Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: 'Khả năng cao sẽ điều chỉnh các môn tích hợp bậc THCS'
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ sẽ tham khảo thêm ý kiến chuyên gia và khả năng cao sẽ đưa ra điều chỉnh với các môn tích hợp bậc THCS trong thời gian sắp tới. Sự điều chỉnh này không ảnh hưởng tới giáo viên cũng như mục đích đầu ra của sự đổi mới.
Chia sẻ tại chương trình Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn gặp gỡ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên diễn ra hôm nay (15/8), cô Bùi Thị Thanh Huệ, Hiệu trưởng Trường THCS Trung An (Vũ Thư, Thái Bình) cho biết, chương trình GDPT 2018 được xây dựng tổng thể, toàn diện, đồng bộ nhằm hướng đến phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình mới còn gặp nhiều khó khăn.
Khó khăn khi triển khai các môn tích hợp
Cụ thể, theo cô Huệ, hiện nay, theo định mức giáo viên/lớp theo Chương trình GDPT 2018, các trường Tiểu học, THCS tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Số tiết học hiện nay tăng so với trước đây. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của một số môn bắt buộc, hoạt động giáo dục, hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi. Chưa kể nhiều giáo viên đã và đang xin nghỉ việc. Do các điều kiện trên, định mức 2 buổi/ngày như hiện nay dù thực hiện tối đa nhưng chưa phù hợp.
Cô Hoàng Hải Vân, Giáo viên Trường THCS Võ Thị Sáu (Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết, qua 2 năm triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở cấp THCS cho thấy, đây là điều kiện để giáo viên tìm tòi, phát huy các phương pháp, kỹ thuật dạy học hiện đại.
Môn học trải nghiệm hướng nghiệp hữu ích, không gian học tập được mở rộng thông qua hoạt động trải nghiệm đến những cơ sở, địa điểm làng nghề, di tích, thắng cảnh… của địa phương; cung cấp kiến thức thực tế, giúp học sinh định hướng nghề nghiệp. Hình thức hoạt động nhóm, giao nhiệm vụ giúp học sinh được tiếp cận CNTT, được trình bày, thể hiện, tự tin và phát huy được tính tích cực, chủ động trong học tập; đây là một kỹ năng cần thiết trong tương lai.
Tuy nhiên, việc tích hợp các môn KHTN và KHXH trong chương trình GDPT 2018 còn bất cập khi giáo viên được đào tạo để dạy từng môn; giải pháp tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy tích hợp cũng chưa thực sự hiệu quả. Đại diện cho các thầy giáo, cô giáo của tỉnh Khánh Hòa, cô giáo Hoàng Hải Vân mong Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên dạy học các môn tích hợp.
"Việc yêu cầu giáo viên bồi dưỡng để dạy tích hợp là do thay đổi từ chương trình nhưng không có chính sách hỗ trợ kinh phí cho giáo viên tham gia bồi dưỡng các môn này. Kính đề nghị Bộ trưởng quan tâm, phối hợp với các ngành chức năng đề xuất chính sách hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho đội ngũ. Ngoài ra, việc thực hiện nhiều bộ SGK, học sinh chọn tổ hợp môn như hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn.
Bản thân tôi vừa là một giáo viên, đồng thời cũng là một phụ huynh học sinh nên cũng có những trăn trở nhất định như: việc chuyển trường của học sinh gặp khó khăn; việc tổ chức thi/xét tốt nghiệp THPT, tuyển sinh vào lớp 10, ĐH, CĐ; thi học sinh giỏi các cấp sẽ như thế nào; phương án thi/xét tốt nghiệp, tuyển sinh trong những năm tới", cô Hoàng Hải Vân băn khoăn.
Còn theo cô Nguyễn Thị Thiều Hoa, giáo viên Trường THCS Đặng Thai Mai (Nghệ An), Chương trình GDPT 2108 cấp THCS yêu cầu dạy tích hợp các môn KHTN, môn Lịch sử và Địa lý, do đó các giáo viên được đào tạo đơn môn phải tham gia bồi dưỡng chương trình này để dạy được tất cả các môn trong tổ hợp. Việc bồi dưỡng theo khung chương trình ban hành theo Thông tư số 2454 và 2455 của Bộ cơ bản giúp giáo viên có thể dạy được cả môn tích hợp. Tuy nhiên để giáo viên tự tin hơn, dạy học hiệu quả hơn, đề nghị Bộ có chủ trương, chỉ đạo, hướng dẫn để tiếp tục có các giải pháp giúp giáo viên ngày càng hoàn thiện hơn, tự tin hơn và dạy học hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và SGK mới đối với cấp THPT theo lộ trình đến nay đã triển khai tới lớp 11. Song cả giáo viên và học sinh đều chưa rõ phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học sẽ như thế nào. Vì vậy, cô Hoa kiến nghị Bộ GD-ĐT sẽ sớm có văn bản hướng dẫn, định hướng về kì thi tốt nghiệp THPT 2025 và tuyển sinh đại học để giáo viên và học sinh nắm rõ.
Sẽ điều chỉnh việc dạy học môn tích hợp
Trả lời giáo viên về nội dung liên quan đến chương trình GDPT mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, việc triển khai tích hợp liên môn là một điểm mới trong Chương trình GDPT 2018. Khi thiết kế chương trình Bộ GD-ĐT đã tham khảo các kinh nghiệm quốc tế, mục tiêu là phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Song khi triển khai thực tế vẫn gặp rất nhiều điểm vướng mắc. Khó khăn nhất là việc triển khai các môn tích hợp.
"Từ việc kiểm tra, thu thập ý kiến chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, giáo viên tại các địa phương, chúng tôi nhận thấy đây là điểm nghẽn, điểm khó. Đã có một số giáo viên có thể dạy được tất cả các học phần trong môn tích hợp, nhưng đa số vẫn dạy theo các môn riêng biệt. Nhất là với vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, dù việc tập huấn giáo viên đã được triển khai nhưng vẫn gặp những khó khăn lớn.
Căn cứ vào thực tế triển khai, lãnh đạo Bộ GD-ĐT thời gian ngắn sắp tới sẽ quyết định xem xét điều chỉnh việc dạy học các môn tích hợp bậc THCS. Chúng ta vẫn kiên trì việc dạy tích hợp ở bậc tiểu học vì đã làm tốt từ trước tới nay, nhưng riêng bậc THCS, Bộ sẽ tham khảo ý kiến chuyên gia, khả năng cao sẽ đưa ra điều chỉnh trong thời gian tới", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định việc điều chỉnh này không ảnh hưởng tới việc sử dụng đội ngũ giáo viên, chuẩn bị năng lực giáo viên đã thực hiện gian qua cũng như mục đích đầu ra của sự đổi mới.
Về phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cũng sẽ có điều chỉnh thay đổi so với chương trình trước đây. Dự kiến quý 4/2023, phương án thi sẽ được công bố.