Bộ trưởng Bộ Công Thương: Chưa thể bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

Chiều 21/8, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Trong ngắn hạn, vẫn phải giữ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vì Nhà nước cần phải có chế tài, có cơ chế để điều chỉnh, bình ổn mặt hàng chiến lược này.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. Ảnh: VPQH

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. Ảnh: VPQH

Việc điều hành xăng dầu 2 năm qua “rất ổn”

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi:“Với mức tiêu thụ xăng dầu như hiện tại thì dự trữ xăng dầu của các thương nhân đầu mối và của quốc gia đáp ứng được thời gian bao lâu? Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp về dự trữ xăng dầu trong thời gian tới?”.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Chính phủ đã chính thức phê duyệt Đề án về nâng mức dự trữ xăng dầu. Theo đó, mức dự trữ xăng dầu thành phẩm sẽ nâng từ 440.000 lên 800.000 - 900.000 m3, tức là nâng gấp 2 lần khả năng dự trữ của chúng ta. Hiện nay, khả năng dự trữ là 7 ngày thì bây giờ nâng lên gấp đôi là khoảng nửa tháng.

Bên cạnh đó, theo Quyết định mới thì không chỉ dự trữ xăng dầu thành phẩm mà còn dự trữ cả dầu thô - đây là nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy lọc dầu trong nước. Theo đó, công suất dầu thô sẽ bảo đảm được 15-20 ngày nhập ròng. Đó là hai điểm rất mới trong quyết định của Chính phủ.

Về việc đầu tư vào hạ tầng xăng dầu, khí đốt quốc gia, trong đó có vấn đề dự trữ xăng dầu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin, Chính phủ cũng đã phê chuẩn quy hoạch hạ tầng xăng dầu, khí đốt quốc gia và kế hoạch của quy hoạch này cũng đã được triển khai đến các địa phương.

Theo đó, sẽ có những cơ chế, chính sách vừa đầu tư từ phía Nhà nước đồng thời phải đầu tư từ các doanh nghiệp và người dân. Để đầu tư từ phía Nhà nước rất cần phải đưa ra các quy chuẩn về kỹ thuật.

"Việc này đang thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Tài chính để trình Chính phủ đưa ra những quy chuẩn và dựa vào quy chuẩn, Bộ Công Thương sẽ đề xuất mức cụ thể, chủng loại hàng cụ thể để dự trữ" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Mặt khác, cũng dựa vào quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền để chúng ta có thể triển khai đầu tư của Nhà nước vào hệ thống dự trữ xăng dầu. Đồng thời, sẽ ban hành những cơ chế để thu hút đầu tư của xã hội trong lĩnh vực này.

“Điều quan trọng nhất là phải sửa đổi biểu giá cho thuê và thuê hạ tầng. Bởi vì, biểu giá thuê quá thấp, thấp tới mức chỉ đạt khoảng 15-20% so với mức mặt bằng giá của thị trường hiện nay thì không đủ khuyến khích cho bất kể một đối tượng nào, kể cả doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ này, càng làm càng lỗ. Đây là một vấn đề cần phải sửa” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Khái quát vấn đề, Bộ trưởng cho rằng, việc điều chỉnh và điều hành xăng dầu 2 năm qua rất ổn, do chúng ta đã điều chỉnh cơ chế giá, điều chỉnh từ 10 ngày xuống còn 7 ngày. Như vậy, biên độ dao động giữa giá trong nước với giá thế giới không lớn.

Đồng thời, đã có cơ chế điều chỉnh chi phí thực tế phát sinh cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu từ 6 tháng xuống 3 tháng. Thậm chí, khi có những biến động lớn thì Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh để cập nhật chi phí thực tế phát sinh cho các doanh nghiệp để bảo đảm các doanh nghiệp không lỗ. Cho nên, đến giờ này mọi thứ hoạt động tương đối tốt - Bộ trưởng nhìn nhận.

Sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu theo đúng quy định của Luật Giá

Đồng tình với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, hiện nay, giá xăng dầu đã bình ổn, điều hành của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính trong thời gian vừa qua rất tốt, người dân rất đồng tình. Dẫn chứng là từ đầu năm tới nay, thậm chí năm 2023 chưa sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu do điều hành 7 ngày/lần; giá xăng, dầu của chúng ta hiện nay tương đương với giá thị trường.

Các đại biểu tham dự Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh:VPQH

Các đại biểu tham dự Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh:VPQH

Đại biểu Phạm Văn Hòa đặt vấn đề: Có nên duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hiện nay nữa hay không? Vì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là người dân tham gia đóng góp mà người dân hiện nay không còn sử dụng tới.

“Tôi đề xuất 2 Bộ trưởng nghiên cứu tới đây có thể đề xuất với Chính phủ và Quốc hội có thể không còn sử dụng bình ổn giá xăng dầu nữa để người dân không phải tham gia đóng góp; giá xăng, dầu hiện nay chúng ta đi theo thị trường” - đại biểu Hòa đề xuất.

Với đề xuất trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết “về nguyên tắc chúng tôi cũng đồng tình là trong tương lai có thể xem xét bỏ để bảo đảm tính thị trường”.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hiện nay thực chất là Quỹ ngoài ngân sách do người tiêu dùng đóng góp và ủy thác cho doanh nghiệp đầu mối thu và gửi vào tài khoản của ngân hàng. Trong thời gian qua đã có một số bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ này.

Bộ trưởng cho hay, theo dự thảo mới Bộ Công Thương đã trình Chính phủ xem xét, quyết định trong một số ngày tới, thì trong ngắn hạn vẫn phải giữ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, vì Nhà nước cần phải có chế tài, có cơ chế để điều chỉnh, bình ổn mặt hàng chiến lược này.

Bộ trưởng nhấn mạnh, việc sử dụng Quỹ phải thực hiện nghiêm theo Luật giá. Theo đó chỉ điều chỉnh khi có biến động lớn về giá thì Bộ Công Thương, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; hoặc khi cấp có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp thì mới được áp dụng. Như vậy, công tác quản lý Quỹ sẽ chặt hơn và việc sử dụng Quỹ hiệu quả hơn.

Đ. KHOA

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/bo-truong-bo-cong-thuong-chua-the-bo-quy-binh-on-gia-xang-dau-33954.html