Bố trí hiệu quả đảng viên là bộ đội xuất ngũ

Hàng năm, cùng với việc đưa thanh niên lên đường nhập ngũ, các địa phương đã đón số lượng lớn quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trong đó có nhiều đảng viên.

Anh Bùi Bình Minh (thứ hai từ trái qua), Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, thăm hỏi, tặng quà, động viên, thanh niên của xã lên đường làm nghĩa vụ quân sự năm 2024. Ảnh:NVCC

Anh Bùi Bình Minh (thứ hai từ trái qua), Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, thăm hỏi, tặng quà, động viên, thanh niên của xã lên đường làm nghĩa vụ quân sự năm 2024. Ảnh:NVCC

Đây là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Tuy nhiên, cần có giải pháp hiệu quả để bố trí sử dụng được nhiều hơn nữa đảng viên là bộ đội xuất ngũ tham gia công tác tại địa phương.

Nguồn cán bộ cho địa phương

Theo Đảng ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, từ năm 2015 đến nay, Đồng Nai đã tiếp nhận 1.494 đảng viên là quân nhân xuất ngũ trở về địa phương. Trong đó nguồn của địa phương kết nạp giao các đơn vị quân đội là 847 đảng viên (chiếm 56,7%) và đảng viên được các đơn vị quân đội kết nạp là 647 đảng viên (chiếm 43,3%). Không ít đảng viên sau khi xuất ngũ về địa phương đã xác định rõ lập trường tư tưởng vững vàng, nêu cao tính tiên phong gương mẫu và trở thành những nhân tố tích cực trong các phong trào thi đua. Đây cũng là lực lượng góp phần tạo nguồn cán bộ có chất lượng cho nhiều địa phương.

Hiện nay, số lượng đảng viên là bộ đội xuất ngũ được tuyển vào các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh là 124 người (chiếm 8,3% trong tổng số đảng viên là bộ đội xuất ngũ). Đội ngũ đảng viên xuất ngũ về các địa phương đều giữ vững bản lĩnh chính trị, không ít đảng viên đã được bố trí vào các vị trí lãnh đạo ở cơ sở.

Khi đảng viên là bộ đội sau khi xuất ngũ có việc làm phù hợp sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm của người đảng viên, từng bước hạn chế việc đảng viên xin miễn sinh hoạt Đảng do phải đi làm ăn xa, hay phải làm đơn xin ra khỏi Đảng.

Năm 2008, anh Bùi Bình Minh được cấp ủy xã Quang Trung, huyện Thống Nhất kết nạp vào Đảng. 1 năm sau, anh trúng tuyển nghĩa vụ quân sự và được phân công về Trung đoàn 271, Sư đoàn 5. Đến năm 2011, anh xuất ngũ trở về địa phương, được cấp ủy xã bố trí làm phó chỉ huy và nay đang giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Quang Trung - một xã có 98% dân số là đồng bào Công giáo. Bản thân anh Minh cũng là đảng viên theo đạo Công giáo.

Hay như anh Nguyễn Thanh Sơn, sau 2 năm rèn luyện ở Trung đoàn Đồng Nai, năm 2008 xuất ngũ trở về địa phương, được bố trí vào lực lượng dân quân thường trực của phường, rồi giữ chức Phó chỉ huy trưởng, nay là Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự phường An Bình, thành phố Biên Hòa.

Đối với anh Trần Minh Quân, sau thời gian rèn luyện tại đơn vị, năm 2004, anh được kết nạp vào Đảng tại Lữ đoàn Tăng thiết giáp 26, Quân khu 7. Sau đó, anh xuất ngũ, được tuyển dụng vào làm nhân viên Bảo hiểm xã hội tỉnh, rồi giữ chức Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ đô thị huyện Nhơn Trạch. Hiện nay, anh làm Chủ tịch UBND xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch.

Cần các giải pháp hiệu quả hơn

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bố trí đảng viên là bộ đội xuất ngũ còn không ít khó khăn. Số đảng viên là bộ đội xuất ngũ tuy đã được quan tâm bố trí công việc tại địa phương nhưng vẫn còn ít so với tổng số đảng viên đã xuất ngũ. Không những thế, từ năm 2015 đến nay, có 116 đảng viên xuất ngũ không còn tham gia sinh hoạt Đảng. Bên cạnh đó, có 35 trường hợp xin ra khỏi Đảng; 23 trường hợp bị kỷ luật; 58 trường hợp bị xóa tên đảng viên. Thậm chí, có những đảng viên được bố trí công tác tại địa phương nhưng vẫn bỏ việc...

Theo các cấp ủy địa phương, việc sắp xếp công việc cho đảng viên là bộ đội xuất ngũ là điều không dễ vì liên quan đến biên chế, biên chế ít không thể bố trí số người vượt so với quy định. Một số trường hợp trình độ chuyên môn thấp, chưa đủ chuẩn theo quy định để bố trí công việc. Ngược lại có trường hợp được bố trí công việc, nhất là ở những vị trí cán bộ không chuyên trách, mức phụ cấp thấp, không đủ lo cho bản thân và gia đình nên xin nghỉ. Do đó, phần lớn bộ đội sau xuất ngũ thường đi làm xa nhà, làm trong các công ty, xí nghiệp.

Đảng ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cho rằng, để nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng đảng viên là bộ đội xuất ngũ, cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng đối tượng phát triển Đảng, gắn với công tác quy hoạch cán bộ địa phương. Trong đó, cần tăng cường phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp với các trường trung cấp, cao đẳng, đại học để xây dựng nguồn phát triển đảng viên trong quá trình học tập, sau khi ra trường tham gia nghĩa vụ quân sự. Đồng thời, có phương án quy hoạch, bố trí việc làm, công tác tại địa phương hoặc phục vụ lâu dài trong quân đội.

Để đảng viên sau khi xuất ngũ tiếp tục cống hiến, gắn bó với các phong trào của địa phương, đòi hỏi cấp ủy chi bộ cơ sở cần sâu sát, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, động viên tư tưởng để họ an tâm lao động, sản xuất tại địa phương. Muốn vậy, cấp ủy, chính quyền các địa phương các huyện, thành phố cần tập trung lãnh đạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế để đảng viên sau xuất ngũ có việc làm, cuộc sống ổn định, an cư lập nghiệp trên chính quê hương mình.

Phương Hằng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202406/bo-tri-hieu-qua-dang-vien-la-bo-doi-xuat-ngu-7943cea/