'Bố tôi tìm bạn hẹn hò qua Tinder giữa Covid-19'
Nhà văn Dina Gachman chia sẻ với New York Times về quá trình thay đổi suy nghĩ, ủng hộ bố tìm bạn hẹn qua app kết đôi nhiều năm sau khi ông mất đi bạn đời.
Mùa thu năm ngoái, 2 năm sau khi mẹ tôi qua đời, cả nhà bàng hoàng phát hiện bố tôi - một người đàn ông 70 tuổi - đang dùng ứng dụng hẹn hò Tinder.
Do bố tôi đã lớn tuổi, lại hết mực yêu thương người vợ quá cố, việc ông tìm đối tượng hẹn hò qua mạng trở thành cú sốc lớn với chị em tôi. Không ai nghĩ rằng ông ấy sẽ mở lòng sau mất mát kia, huống chi là kết đôi trực tuyến.
"Ai cũng dùng app hẹn hò"
Tôi nghĩ rằng sẽ không công bằng nếu buộc bậc sinh thành sống khép mình, đóng cửa trái tim sau khi mất đi bạn đời. Nhưng với tư cách một người từng nhiều lần tìm đối tượng trên mạng, tôi biết bố mình không phải tuýp người phù hợp với việc này.
Dù có khả năng chăm sóc bản thân, ông vẫn là một người lớn tuổi - đối tượng dễ bị lừa đảo qua mạng. Hơn hết, bố tôi chưa từng hẹn hò bất kỳ ai kể từ năm 1969, lúc gặp gỡ mẹ tôi.
Thực tế, vài tháng sau khi mẹ tôi qua đời, một người quen từng ngỏ ý giới thiệu cho bố tôi làm quen một phụ nữ khác. Tuy nhiên, các chị tôi - Amy và Kathryn - dứt khoát từ chối với lý do "ông ấy chưa sẵn sàng cho mối quan hệ mới".
Ở thời điểm ấy, chúng tôi không chắc rằng bố tôi có muốn gặp gỡ người mới hay không, có thể vượt qua nỗi đau mất vợ hay không nên quyết định giấu nhẹm chuyện này.
Tới giờ, các chị tôi vẫn nhất quyết phản đối việc bố hẹn hò, dù họ có là người tốt hay không.
Ajita Robinson, chuyên gia tâm lý kiêm tác giả cuốn The Gift of Grief, từng nói: "Việc cha, mẹ hẹn hò với người khác có thể khiến các thành viên khác cảm thấy bất bình. Họ sợ rằng người thân đã mất sẽ bị thay thế khỏi hệ thống gia đình".
Tìm đối tượng để bớt cô đơn
2 năm trôi qua, chị em tôi dần bận bịu với gia đình riêng, công việc riêng. Còn bố tôi vẫn lẻ loi một mình, hàng ngày xem những bộ phim cũ cùng chú mèo 16 tuổi.
Tôi từng đọc nhiều báo cáo về tình trạng cô đơn, tuổi thọ chứng minh việc có một người bạn đồng hành sẽ giúp con người, nhất là nam giới, sống lâu hơn.
Tôi đã mất mẹ, và chỉ mong rằng bố có thể sống càng lâu càng tốt. Tôi nghĩ rằng nếu hẹn hò có thể giúp ông ấy sống tích cực hơn, vui vẻ hơn, thì con cái nên ủng hộ.
Tôi dần học cách chấp nhận mong muốn kết bạn của ông, song vẫn yêu cầu bố tôi xóa Tinder để tránh nguy cơ bị lừa đảo trên mạng. Bố tôi nói rằng giữa dịch bệnh, việc lướt ứng dụng đó giúp ông giết thời gian, khi không thể quây quần cùng con cái hay dùng bữa với bạn bè.
Với ông, ứng dụng hẹn hò không nhất thiết phải đem lại một đối tượng hoàn hảo, chỉ là cách thức giúp ông có người nói chuyện, hoặc có người đi ăn tối, đi dạo cùng.
Vì thế, vào một tối thứ 6 nọ, tôi qua nhà bố, ngỏ ý giúp ông chỉnh sửa hồ sơ trên Tinder. Việc đầu tiên là xóa hết các bức ảnh gia đình, vì sợ rằng sẽ có người tấn công cháu gái ông dựa vào những hình ảnh này.
Bố tôi kể rằng vì sợ các con phản đối, ông phải nhờ chủ tiệm giặt là gần nhà chụp cho mình một tấm hình tử tế để làm ảnh đại diện.
"Bố không nói cho anh ta biết bức hình này dùng để làm gì", ông lúng túng.
Trái tim tôi như bị bóp nghẹt khi tưởng tượng cảnh bố mình đứng ở tiệm giặt là, gượng cười trước máy ảnh và cảm thấy ngại ngùng vì mong muốn của mình.
Vài tháng sau, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và các lệnh hạn chế được nới lỏng, bố tôi bắt đầu gặp gỡ một vài người, mời họ dùng bữa tối.
Giờ, mỗi lần tới thăm, tôi và bố sẽ cùng nhau thảo luận về ứng dụng hẹn hò, chia sẻ cảm xúc và các xu hướng hẹn hò hiện đại.
Dù vậy, ông vẫn thường nhắc tới mẹ tôi, nhận xét rằng so với những người bạn ông gặp gỡ trên ứng dụng hẹn hò, bà ấy vẫn là người đặc biệt nhất.
Với ông ấy, mẹ tôi vẫn luôn chiếm vị trí không thể thay thế trong trái tim, tâm hồn ông. Có thể bố tôi sẽ không tìm được một ai giống như vậy, nhưng ông có thể tìm và bầu bạn với một ai đó tử tế.
Trong tương lai, có thể bà ấy sẽ xuất hiện. Người ấy sẽ không hoàn hảo, nhưng tôi hy vọng bà ấy sẽ xoa dịu nỗi cô đơn của bố tôi, cùng ông đi hết chặng đường đời.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bo-toi-tim-ban-hen-ho-qua-tinder-giua-covid-19-post1229316.html