Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Cắt giảm tối đa chi phí để giá sách giáo khoa thấp nhất
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết Bộ đã nhiều lần chỉ đạo tiết kiệm tối đa, cắt giảm chi phí trung gian… để đảm bảo giá sách giáo khoa được thấp nhất.
Giáo dục không trung thực, cải cách mấy cũng thừa
Thảo luận tại Quốc hội ngày 1.6, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) cho rằng giáo dục là vấn đề cốt lõi để phát triển đất nước và ổn định an sinh xã hội.
“Một xã hội sẽ không phát triển nếu không có nền giáo dục tốt. Nếu giáo dục mà không có giá trị trung thực thì có cải cách mấy cũng bằng thừa”, bà Dung nói.
Đại biểu này cũng đặt câu hỏi, tại sao lại tăng kinh phí, học phí đào tạo, các khoản phí khác, hay siết chặt đầu vào mà buông lỏng đầu ra.
“Các bậc tiểu học, trung học cơ sở hay phổ thông trung học cần có cơ chế, giải pháp giảm học phí ở mức thấp nhất, hỗ trợ tốt nhất cho các em vì trẻ em dưới 18 tuổi cần có môi trường thức và học tập để phát triển”, bà Dung cho hay.
Bà Dung cũng nêu thực tế, lâu nay chúng ta thi tuyển khắt khe ở đầu vào nhưng đầu ra lại buông lỏng dẫn đến chất lượng không đảm bảo và không có chọn lọc và sàng lọc. Đại biểu đề xuất nghiên cứu chính sách theo hướng thu hút đầu vào và siết chặt đầu ra.
Nữ đại biểu cũng cho rằng áp lực học tập từ nhà trường, từ gia đình các em học sinh là nguyên nhân hàng đầu gây tự kỷ, trầm cảm với nhiều vấn đề sinh lý khác cho học sinh, sinh viên hiện nay.
"Điều đáng buồn hơn, tỷ lệ học sinh trầm cảm, tự kỷ hay gần đây có nhiều vụ việc tự tử có liên quan đến điểm số và thành tích vẫn không ngừng tăng, dẫn tới những vụ việc xót xa, thương tâm và hệ lụy trong xã hội", bà Dung nói.
Do vậy, nữ đại biểu cho rằng việc học tập và vui chơi chung cùng cộng đồng là rất cần thiết trong việc kích thích tương tác, phát triển khả năng tư duy sáng tạo và giải trí của giới trẻ. Từ đó tránh được những áp lực từ nhiều phía cho học sinh, phụ huynh và thầy cô.
Đại biểu Hà Ánh Phượng cũng lo lắng vấn đề sức khỏe tâm thần và công tác tư vấn tâm lý học đường chưa hiệu quả. Đại biểu dẫn chứng con số, cứ mỗi 40 giây trên thế giới sẽ có một người tự tử. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai lứa tuổi 15-29 tuổi trên thế giới, chỉ sau tai nạn giao thông.
"Thực tế tại Việt Nam, vấn đề sức khỏe tâm thần, đặc biệt là tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường chưa được chú trọng. Những thông tin đau lòng gần đây cho thấy ngay cả với trường công, trường tư hay trường quốc tế cũng xảy ra những hậu quả đáng buồn", bà Phương nói và cho biết còn lo ngại về tình trạng bạo lực học đường, bắt nạt trên không gian mạng.
Tiết kiệm để giá sách giáo khoa thấp nhất
Về vấn đề giá sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.
Thực hiện Nghị quyết này, công việc biên soạn sách giáo khoa đã thực hiện theo hướng xã hội hóa. Các doanh nghiệp thực hiện kê khai giá dịch vụ tài chính, chữ ký xuất bản, phát hành với mong muốn học sinh, đối tượng mua sách giáo khoa giá thấp nhất.
Từ góc độ quản lý nhà nước và góc độ chuyên môn, Bộ đã tăng cường chỉ đạo các nhà xuất bản thực hiện nghiêm các biện pháp để xuất bản sách sao có thể dùng lại nhiều lần các bộ sách xuất bản mới theo chương trình giáo dục phổ thông và thực hiện đầy đủ các quy định theo Thông tư 33 của Bộ; cấu trúc và nội dung sách giáo khoa phù hợp tiêu chuẩn sách giáo khoa xuất bản phẩm.
Đồng thời, ông Sơn cũng cho biết Bộ đang chỉ đạo chuẩn bị ban hành Thông tư quy định tiêu chí, quy chuẩn riêng về sách giáo khoa để điều tiết việc này một cách cụ thể hơn và có hiệu quả hơn.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng đã nhiều lần ban hành các văn bản chỉ đạo các nhà xuất bản, nhà xuất bản giáo dục cần thực hành tiết kiệm tối đa, cắt giảm các khoản chi phí trung gian để giảm chi phí quản lý, chi phí bán hàng cũng như các chi phí khác để đảm bảo giá sách giáo khoa được thấp nhất...
Giáo dục Việt Nam đứng thứ 59 trên thế giới
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, vấn đề tự chủ đại học là thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước theo Nghị quyết 29-NQ/TW và theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học. Tự chủ đại học đã đem lại nhiều cơ hội, điều kiện phát triển các trường đại học, được các trường đại học và xã hội đánh giá cao.
Bộ trưởng nêu rõ, qua thời gian thực hiện tự chủ, các trường đại học đã có nhiều diện mạo và sự phát triển mới. Chỉ số xếp hạng giáo dục của Việt Nam so với thế giới đã tăng nhanh.
Cụ thể, theo công bố mới, giáo dục Việt Nam đứng thứ 59 trong số các quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có sự đóng góp của chỉ số phát triển trong xếp hạng đại học. Nhiều ngành nghề mới được mở, cơ hội học tập và học tập tốt cho người học đã tăng lên, các chỉ số của đại học đều đã được phát triển.
“Điều đó cho thấy chủ trương thực hiện tự chủ đại học là đúng đắn, rất cần thiết, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao”, ông Sơn nêu.
Về tình hình triển khai, Bộ trưởng cho biết, trong các nội dung liên quan đến tự chủ đại học, nội dung nhận được nhiều sự quan tâm là việc thành lập, hoạt động các hội đồng trường.
Cho đến thời điểm này trong hệ thống các trường đại học thuộc Bộ GD-ĐT quản lý, 35/35 trường đã thành lập hội đồng trường và đi vào hoạt động. Hiện nay, trong số gần 200 trường thuộc các bộ, ngành quản lý và ở các địa phương, vẫn còn 13 cơ sở giáo dục đại học chưa tiến hành thành lập hội đồng trường. Bộ GD-ĐT đang đốc thúc các bộ, ngành tiếp tục chỉ đạo việc này.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay trong quá trình triển khai hoạt động tự chủ đại học, vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến hoạt động hội đồng trường, trong đó có vướng mắc liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu, việc phối kết hợp hoạt động giữa hội đồng trường, chủ tịch hội đồng, ban giám hiệu; việc xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động của hội đồng, ban giám hiệu; một số công việc tổ chức cán bộ, luân chuyển cán bộ.
Bộ trưởng nêu rõ, hiện nay Bộ GD-ĐT đang phối hợp với Bộ Nội vụ để tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trên phương diện tổ chức, giúp trường hoạt động tự chủ được tốt hơn…