Bộ trưởng Bộ Công an: Sẽ bổ sung nơi sinh trong mẫu hộ chiếu mới
Kinhtedothi – Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, trước mắt tiến hành bị chú 'nơi sinh' vào hộ chiếu mẫu mới cho công dân khi công dân có đề nghị. Về lâu dài sẽ tiến hành sửa đổi mẫu hộ chiếu, trong đó bổ sung mục 'nơi sinh' trang nhân thân hộ chiếu.
Ngày 10/8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Chất vấn và Trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực và trách nhiệm của Bộ Công an. Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành nội dung Phiên họp.
Sẽ tiến hành sửa đổi mẫu hộ chiếu
Đặt câu hỏi chất vấn, ĐB Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) nêu việc một số quốc gia không chấp nhận hộ chiếu phổ thông hiện nay gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Vậy, trách nhiệm trên thuộc về ai và biện pháp khắc phục trong thời gian tới như thế nào?
Trả lời về vấn đề cấp và sử dụng hộ chiếu phổ thông mẫu mới, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 73/2021/TT-BCA ngày 29/6/2021 quy định về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu có liên quan. So với hộ chiếu mẫu cũ, hộ chiếu mẫu mới được sản xuất, in ấn bằng công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo an cao hơn và chống nguy cơ làm giả, đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Theo quy định của ICAO, tiêu chuẩn hộ chiếu, các thông tin bắt buộc phải có trên hộ chiếu bao gồm: Loại hộ chiếu, họ và tên, số hộ chiếu, quốc tịch, ngày tháng năm sinh, giới tính và ngày hết hạn hộ chiếu. Mẫu hộ chiếu mới ban hành kèm theo Thông tư số 73/2021/TT-BCA đã tuân thủ chặt chẽ các quy định trên và hoàn toàn đáp ứng đúng các tiêu chuẩn quốc tế.
Đối với việc một số nước Châu Âu thông báo từ chối cấp thị thực vào hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã làm việc với các cơ quan chức năng của các nước và xác định đây là vấn đề mang tính kỹ thuật, hộ chiếu thiếu nơi sinh sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý của các nước sở tại. Do đó, để giải quyết vấn đề trên, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công dân ta khi làm thủ tục xin thị thực vào các nước trong khu vực Schengen gồm 26 quốc gia Châu Âu, Bộ Công an đã thống nhất với Bộ Ngoại giao trước mắt tiến hành bị chú “nơi sinh” vào hộ chiếu mẫu mới cho công dân khi công dân có đề nghị. Về lâu dài sẽ tiến hành sửa đổi mẫu hộ chiếu, trong đó bổ sung mục “nơi sinh” trang nhân thân hộ chiếu.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trả lời câu hỏi của ĐB Huỳnh Thị Ánh Sương về vấn đề cấp hộ chiếu mới có thuận lợi, khó khăn gì cho người dân, Bộ trưởng Tô Lâm nói "cơ bản là thuận lợi, hộ chiếu mới cơ bản đáp ứng yêu cầu của người dân, không có khó khăn gì". Từ việc nhận, cấp, sử dụng, quản lý, thời hạn dài đều đáp ứng yêu cầu.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, chỉ có khó khăn là một số nước yêu cầu phải có nơi sinh thì Bộ Công an đã có giải pháp bổ sung ngay vào phần bị chú với các nước quan tâm. Còn những nước không đòi hỏi vấn đề nơi sinh thì hộ chiếu Việt Nam được đánh giá rất tốt.
Hộ chiếu mới cũng không lãng phí. Những hộ chiếu cũ còn giá trị vẫn được sử dụng. Hộ chiếu cũ hết hạn sẽ được đổi. Sắp tới Bộ Công an sẽ áp dụng hộ chiếu điện tử, hộ chiếu gắn chip. Không có hộ chiếu nào phải bỏ đi, gây lãng phí.
Kết nối các cơ sở dữ liệu để giảm thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân
Đặt câu hỏi chất vấn, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) nêu từ những căn cứ và cơ sở pháp lý để xây dựng Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác định điện tử, hiện nay thực tế ở nhiều địa phương, dữ liệu thông tin chưa đồng bộ nên rất khó khăn trong khâu triển khai. ĐB đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an cho biết giải pháp khắc phục tình trạng trên?
ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) chất vấn việc triển khai cấp thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử theo tiến độ, nhiều nơi làm việc cả ban đêm, lực lượng chuyên môn mỏng, làm việc quá sức dẫn đến có rất nhiều sai sót dữ liệu cá nhân nên người dân phải đi điều chỉnh nhiều lần, làm mất thời gian, tiền bạc, gây dư luận không tốt. Có địa phương chạy theo thành tích, báo cáo khống số liệu để chạy theo tiến độ trên. Bộ trưởng cho biết cách xử lý của mình và biện pháp khắc phục vấn đề này?
Về số liệu không chính xác liên quan đến căn cước công dân, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Bộ đã thực hiện đúng nguyên tắc, tuy nhiên, có những trường hợp thay đổi thông tin cá nhân. Công dân có quyền thay đổi thông tin cá nhân của mình, về tên, họ, quê quán, chỉnh sửa ngày sinh… Ngoài ra, cũng có trường hợp người khai lần đầu không đưa ra thông tin chính xác, hoặc cán bộ thực hiện thiếu trách nhiệm. Tuy nhiên số lượng này không nhiều. Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ sẽ tích cực phối hợp, hoàn thiện, cấp đủ giấy tờ cho công dân, trên cơ sở đó, các cơ quan khác căn cứ vào dữ liệu chính xác đó để tiến hành công việc của mình. Đây cũng là việc rất công phu, đòi hỏi công sức và thời gian.
Liên quan đến vấn đề cơ sở pháp lý việc ban hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, vừa qua, Bộ đã giải quyết các khâu căn cứ trên Luật Căn cước công dân. Tuy nhiên, có hai khâu liên quan đến Bộ Tư pháp theo Luật Hộ tịch, đó là khâu khai sinh và khai tử.
Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị nên đồng bộ hai khâu này, để đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân. Theo đó, cháu bé trẻ sinh ra, căn cứ trên giấy chứng sinh, bé được cấp mã số định danh cá nhân, chính là số căn cước công dân được nhận khi đủ tuổi. Từ mã số này, bé sẽ có bảo hiểm y tế khi mã số được kết nối với cơ sở dữ liệu bảo hiểm y tế, hộ tịch, hộ khẩu, các loại thủ tục sẽ đều được thực hiện đồng bộ, giảm thiểu rất nhiều thời gian và công sức cho người dân.
Hiện nay, việc kết nối các cơ sở dữ liệu còn một số vướng mắc ở luật Hộ tịch, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết Bộ sẽ tiếp tục kiến nghị các cơ quan chức năng để giảm bớt thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.
Nghiên cứu ứng dụng căn cước công dân như hộ chiếu ở ASEAN
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trâm (Đoàn Bình Dương) về căn cước công dân có thể tích hợp vào hộ chiếu, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, các thủ tục cấp căn cước công dân không yêu cầu phải xác nhận gì, nhưng thủ tục cấp hộ chiếu thì công an cơ sở vẫn phải xác nhận, đối chiếu. Hai thủ tục này đã được đơn giản hóa tạo thuận lợi cho người dân. Người đã được cấp căn cước rồi thì có thể khai báo để cấp hộ chiếu online.
Bộ trưởng cho biết, hai loại giấy tờ có tính chất khác nhau. Căn cước dùng trong các hoạt động dân sự, giao dịch hàng ngày trong khi hộ chiếu dùng khi di chuyển quốc tế. Theo thông lệ chung, hộ chiếu vẫn có thể thay thế căn cước trong một số trường hợp. Và căn cước một số nước trên thế giới cũng có thể thay cho hộ chiếu ở một phạm vi nhất định.
Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, một số nước, đặc biệt là trong ASEAN, có thể sử dụng căn cước công dân để đi lại, nhưng phải được sự cho phép của các nước đó. Bộ sẽ có trao đổi với cơ quan các nước để ứng dụng việc này và mở rộng, rút kinh nghiệm.