Bộ trưởng Anh: Loại bỏ xe tăng là sai lầm lớn
Tuyên bố được Bộ trưởng Quốc phòng Anh đưa ra khi nói về ý tưởng loại bỏ hoàn toàn lực lượng xe tăng trong quân đội và tham gia Chương trình MGCS.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Anh Wallace: "Ý tưởng cho rằng xe tăng sẽ không còn chỗ trong quân đội dù được nâng cấp và hiện đại hóa là sai lầm lớn.
Có nhiều lý do khác nhau khiến quân đội Anh đang dần cho các đơn vị tăng Challenger II (CR-2) nghỉ hưu, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc nước này loại bỏ xe tăng khỏi trang bị trong quân đội".
Được biết, Anh là quốc gia đầu tiên thiết kế, chế tạo và trang bị xe tăng nhằm hỗ trợ các lực lượng tấn công trên bộ. Trong suốt Thế chiến II và Chiến tranh Lạnh, Anh tiếp tục là cường quốc xe tăng, nhưng hiện nay, nước này chỉ duy trì 227 xe CR-2.
CR-2 từng được đánh giá là dòng xe tăng thuộc tốp đầu thế giới nhưng do không nhận được những nâng cấp tương tự như những người cùng thời. Những chiếc CR-2 trang bị cho quân đội Anh từ năm 1998.
So với những dòng tăng hiện đại, chúng thiếu các tính năng mạng kỹ thuật số, hệ thống ngắm nhiệt cập nhật, tích hợp máy bay không người lái và hệ thống bảo vệ tích cực...
Chưa dừng lại ở đó, không giống như xe tăng của hầu hết các quốc gia khác, pháo chính CR-2 có rãnh để truyền lực quay ổn định cho đạn xe tăng.
Dù hữu ích theo cách riêng của mình, nhưng việc sử dụng nòng pháo có rãnh (thay vì trơn) khiến Anh không thể tận dụng được những tiến bộ trong công nghệ vỏ xe tăng.
Lực lượng tăng thiết giáp Anh đang phải đối điện với bài toán nâng cấp CR-2 hoặc chế tạo những chiếc hoàn toàn mới. Nâng cấp CR-2 rõ ràng là lựa chọn rẻ hơn, nhưng việc nhồi tất cả các tiện ích mới vào một chiếc xe tăng chật chội không được thiết kế để mang chúng là một quá trình không hề dễ dàng.
Từ những thông tin trên, trang Popular Mechanics cho rằng, những nguyên nhân khiến Anh đang dần loại biên CR-2 mà Bộ trưởng Wallace không nói ra chính là sự lạc hậu của những cỗ tăng này so với thế giới.
Vì vậy, đồng thời với việc cho CR-2 nghỉ hưu, Anh cũng đang tìm giải pháp thay thế và việc tham gia vào Chương trình MGCS (Leopard 3) do Tập đoàn Krauss-Maffei Wegmann, Rheinmetall của Đức và Nexter của Pháp cùng thực hiện đã được Anh tính đến.
Hiện thông tin về MGCS chưa được công bố nhưng theo một số hình ảnh do truyền thông Đức đăng tải cho thấy, cỗ tăng này gây ấn tượng bởi thiết kế đặc biệt và kích thước khổng lồ của nó.
Dù mới chỉ là những hình ảnh đồ họa mô phỏng nhưng chừng đó cũng đủ khiến nhiều người đặc biệt quan tâm. Theo những thông tin ban đầu, siêu tăng MGCS sở hữu sức mạnh cực đỉnh với pháo chính có cỡ nòng 140mm, camera gắn ở đầu nóng pháo.
Ngoài ra, nó còn được trang bị hệ thống bảo vệ điện-quang chủ động. Các khối lựu đạn khói được phân bố trên nắp ụ pháo. Không những vậy, nhà sản xuất còn trang bị thêm loại súng máy được điều khiển bởi các module.
Cùng với trang bị cực đỉnh là trọng lượng không giống ai của chiến tăng này. Theo nhận định của một số chuyên gia, MGCS sẽ nặng không dưới 90 tấn. Để giúp siêu nặng này vận hành, nhà sản xuất trang bị cho nó loại động cơ với lực đẩy hơn 3000 mã lực.
Nhưng dù hội tụ những công nghệ đỉnh cao nhưng theo nhận định của giới chuyên gia, chiến tăng này khó có thể phát huy thế mạnh trong điều kiện thực chiến do trọng lượng quá nặng của chúng.
Bởi sẽ không một loại cầu cống nào có thể chịu được sức nặng của nó khi di chuyển, thậm chí nó sẽ tự sa lầy khi chiến đấu.
Nếu thông tin về MGCS chính xác điều đó đồng nghĩa với việc Anh sẽ nhận được những cỗ tăng dù rất mạnh nhưng khó phát huy được hiệu quả trên chiến trước bởi kích thước khổng lồ và khi phải đối đầu những vũ khí chống tăng tiên tiến.