Bộ trưởng Bộ Công Thương: Không có việc điều hành giá điện bất cập, gây thua lỗ

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, không có chuyện điều hành giá điện vừa qua bất cập, gây thua lỗ cho ngành điện.

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 36, ngày 21/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn

Chất vấn vấn đề xây dựng bảng giá điện đến Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại biểu Huỳnh Thanh Phương - đoàn Tây Ninh cho biết, cử tri và nhiều chuyên gia kinh tế hiện nay cho rằng việc điều hành giá điện có nhiều bất cập và chính điều này là một trong những nguyên nhân quan trọng gây thua lỗ cho ngành điện khoảng hơn 47.000 tỷ đồng trong năm 2022 và năm 2023.

"Vậy, Bộ trưởng có đồng tình với nhận định này không và xin Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để tháo gỡ việc điều hành giá điện một cách tốt nhất trong thời gian tới" - đại biểu nêu.

Về ý kiến cho rằng việc điều hành giá điện vừa qua bất cập, gây thua lỗ cho ngành điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, không có chuyện đó. Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước chỉ thực hiện 3 chức năng cơ bản, một là vấn đề quy hoạch, kế hoạch; hai là cơ chế, chính sách và ba là thanh tra, kiểm tra.

Chúng tôi thấy rằng, trong tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách, nhất là chính sách trong vấn đề giá điện vừa qua thực hiện tuân thủ theo đúng quy định của luật pháp hiện hành, nhất là Luật Điện lực và Luật Giá. Theo đó, điện là một trong những mặt hàng phải bảo đảm bình ổn giá theo chỉ đạo của Nhà nước.

Về đầu vào hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị duy nhất có chức năng mua bán điện và cung ứng điện bảo đảm an ninh năng lượng điện quốc gia thì phải mua với cơ chế giá thị trường nhưng đầu ra phải bảo đảm bình ổn giá bởi vì giá điện có liên quan và ảnh hưởng rất lớn đến các ngành sản xuất khác.

"Cho nên chênh lệch giữa đầu vào, đầu ra, có một vài lần tôi đã báo cáo với Quốc hội là chênh lệch giữa giá mua và bán ra của EVN chênh lệch khoảng từ 208 đến 216 đồng/KW/giờ" - Bộ trưởng nói.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh

Còn quá trình tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi cơ chế điều hành như thế nào để cho EVN sẽ không bị lỗ trong tương lai, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay, ngành Công Thương đang tham mưu với Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Điện lực sẽ trình trong kỳ họp Quốc hội tháng 10 này theo hướng xóa bù chéo giữa các khách hàng sử dụng điện.

Thứ hai, phải tính đúng, tính đủ, tính hết giá thành điện năng, trong đó, có giá sản xuất điện, giá điều độ, vận hành hệ thống điện để bảo đảm cho khách quan.

Hiện nay, Chính phủ đã có quyết định chính thức là đưa Trung tâm Điều độ A0 về trực thuộc Bộ Công Thương. Điều đó sẽ bảo đảm được sự minh bạch, công bằng trong việc điều độ, vận hành hệ thống điện, công bằng giữa các doanh nghiệp phát điện và sẽ công bằng với các đối tượng sử dụng điện.

Mặt khác, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định về mua bán điện trực tiếp đối với các khách hàng sử dụng điện lớn, sắp ban hành Nghị định về khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái. Điều đó từng bước làm cho thị trường điện của chúng ta hoàn hảo hơn.

Hiện nay, thị trường phát điện cạnh tranh và thị trường mua buôn điện cạnh tranh đã được thực hiện tương đối tốt. Còn thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện trong dự thảo Luật Điện lực cũng như sửa đổi những quy định hiện hành.

Quỳnh Nga - Thanh Tuấn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-truong-bo-cong-thuong-khong-co-viec-dieu-hanh-gia-dien-bat-cap-gay-thua-lo-340487.html