Bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai

Địa bàn các huyện miền núi, biên giới thường xảy ra thiên tai nên tỉnh Quảng Nam rất quan tâm đến công tác bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư nhằm giúp nhân dân phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Một góc khu tái định cư Bằng La, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My. Ảnh: Phương Liên

Một góc khu tái định cư Bằng La, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My. Ảnh: Phương Liên

Tháng 4/2021, 39 hộ dân của hai thôn Ông Đề và Tắc Pát, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My bị cơn bão số 10 cuốn trôi nhà cửa đã được bố trí về khu dân cư Bằng La. Theo quan niệm của người M’nông, Bằng La có nghĩa là ngôi làng bằng phẳng bên bờ sông La. Tại nơi ở mới, đồng bào được bố trí sinh sống trong những căn nhà có diện tích trên 50m2, được xây theo kiểu nhà sàn truyền thống. Toàn bộ cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh như điện, nước, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học... được xây dựng khang trang, đồng bộ, đảm bảo điều kiện nơi ở mới tốt đẹp hơn nơi ở cũ, giảm thiểu thiệt thòi cho những gia đình đã chịu mất mát sau thiên tai. Anh Hồ Văn Dân chia sẻ niềm vui được chuyển về nơi ở mới, lại còn được nhận hỗ trợ bò giống để phát triển chăn nuôi. Anh Dân tràn đầy niềm tin gia đình mình sẽ có điều kiện làm lại cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

Tại huyện miền núi Tây Giang - nơi có 8 xã biên giới giáp với nước bạn Lào, 5 năm qua, tranh thủ các nguồn lực của Trung ương, của tỉnh, địa phương đã quy hoạch sắp xếp, bố trí ổn định 126/95 điểm dân cư (vượt 31 điểm dân cư), bố trí nơi ở ổn định cho trên 5.000 hộ, trong đó có công trình khắc phục sạt lở khu dân cư thôn Atêếp (xã Bhalêê), di dời, sắp xếp dân cư sạt lở Ganil (xã Axan), di dời, sắp xếp dân cư sạt lở thôn Voòng (xã Tr’hy)... Bên cạnh đó, huyện cũng đã xóa gần 600 nhà tạm cho đồng bào, là điều kiện rất quan trọng và cần thiết để người dân yên tâm sinh sống trên địa bàn thường xảy ra thiên tai. Ông Mạc Như Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, từ những kết quả đạt được, Tây Giang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2029, tập trung xóa 100% nhà tạm, dột nát, nhà thiếu kiên cố gắn với quy hoạch sắp xếp, di dời, bố trí nơi ở ổn định cho 100% hộ dân tộc thiểu số đang cư trú tại nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Vùng trung du miền núi tỉnh Quảng Nam có 9 huyện, chiếm 50% tổng số huyện, thành phố của tỉnh; chiếm khoảng 22% dân số toàn tỉnh, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số khoảng 140 nghìn người. Đây là vùng thường xuyên chịu tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, biểu hiện rõ nhất là sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan cả về số lượng lẫn cường độ. Bão, lũ lụt, hạn hán, lốc xoáy... diễn ra ngày càng khốc liệt hơn trước. Mùa mưa bão thường xuất hiện lũ quét, lũ ống, sạt lở ở vùng núi cao, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Điển hình là năm 2020, cơn bão số 9 và số 10 đã gây ra thảm họa kinh hoàng cho huyện Nam Trà My. Tại nóc Ông Đề, thôn 1, xã Trà Leng, 22 người chết và mất tích, hàng chục ngôi nhà bị vùi lấp.

Nhằm tạo điều kiện phát triển toàn diện vùng miền núi, nhất là địa bàn biên giới, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đầu tư, hỗ trợ. Tiêu biểu là Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn tại vùng Tây Quảng Nam. HĐND tỉnh đã thông qua nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách, các dự án lớn; trong đó, nhóm dự án về bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới đã sớm được triển khai và được UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt. Kết quả của đường lối lãnh đạo đúng đắn đó là diện mạo làng, bản ngày càng khang trang, người dân có cuộc sống tại nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ, có điều kiện ổn định sinh kế.

Khu tái định cư xen ghép xã Tà Lu, huyện Đông Giang. Ảnh: Phương Liên

Khu tái định cư xen ghép xã Tà Lu, huyện Đông Giang. Ảnh: Phương Liên

Ngày 22/7/2021, HĐND tỉnh Quảng Nam tiếp tục ban hành Nghị quyết quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, hộ gia đình vùng thiên tai cần phải di dời (gồm: Hộ gia đình mất nhà ở, đất ở do sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, sụt lún đất; hộ gia đình sống ở vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, ngập lũ nguy hiểm) và hộ gia đình ở vùng đặc biệt khó khăn (gồm: Hộ gia đình sống phân tán; hộ gia đình sống ở các khu vực xa xôi, hẻo lánh, không có điều kiện để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, không đảm bảo điều kiện phát triển sản xuất, ổn định đời sống) là hai nhóm đối tượng được hưởng chính sách. Mục đích là nhằm phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra; ổn định chỗ ở, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, cải thiện sinh kế, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội khu vực miền núi.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, qua 3 năm (2021 - 2023) thực hiện, có khoảng 2.080 hộ tham gia, trong đó, có 2.045 hộ thực hiện di dời chỗ ở. Tuy vậy, con số này đang thấp hơn nhiều so với dự kiến của tỉnh trong cả giai đoạn 2021 - 2025 là sắp xếp, ổn định dân cư cho 7.821 hộ, bao gồm: 2.358 hộ dân vùng thiên tai và cư trú trong khu vực bảo vệ của rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; 5.463 hộ dân vùng đặc biệt khó khăn.

Ông A Vô Tô Phương, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho rằng, công tác sắp xếp, ổn định dân cư miền núi gặp nhiều khó khăn là do quỹ đất để quy hoạch bố trí dân cư ngày càng ít, khối lượng đào đắp lớn, phải kè chống sạt lở mái taluy, dẫn đến chi phí đầu tư lớn. Mặt khác, việc chọn địa điểm quy hoạch bố trí dân cư do UBND xã thực hiện, công tác đánh giá mức độ an toàn của các điểm tái định cư khi rà soát quy hoạch chủ yếu thực hiện theo kinh nghiệm, chưa có đủ cơ sở khoa học nên một số điểm tái định cư có nguy cơ sạt lở.

Thực tế cho thấy, hiện nay, ở miền núi tỉnh Quảng Nam, tình hình sạt lở đất diễn biến ngày càng phức tạp, do vậy, để bố trí dân cư đảm bảo ổn định lâu dài, an toàn với số lượng lớn, cần phải có địa điểm bố trí di dời tập trung. Tuy nhiên, trong Nghị quyết số 23 của HĐND tỉnh lại chưa quy định nội dung hỗ trợ xây dựng khu tái định cư tập trung nên các địa phương gặp nhiều khó khăn.

Hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư vùng thiên tai vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão. Mới đây, đoàn giám sát về công tác sắp xếp, bố trí dân cư của HĐND tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư các khu tái định cư tập trung, điểm tái định cư phòng chống thiên tai trên địa bàn miền núi theo hướng ít nhất mỗi năm xây dựng một khu dân cư quy mô 40 - 70 hộ để giải quyết kịp thời số hộ dân bức xúc về nhà ở tại các vùng khó khăn, vùng thiên tai; giải quyết cơ bản vấn đề sắp xếp dân cư miền núi theo mục tiêu đề ra.

Ngoài kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh, Quảng Nam cần lồng ghép vốn từ các chương trình, chính sách của Trung ương, trong đó có vốn của Dự án 2: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025) để sớm giải quyết được các vấn đề cấp thiết hiện nay trong phòng chống thiên tai, mưa lũ, đảm bảo tính mạng của người dân và tạo điều kiện phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh.

Phương Liên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bo-tri-sap-xep-on-dinh-dan-cu-vung-thien-tai-post481296.html