BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NGUYỄN KIM SƠN: CẦN HÀNH LANG PHÁP LÝ ĐỒNG BỘ ĐỂ THỰC HIỆN TỰ CHỦ ĐẠI HỌC CÓ CHIỀU SÂU
Phát biểu tại Hội thảo Giáo dục 2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, cần phải tạo một hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ để thực hiện được tự chủ đại học đầy đủ, có chiều sâu.
Nhất quán quan điểm tự chủ giáo dục
Tự chủ là xu hướng tất yếu và là điều kiện rất quan trọng để thúc đẩy phát triển hệ thống giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng, cùng với quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản (Nghị quyết, Kết luận, Thông báo) để lãnh đạo việc đổi mới hoạt động giáo dục theo hướng tăng cường phân cấp và tăng tính tự chủ cho các cơ sở giáo dục, trong đó có các cơ sở giáo dục đại học nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng về Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển đã xác định nhiệm vụ đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phân cấp, tạo động lực và sự chủ động của các cơ sở, các chủ thể tiến hành giáo dục.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Đảng ta xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2006 – 2010 đã đề cập đến việc tổ chức các dịch vụ công thực hiện theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động, về tài chính và nhân sự. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI cũng tiếp tục đưa ra chủ trương đổi mới cơ chế quản lý giáo dục và đào tạo trên tinh thần tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Bên cạnh đó, Kết luận số 37-TB/TW ngày 26/5/2011 của Bộ Chính trị về “Đề án đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công” đã rất chú trọng, nhấn mạnh đến chủ trương đổi mới cơ chế tài chính và thực hiện tự chủ đại học tại các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/112013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế cũng nêu rõ: Việc tăng cường tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo là một trong chín giải pháp để thực hiện đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định chủ trương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người chỉ rõ: Đẩy mạnh đổi mới đồng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý và quản trị nghiệp vụ, chuyên môn trong giáo dục và đào tạo, từng bước thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đào tạo. Đẩy mạnh tự chủ đại học. Có chính sách đột phá phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Tóm lại, cùng với quan điểm xã hội hóa, quan điểm của Đảng về tự chủ giáo dục, trong đó có giáo dục đại học là nhất quán, xuyên suốt qua các kỳ Đại hội nhằm thực hiện đổi mới giáo dục, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước.
Cần hành lang pháp lý đồng bộ để thực hiện tự chủ đại học có chiều sâu
Phát biểu tại Hội thảo Giáo dục 2023 về chủ đề “Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, giáo dục đại học Việt Nam đang trong trạng thái phát triển rất giàu sức sống, với một số lượng sinh viên tương đối ổn định (trên 500.000 sinh viên), số lượng giảng viên cũng có phần tăng lên về số lượng và cải thiện về vấn đề học hàm, học vị. Về thứ hạng trên các bảng xếp hạng thế giới cũng đang tăng, một số trường lọt top 1.000 theo các bảng xếp hạng uy tín.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận, tốc độ phát triển này có thể nói còn chậm, không có bứt phá trong sự phát triển của giáo dục đại học. “Chúng ta đang kỳ vọng đất nước phải có một sự phát triển bứt phá, một nền kinh tế phát triển với tốc độ cao để đưa quốc gia thoát ra khỏi mức thu nhập trung bình và kỳ vọng một vài chục năm sau đất nước thu nhập khá. Nếu như trong khung cảnh đất nước đã rất phát triển, trong một khung cảnh chúng ta đã cảm thấy hài lòng với những gì nền kinh tế và xã hội đã có, thì tốc độ phát triển của hệ thống giáo dục đại học như trên có thể tạm khiến chúng ta “yên lòng”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, điều chúng ta cần ở hệ thống giáo dục đại học trong thời điểm này, ở thập kỷ này và bối cảnh này là một sự bứt phá. Theo đó, chúng ta cần bàn luận nhiều hơn về vấn đề làm thế nào để các trường đại học phát triển bứt phá. Chỉ có phát triển mới đem lại chất lượng. Nếu trường đại học chỉ loay hoay ứng phó với sự tồn tại, câu chuyện chất lượng sẽ vô cùng khó.
Đối với riêng hệ thống các trường đại học công, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, muốn có sự cải thiện mang tính bứt phá thì vừa phải huy động về phía xã hội, doanh nghiệp một cách mạnh mẽ, nhưng cũng phải có sự đầu tư mang tính bứt phá, tính đột biến, bao gồm cả nguồn lực đầu tư và cách thức đầu tư.
Bộ trưởng nhìn nhận, vấn đề về thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học còn một số điểm vướng. Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, tự chủ là một thuộc tính của đại học, nó cần có và đương nhiên phải có. Đối với một số trường đại học phát triển trên thế giới, tự chủ đại học là câu chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, vấn đề tự chủ đại học tại Việt Nam là việc chuyển đổi hệ thống các trường đại học từ thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa bao cấp sang đại học của thời thị trường. Do đó, đây là một trong những câu chuyện đổi mới giáo dục, câu chuyện chuyển đổi.
“Những quy phạm pháp luật mở đường cho tự chủ của giáo dục đại học của chúng ta chưa có được một sự đồng bộ và sự chia sẻ của hệ thống giáo dục, của hệ thống pháp luật khác. Với một cơ sở giáo dục đại học mà chúng ta áp dụng các quy định như các cơ sở sự nghiệp công lập khác thì rất khó để tự chủ”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học trong các trường đại học cũng là viên chức. Trong chế tài của Luật viên chức, sự tự chủ của các viên chức cũng sẽ có những điều rất khó; mà tầng lớp trí thức, những nhà khoa học lại cần sự tự chủ rất cao để sáng tạo, để thể hiện hết trách nhiệm của mình.
“Để đảm bảo các luật khác được thực hiện, tự khắc sẽ tạo ra những sự xung đột với việc tạo điều kiện cho tự chủ đại học”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh. Do đó, trong vấn đề thể chế và chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, phải tạo một hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ để thực hiện được tự chủ đại học đầy đủ, có chiều sâu.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, có lẽ cần thiết tính đến việc làm một luật trong đó sửa nhiều luật, giúp tránh những chồng chéo này. Và nếu có thể, chúng ta đề xuất lấy tâm điểm là tự chủ đại học, rà soát xem những cái gì là chồng chéo, cản trở, mâu thuẫn thì sửa đổi một lần để các luật khác, quy định khác có thể mở đường cho câu chuyện tự chủ đại học.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, lúc này đây là một điều cực khó, nhưng tại diễn đàn do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, bàn tới điều này có lẽ là một điều quan trọng, cần thiết. “Khi có được điều này, tôi nghĩ rằng mọi vấn đề khác sẽ được tháo gỡ”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, đồng thời nêu kiến nghị với Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, cần có đột phá về mặt thể chế, mở đường cho tự chủ đại học./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=81760