà nữa, không muốn bố phá vỡ bầu trời tuổi thơ có quậy phá nông nổi của anh em con.

Rồi bố con lại đi. Trong vòng tay mẹ, những nàng công chúa và hoàng tử của bố cũng đã lớn và biết bay đi tìm những nơi trú ngụ mới.

Tuy nhiên trưởng thành rồi lại có những va vấp, tổn thương mà bài học cuộc đời mang đến cho các con của bố. Áp lực về học hành, với tính khí nông nổi muốn khẳng định mình, và cả những tổn thương mà trái tim non nớt lần đầu biết rung động trước một người xa lạ. Công chúa của bố cảm thấy bế tắc trong vòng luẩn quẩn như trầm cảm và từng muốn chấm dứt cuộc sống.

Ảnh minh họa: neurocardmax.

Ảnh minh họa: neurocardmax.

Những ngày khó khăn đó, người luôn bên con chăm sóc con là bố, người cõng con trên lưng và bước lên từng bậc cầu thang khi con từ viện trở về nhà cũng là bố. Bố cõng con vừa đi bố vừa hỏi: “Bớt mệt chưa con”.

Lúc đó con chẳng nói được gì, chỉ có hai hàng nước mắt lặng lẽ rơi trên gò má. Lần đầu tiên con có thể cảm nhận hơi ấm trên lưng bố tròn đầy nhất lại là lúc con trưởng thành. Con cuộn tròn trên lưng bố như chú mèo con nằm sưởi ấm, bờ vai bố vững chắc làm chỗ dựa cho những mảnh mai yếu đuối của con leo cuốn.

Ảnh minh họa: Tintuconline.

Ảnh minh họa: Tintuconline.

Trên lưng bố, giờ đây con mới hiểu vì sao những tháng ngày thơ ấu bố luôn vắng nhà, để anh chị em con được hãnh diện khoe với chúng bạn khi nhà mình có cái ti vi màu đẹp nhất xóm. Con mới hiểu những mùa xuân bố không về nhà để mẹ có cái xe đạp mới đạp đi chợ mua quần áo Tết cho anh em con. Con mới hiểu rằng những lúc bố nóng giận đổ chai nước ngọt Coca đi, rồi bố lại cặm cụi vắt nước cam đóng vào chai để dành cho các con uống. Ấy vậy mà tuổi trẻ cạn nghĩ đã không ít lần con làm bố buồn lòng.

Trưởng thành rồi, những nàng công chúa của bố cũng đã làm mẹ, biết mệt mỏi về gánh nặng kinh tế, lòng biết đau khi con nhỏ mang bệnh, biết thất vọng, tức giận khi con trái ý. Càng trải nghiệm được vòng tròn nhân sinh của con người bao nhiêu càng thấm thấu nỗi niềm của bố mẹ mình bấy nhiêu.

Vậy mà đã ở tuổi ngoài 70, bố của con thay vì được vui vầy bên con cháu, được con gái lấy chồng gần nhà mua cho đồng quà tấm bánh như những ông ngoại khác, được gặp gỡ li rượu chén trà với đồng đội cũ, thì bố vẫn phải xuôi ngược lo toan, lo chăm sóc đứa con gái đầu của bố bị bệnh ung thư đại tràng.

Những ngày con được về nhà chăm sóc chị, bố dặn con không được khóc, dặn con phải mạnh mẽ, để chị khóc sẽ bị nghẹn không thở được mà nguy hiểm đến tính mạng. Con đã dạ vâng, nhưng khi con nhìn chị, con cầm bàn tay gầy guộc run run cắt móng tay cho chị, con cứ vậy mà khóc òa, khóc nghẹn.

Gia đình vẫn là nơi con trở về khi con mỏi mệt. Ảnh minh họa: Internet.

Gia đình vẫn là nơi con trở về khi con mỏi mệt. Ảnh minh họa: Internet.

Rồi như sực nhớ ra điều gì, con im bặt giấu nước mắt vào trong. Những ngày chị con đau đớn quá, phải tiêm tới 7 mũi morphin giảm đau, anh rể không thể cầm xilanh tiêm vào da thịt chị. Bố lại là y tá bất kể ngày hay đêm, vào giờ nào bố cũng lặng lẽ tiêm và động viên xoa dịu chị. Con nói bố giỏi thế, bố lại bảo bố đi ba nước Đông Dương, ở rừng thiêng nước độc, biết bao lần đối diện, cận kề cái chết, có gì bố phải sợ đâu.

Nhưng rồi chị con cũng bỏ lại tất cả mà đi xa. Bố phải nén nỗi đau người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh để chu toàn cho chị yên nghỉ. Bố lại là bờ vai, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho mẹ và các con khi gia đình phải sinh ly tử biệt.

Đi qua bao vất vả khó khăn, vấp ngã trên đường đời thì gia đình vẫn là nơi con trở về khi con mỏi mệt. Con cảm ơn bố vì con đã được làm công chúa của bố - một người lính kiên trung.

Lưu Hường

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/bo-toi-la-mot-nguoi-linh-254798.htm