Bố trí, sắp xếp nhân lực dôi dư sau khi sáp nhập 3 quận thành TP.Thủ Đức
TPHCM đang khẩn trương, nỗ lực sắp xếp, tổ chức bộ máy sau khi TP.Thủ Đức hình thành nhằm nhanh chóng đưa đề án đi vào thực tiễn.
Sau khi Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có đề án thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức, dự kiến ngày 31/12, UBND TPHCM sẽ công bố Nghị quyết về việc thành lập TP.Thủ Đức.
Chính quyền thành phố đang khẩn trương, nỗ lực sắp xếp, tổ chức bộ máy sau khi thành phố Thủ Đức hình thành nhằm nhanh chóng đưa đề án đi vào thực tiễn.
Theo Sở Nội vụ TPHCM, thành phố Thủ Đức sẽ có diện tích 211,56 km2, dân số hơn 1 triệu người, với 34 phường. Sau khi sáp nhập 3 quận: Quận 2, Quận 9, quận Thủ Đức thành TP.Thủ Đức, tổng số cán bộ, công chức, viên chức của được giao năm 2020 là 1.221 người, số có mặt đến ngày 30/6/2020 là 1.127 người. Trong đó, bố trí ở thành phố Thủ Đức là 822 người, số người dôi dư sau sắp xếp là 399 người.
Đối với 399 người dôi dư này, trong năm 2021, TPHCM sẽ sắp xếp, bố trí 66 cán bộ, công chức và 26 viên chức, người lao động tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quận; điều động sang quận khác hoặc sở, ngành, thành phố; giải quyết chế độ nghỉ hưu (đúng tuổi, trước tuổi) hoặc không đủ chuẩn để tái cử sẽ giải quyết thôi việc.
Tương tự, thành phố sẽ sắp xếp những trường hợp còn lại trong các năm từ 2022 đến 2025. Trường hợp dôi dư không bố trí, sắp xếp được sẽ động viên thôi việc, hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định, chính sách của thành phố.
Tại thành phố Thủ Đức, Quận 2 sẽ sắp xếp hai phường gồm Thủ Thiêm và An Khánh. Về tổ chức nhân sự, trước mắt, TPHCM bố trí 25 cán bộ công chức và 10 người hoạt động không chuyên trách tại phường Thủ Thiêm; bố trí 37 cán bộ, công chức và 31 người hoạt động không chuyên trách tại phường An Khánh.
Đối với viên chức giáo dục, y tế, y tế cơ sở, thành phố giữ nguyên các trường học, điểm trường, trạm y tế và số biên chế hiện có theo định mức, tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế; đảm bảo việc giảng dạy cho học sinh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Về tổ chức bộ máy, năm 2021, Cơ quan Đảng TP.Thủ Đức có 128 biên chế công chức và hợp đồng lao động (sau năm 2025 giảm còn 92 người) tại các cơ quan Đảng gồm các chức danh: Bí thư, Phó Bí thư, Trưởng ban Tuyên giáo, Trưởng ban Dân vận, Trưởng ban Tổ chức, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, Chánh Văn phòng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể TP.Thủ Đức với 112 biên chế công chức chức danh lãnh đạo, sau năm 2025 giảm còn 76 người.
Trong khi đó, UBND TP.Thủ Đức có 657 biên chế công chức và hợp đồng lao động năm 2021 (sau năm 2025 giảm còn 459 người), bao gồm một Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch và Thủ trưởng các đơn vị gồm: Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Nội vụ, Tư pháp, Tài chính - Kế hoạch, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa - Thông tin, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Quản lý đô thị, Kinh tế, Thanh tra. Biên chế công chức và hợp đồng lao động sau năm 2025 giảm còn 459 người.
Theo Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi thành lập thành phố Thủ Đức sẽ giải thể Tòa án nhân dân Quận 2, Quận 9, quận Thủ Đức để thành lập Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức; giải thể Viện Kiểm sát nhân dân Quận 2, Quận 9, quận Thủ Đức để thành lập Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Đức. Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Đức sẽ kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân Quận 2, Quận 9, quận Thủ Đức theo quy định của pháp luật.
Để việc sử dụng trụ sở các đơn vị sau sắp xếp hiệu quả, hợp lý và tiết kiệm, Sở Nội vụ thành phố đề xuất trụ sở Ủy ban nhân dân Quận 2 cũ (số 168 Trương Văn Bang, phường Thạnh Mỹ Lợi) làm Thành ủy Thủ Đức, Thành ủy - Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thành phố Thủ Đức hoặc thành phố bố trí sử dụng cho nhu cầu khác.
Trụ sở Ủy ban nhân dân Quận 9 cũ (2/304 Xa lộ Hà Nội, phường Hiệp Phú) bố trí là trụ sở Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thành phố Thủ Đức, bố trí một số phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức hoặc bố trí làm Thành ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thành phố Thủ Đức.
Trụ sở Ủy ban nhân dân quận Thủ Đức cũ (43 Nguyễn Văn Bá, phường Bình Thọ) bố trí là trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức.
Theo ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết, trong 60 ngày thành phố phải hình thành bộ máy chính quyền mới. Tuy nhiên, ngày 23/5/2021 là Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nên trong tháng 1/2021 phải hình thành bộ máy chính quyền thành phố Thủ Đức. Đây là công việc rất khó và thành phố phải cố gắng để hoàn tất.