Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh báo cáo thuyết minh Hiệp định EVFTA

Sáng 20/5 tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Hiệp định gồm 17 Chương, 8 Phụ lục, 2 Nghị định thư, 2 Biên bản ghi nhớ và 4 Tuyên bố chung điều chỉnh nhiều vấn đề bao gồm: Thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý - thể chế.

Về cơ bản, cắt giảm thuế nhập khẩu theo EVFTA được chia thành các nhóm sau: Nhóm xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay là nhóm hàng hóa mà thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ ngay khi EVFTA có hiệu lực; Nhóm xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình; Nhóm áp dụng hạn ngạch thuế quan; Nhóm hàng hóa không cam kết.

Về cam kết của EU đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Đối với một số ít mặt hàng còn lại (tương đương khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu), EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn.

Đối với các nhóm hàng quan trọng, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, EU cam kết trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu của ta, 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm. Cam kết này của EU được đưa ra phù hợp với khả năng đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ “2 công đoạn” (từ vải trở đi) của ngành dệt may Việt Nam (tức là để được hưởng thuế quan ưu đãi theo EVFTA thì hàng dệt may của Việt Nam phải được làm từ vải có xuất xứ Việt Nam). Ngoài ra, EU cũng chấp nhận linh hoạt với quy tắc này như cộng gộp xuất xứ từ Hàn Quốc.

Đồng thời, EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu của ta trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho ta hạn ngạch thuế quan là 11.500 tấn. Đối với cá viên, EU dành cho ta hạn ngạch thuế quan là 500 tấn.

Bên cạnh đó, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm (giúp ta có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm). Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 đến 5 năm. Đối với mặt hàng mật ong, EU sẽ xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và không áp dụng hạn ngạch thuế quan. Gần như toàn bộ các sản phẩm rau quả tươi, rau củ quả chế biến, cà phê, hạt tiêu, túi xách, vali, sản phẩm nhựa, sản phẩm gốm sứ thủy tinh về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Về cam kết của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu của EU, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng TRQ theo cam kết WTO hoặc không cam kết. Phương thức quản lý và các điều khoản và điều kiện khác liên quan đến việc phân bổ hạn ngạch thuế quan của Việt Nam được áp dụng tương tự như cam kết trong WTO.

Về cam kết về thuế xuất khẩu, Việt Nam và EU cam kết không đánh thuế xuất khẩu đối với hàng hóa khi xuất khẩu từ lãnh thổ một bên sang bên kia. Lý do của cam kết cắt giảm thuế xuất khẩu là nhiều nước trên thế giới coi việc đánh thuế xuất khẩu là một hình thức trợ cấp gián tiếp gây ra cạnh tranh không lành mạnh giữa hàng hóa của các nước.

Tuy nhiên, Việt Nam đã bảo lưu quyền áp dụng thuế xuất khẩu đối với 57 dòng thuế, trong đó có các sản phẩm quan trọng như dầu thô, than đá (trừ than để luyện cốc và than cốc là loại than ta hầu như không sản xuất). Đối với các dòng thuế có thuế xuất khẩu hiện hành đang cao, Việt Nam cam kết đưa mức trần thuế xuất khẩu về 20% trong thời gian tối đa là 5 năm (riêng quặng măng-gan có mức trần 10%). Với các mặt hàng khác, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu theo lộ trình tối đa là 16 năm.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, dự kiến các định hướng lớn và nội dung chính của Kế hoạch của Chính phủ về việc thực hiện EVFTA với 5 nhóm công việc chính, gồm: Tuyên truyền, phổ biến; Xây dựng pháp luật, thể chế; Nâng cao năng lực cạnh tranh; Chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và tổ chức của người lao động tại cơ sở; Chính sách an sinh xã hội và phát triển bền vững. Các công việc cụ thể đã được phân công cho từng Bộ, ngành với thời gian thực hiện tương ứng.

Sau khi Hiệp định EVFTA được Quốc hội phê chuẩn, dự thảo Kế hoạch này sẽ tiếp tục được chỉnh sửa, hoàn thiện theo hướng chi tiết hơn các phân công cụ thể và lộ trình thực hiện, để từ đó trình Thủ tướng Chính phủ chính thức ban hành, bảo đảm việc thực thi Hiệp định được đầy đủ, hiệu quả và đồng bộ.

Trần Nguyễn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/bo-truong-bo-cong-thuong-tran-tuan-anh-bao-cao-thuyet-minh-hiep-dinh-evfta/396089.vgp