Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Phải làm nhiều việc hơn nữa phát triển đội ngũ nhà giáo

Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội có quan điểm trong bối cảnh hiện nay, với yêu cầu đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao thì cần có Nghị quyết của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện đổi mới giáo dục trong giai đoạn tới.

 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương ông Lại Xuân Môn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc điều hành hội nghị

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương ông Lại Xuân Môn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc điều hành hội nghị

Ngày 14-12, phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT (Nghị quyết 29) do Bộ GD-ĐT tổ chức, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cho rằng, Ủy ban có quan điểm trong bối cảnh hiện nay, với yêu cầu đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao thì cần có Nghị quyết của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện đổi mới giáo dục trong giai đoạn tới.

Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, vừa qua Quốc hội đã giám sát việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa 2018, chỉ ra rất rõ bức tranh về đổi mới giáo dục. Trong bối cảnh mới hiện nay, ngành GD-ĐT cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Về giáo dục mầm non, cần xác định rõ về phát triển hệ thống giáo dục mầm non, phổ cập trẻ 5 tuổi; khắc phục các khó khăn về giáo viên và cơ sở vật chất; tiếp tục đầu tư mở rộng trường mầm non công lập dù nguồn ngân sách Nhà nước còn hạn chế; tăng năng lực chuyên môn cũng như thu nhập cho giáo viên. Đẩy mạnh xã hội hóa và tăng chính sách để phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập, nhất là nhóm trẻ độc lập.

 Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại hội nghị

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại hội nghị

Về giáo dục phổ thông, cần tiếp tục giải quyết vấn đề thừa - thiếu giáo viên; bồi dưỡng tập huấn cho giáo viên để đáp ứng chương trình mới. Có các giải pháp để bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và đầu tư cho các cơ sở giáo dục; bảo đảm chính sách tiền lương cho nhà giáo. Đổi mới phương pháp thi, kiểm tra đánh giá theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương.

Về giáo dục đại học, còn khoảng cách khá lớn giữa các cơ sở giáo dục đại học trong nước và các trường đại học lớn trên thế giới, do đó giáo dục đại học cần được đầu tư bài bản, nghiêm túc, có chất lượng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tạo được đột phá, nâng cao chất lượng, cơ cấu ngành nghề hợp lý; quy mô gắn với chất lượng. Đặc biệt cần hoàn thiện thể chế về tự chủ đại học; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường chất lượng nghiên cứu khoa học.

Về giáo dục nghề nghiệp, cần có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư, thu hút người học có năng lực học nghề để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao.

Ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, giáo dục là quốc sách hàng đầu, đất nước khó khăn ra sao cũng cần đầu tư thỏa đáng cho giáo dục, cần huy động các nguồn lực để đầu tư cho giáo dục. Cũng theo ông, giáo dục toàn diện là chủ trương đúng, cần đánh giá đậm nét, sâu hơn trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29. Cần giải quyết tốt bài toán văn hóa học đường, chống bệnh thành tích trong giáo dục, bảo đảm phát triển toàn diện năng lực học sinh, tạo ra những thế hệ học sinh, sinh viên chất lượng. Bên cạnh đó, liên thông trong giáo dục phải là vấn đề xuyên suốt, bảo đảm hệ thống giáo dục phải nhất quán.

Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, tới đây, việc ban hành nghị quyết, hay kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị phụ thuộc vào nội dung báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29; còn quan điểm của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội trong bối cảnh hiện nay, với yêu cầu đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao thì cần có Nghị quyết của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện đổi mới giáo dục trong giai đoạn tới.

 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, các ý kiến đều thống nhất khẳng định, GD-ĐT trong 10 năm qua đã có những đổi mới to lớn, chuyển biến tích cực. Để có được những đổi mới đó, Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính khoa học, thể hiện tầm nhìn xa rộng và những quyết sách mạnh mẽ của Trung ương Đảng.

Bộ trưởng cho rằng, giáo dục là con người cho nên không thể đơn thuần một sớm một chiều đánh giá được. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nhìn nhận được những kết quả cụ thể và có thể đánh giá được xu hướng của sự vận động. “Tổng kết Nghị quyết 29 để khẳng định những vấn đề quan trọng, trong đó Ban Cán sự đảng Bộ GD-ĐT sẽ kiến nghị với Bộ Chính trị để đưa vào kết luận một trong những nội dung nhấn mạnh là: yêu cầu về việc kiên trì định hướng đổi mới, còn rất nhiều việc phải làm tiếp”, Bộ trưởng nêu. Bộ GD-ĐT sẽ kiến nghị về sự kiên định, nhất quán, thống nhất trong chỉ đạo sự đổi mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Bộ trưởng nêu rõ, bối cảnh hiện nay khiến ngành giáo dục đứng trước thách thức lớn hơn trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, kể cả giáo dục phổ thông và giáo dục đại học. “10 năm về trước chúng ta chưa bàn gay gắt đến vấn đề học sinh phổ thông tìm kiếm cơ hội học tập ở nước ngoài, các trường phổ thông tốt ở nước ngoài cũng thu hút học sinh của chúng ta. Các trường đại học cũng phải cạnh tranh nguồn lực khoa học với những trường đại học trên quy mô toàn cầu. Chúng ta mải miết với câu chuyện tự chủ đại học, với câu chuyện đầu tư nhưng còn phải ứng phó với thách thức trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu về giáo dục”, Bộ trưởng nêu. Do đó, trong đề xuất kết luận với Bộ Chính trị, bộ sẽ có những kiến nghị nhằm tăng cường sự thích ứng, xử lý, vượt qua những thách thức trong thời kỳ sắp tới.

Cũng theo Bộ trưởng, trong kết luận của Bộ Chính trị về Nghị quyết 29, có 3 vấn đề chính cần tập trung: nhận thức, thể chế và nguồn lực, tức là vấn đề tiền và con người. Trong đó, về vấn đề thể chế, cần tiếp tục rà soát các văn bản, các bộ luật, xây dựng luật mới là Luật Nhà giáo, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để mở đường cho xã hội hóa trong giáo dục, tự chủ trong giáo dục và mở đường cho những đổi mới khác. Vấn đề nguồn lực bao gồm tài chính giáo dục, đầu tư cho giáo dục và nguồn lực con người.

“Càng ngày chúng ta càng nhận thức sâu sắc và toàn diện vai trò có tính chất quyết định của lực lượng nhà giáo trong công cuộc đổi mới này, phải làm nhiều việc hơn nữa phát triển đội ngũ nhà giáo để hoàn tất các mục tiêu đổi mới giáo dục trong thời gian sắp tới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Sau hội nghị này, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục các ý kiến và tiếp tục hoàn thiện dự thảo đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bo-truong-bo-gd-dt-phai-lam-nhieu-viec-hon-nua-phat-trien-doi-ngu-nha-giao-post718357.html