Bộ trưởng Bộ Công thương Lào: Tin tưởng và kỳ vọng vào các giải pháp số từ FSI
Bộ trưởng Bộ Công thương Lào Malaithong Kommasith bày tỏ sự tin tưởng vào các giải pháp công nghệ số góp phần thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam - Lào trong chuyến công tác, tham quan và trao đổi cùng Công ty CP Đầu tư Thương mại và Phát triển Công nghệ FSI. Đồng thời, kỳ vọng về sự hợp tác sâu rộng trong tương lai giữa các doanh nghiệp Logistics, doanh nghiệp công nghệ của hai nước.
Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công thương Lào Malaithong Kommasith cùng đoàn đại biểu đã đến thăm và làm việc tại trụ sở FSI. Tham gia đón tiếp đoàn về phía FSI có ông Đoàn Huy Thuận, Tổng Giám đốc công ty FSI cùng các quản lý cấp cao của công ty.
Chia sẻ tại sự kiện, Tổng Giám đốc FSI Đoàn Huy Thuận cảm ơn Bộ trưởng Malaithong Kommasith cùng đoàn các lãnh đạo, đại biểu cấp cao của Lào, các cán bộ đại diện liên danh Việt - Lào, đã dành thời gian làm việc với FSI. Đây là sự kiện mang tính cột mốc, là cơ sở để FSI được góp sức vào hành trình hợp tác xuyên biên giới giữa hai quốc gia trong ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số ngành Logistics, thúc đẩy giao thương trong tương lai.
FSI tận dụng thế mạnh về công nghệ số đóng góp thúc đẩy giao thương
Chia sẻ về hành trình hơn 17 năm nghiên cứu và tập trung sáng tạo công nghệ số trong xử lý dữ liệu, ông Đoàn Huy Thuận đã giới thiệu tới đoàn đại biểu của Lào hệ sinh thái giải pháp chuyển đổi số lấy dữ liệu làm trung tâm với hơn 50 sản phẩm, dịch vụ được ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất như AI, Machine Learning, Deep Learning...
Hiện nay, hệ sinh thái giải pháp của FSI bao gồm 4 mảng chính: Kết nối và tạo lập dữ liệu; Lưu trữ dữ liệu; Khai thác và xử lý dữ liệu lớn; Áp dụng kết quả dữ liệu vào vận hành giúp khách hàng cải thiện hiệu quả hoạt động thông qua việc ra quyết định dựa trên dữ liệu tin cậy.
Trong đó, Tổng Giám đốc FSI đặc biệt nhấn mạnh về tính ưu việt của các giải pháp số hóa trong lĩnh vực Logistics mà công ty cung cấp.
Theo ông Thuận, năng lực top đầu thị trường của FSI về giải pháp số hóa, chuyển đổi số giúp đem tới công nghệ tân tiến, đội ngũ chuyên gia, trang thiết bị hiện đại, sẽ góp phần hiệu quả trong xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh và xúc tiến sản xuất nông sản định hướng xuất khẩu, giúp gia tăng thuận lợi trong hoạt động giao thương giữa Việt Nam – Lào.
Tại sự kiện, Tổng Giám đốc FSI cùng đại diện liên danh Việt - Lào cũng đã đưa ra nhiều đề xuất chuyển đổi số Logistics toàn diện. Cụ thể như thiết lập một hệ thống thông tin đồng nhất để quản lý thông tin về thương mại và hợp tác xuyên biên giới, thiết lập các tiêu chuẩn dữ liệu chung và sử dụng các công nghệ phần mềm hiện đại giúp chia sẻ thông tin và tương tác hiệu quả giữa các cặp cửa khẩu.
Qua đó, FSI hy vọng được hợp lực cùng Bộ Công thương, các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp để giải quyết bài toán giảm chi phí logistics, vốn là yếu tố tiên quyết để nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam tại thị trường Lào.
Ấn tượng và tin tưởng các giải pháp công nghệ số của FSI
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Malaithong Kommasith chia sẻ cảm xúc ấn tượng và tin tưởng khi đi tham quan văn phòng FSI và cùng trao đổi với lãnh đạo công ty về các giải pháp công nghệ số, số hóa, chuyển đổi số, nhằm đẩy mạnh giao thương giữa Việt Nam - Lào.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Công thương Lào ghi nhận những giải pháp FSI đề xuất là xu thế tất yếu, phù hợp với sự phát triển của thời đại, giúp hỗ trợ thương mại giữa hai quốc gia thuận lợi. Hơn hết, mục tiêu Chuyển đổi số cũng là một trong những chủ điểm trọng tâm của Lào khi đăng quang cương vị nước Chủ tịch ASEAN 2024.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Malaithong Kommasith cũng kỳ vọng FSI cùng các doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp Logistics của 2 nước sẽ có sự hợp tác chặt chẽ, đồng hành xuyên suốt cùng các cơ quan, tổ chức để giải quyết trọn vẹn bài toán dữ liệu trong công tác quản lý cửa khẩu, tiến tới xây dựng, phát triển hợp tác hiệu quả Việt Nam - Lào.
Sau khi lắng nghe những chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Công thương Lào, đại diện FSI và các đơn vị liên danh đề xuất tới lãnh đạo Bộ Công thương Lào về chuỗi hoạt động chuyên đề về truyền thông, đào tạo và thu thập ý kiến đóng góp của các đơn vị liên quan đến việc số hóa và chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý phát triển Logistics quốc tế.
Đào tạo và chia sẻ kiến thức nhằm đảm bảo cán bộ lãnh sự hoặc hải quan hoặc lực lượng biên phòng của các cặp cửa khẩu được đào tạo, huấn luyện để sử dụng các công nghệ mới và hiểu rõ về quy trình chuyển đổi số. Ngoài ra, việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm giữa các cặp cửa khẩu có thể giúp tăng cường hợp tác và hiệu quả trong quản lý biên giới.
Đóng góp cho hành trình ứng dụng CNTT hiệu quả vào thủ tục hải quan Việt Nam - Lào, các doanh nghiệp công nghệ tiên phong như FSI cam kết đồng hành cùng các cơ quan chức năng trong việc lựa chọn giải pháp CNTT phù hợp, tư vấn và triển khai xuyên suốt nhằm giải quyết các vấn đề trong quá trình vận hành và bảo trì hệ thống.