Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn: Sẽ xây dựng các đề án về miễn, hỗ trợ học phí và phổ cập giáo dục mầm non
Chiều 22/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở Tổ về: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12.

Toàn cảnh thảo luận Tổ 01 (Ảnh: Phạm Thắng, Báo Đại biểu nhân dân)
Miễn, hỗ trợ học phí song hành với đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục
Góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, các ý kiến tại Tổ 01 (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) khẳng định, dự thảo Nghị quyết nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và trách nhiệm của Nhà nước đối với người học, chăm lo cho thế hệ trẻ và bảo đảm an sinh xã hội.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội nhấn mạnh sự cần thiết, cấp thiết ban hành Nghị quyết, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, phù hợp với định hướng xuyên suốt của Đảng, giáo dục là quốc sách hàng đầu. Dự thảo nghị quyết cũng có tính bao trùm cao, bảo đảm công bằng giữa các vùng, miền trong cả nước. Đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của Chính phủ, coi đây là khoản đầu tư đúng, trúng và xác đáng, giúp giảm gánh nặng tài chính cho các gia đình, có tác dụng lan tỏa tiêu dùng xã hội, tạo niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Nghị quyết này cũng có tác động trong dài hạn, mở ra hành lang công bằng, tiến tới thực hiện phổ cập giáo dục phổ thông trung học trong tương lai. Điều này cũng thể hiện tầm nhìn của đất nước, người học có điều kiện tiếp nhận tri thức đồng đều hơn.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội
Để chính sách phát huy hiệu quả tốt nhất trong thực tiễn, đại biểu cho rằng, song hành với chính sách miễn học phí, Quốc hội, Chính phủ quan tâm có cơ chế, chính sách đảm bảo chất lượng giáo dục, nội dung chương trình học phù hợp với năng lực học sinh, quan tâm đầu tư trang thiết bị trường lớp phù hợp.
"Không chỉ miễn phí, người dân kỳ vọng trường lớp phải tốt hơn, thầy cô yên tâm giảng dạy và nội dung chương trình phù hợp với năng lực học sinh. Đồng thời, cần rà soát việc phân bổ ngân sách theo vùng, tránh tình trạng cào bằng gây áp lực quá tải lên ngân sách cấp tỉnh, cấp xã, phường", đại biểu Bùi Hoài Sơn đề nghị.
Có cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Lan – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cũng đánh giá cao các nội dung, chính sách ưu việt trong dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn liệu việc miễn học phí trường công lập có thể khiến học sinh trường tư quay sang đăng ký học tại trường công, có thể dẫn tới quá tải. Do đó, đại biểu đề nghị cần dự báo tình hình để không bị động. Hơn nữa, dự thảo Nghị quyết cũng chưa thể hiện rõ việc miễn học phí có áp dụng đối với các trường năng khiếu, các trường trong trường thực nghiệm, các trường trực thuộc Bộ hay không. Ngoài ra, đại biểu đồng tình với việc bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện miễn, hỗ trợ học phí nhưng cần đánh giá kỹ lưỡng khả năng cân đối của địa phương chưa cân đối được ngân sách; nếu không đủ nguồn lực có thể chậm trễ trong triển khai thực hiện chính sách.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội
Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, các ý kiến bày tỏ tán thành, đồng tình cao với sự cần thiết xây dựng Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi. Việc ban hành Nghị quyết nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; tạo điều kiện cho trẻ em 3 đến 5 tuổi được đến trường, nhằm phát triển toàn diện, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một. Đây là bước tiến quan trọng trong việc hiện thực hóa công bằng giáo dục, thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc chăm lo cho tương lai thế hệ trẻ.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuẩn bị dự thảo nghị quyết đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, nhằm thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW. Đại biểu cho biết, hiện cả nước có khoảng 300 nghìn học sinh trong độ tuổi mầm non chưa đến lớp, chủ yếu trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm đối tượng là trẻ em là con của người lao động tự do như: phụ hồ, giúp việc gia đình – đây đều là những gia đình khó khăn, thu nhập bấp bênh.
Đồng thời, khi tổ chức thực hiện cần phân công đơn vị thực hiện cụ thể, trong đó nhấn mạnh vai trò của chính quyền địa phương trong việc thông tin, tuyên truyền để tất cả người dân đều biết; đồng thời bảo đảm nguồn lực để phát triển đội ngũ giáo viên mầm non và hệ thống trường lớp ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.
Chính phủ sẽ xây dựng các đề án thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí và phổ cập giáo dục mầm non
Phát biểu tại Tổ 01, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã đánh giá cao các ý kiến góp ý, ghi nhận, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua; đồng thời thông tin thêm về một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (Ảnh: Phạm Thắng, Báo Đại biểu nhân dân)
Bộ trưởng cho biết, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi được xây dựng với tinh thần phân cấp, phân quyền rõ ràng, theo đó giao Chính phủ xây dựng các đề án cụ thể, thẩm định công phu để triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội sau khi được thông qua. Trong đó, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi dự kiến triển khai trong 5 năm, quá trình triển khai rất công phu và có nhiều thách thức.
Bộ trưởng cũng trả lời băn khoăn của đại biểu về việc sau khi miễn, hỗ trợ học phí, học sinh tại trường công sẽ không quá tải, bởi tỷ lệ học sinh ở trường công vẫn chiếm đa số, trong khi đó các trường tư thục đã khẳng định được uy tín, chất lượng nên sẽ không có tình trạng học sinh đổ dồn vào trường công.
"Đối với các trường ngoài công lập ở khu vực Thủ đô, các trường cũng chịu khó đầu tư, có uy tín. Có nhiều trường trong quá trình tuyển sinh hàng năm hồ sơ xếp hàng cũng hơi nhiều", Bộ trưởng Sơn cho biết.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng khẳng định, ngành giáo dục Thủ đô từ năm 2024 trở lại đây đã làm một việc rất quan trọng là tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến, "không có xếp hàng đổ cửa" như trước. Đây cũng là tiến bộ của giáo dục Thủ đô.
Về việc miễn, hỗ trợ học phí đối với các trường thuộc khối giáo dục đặc biệt, trường chuyên, trường trong các đơn vị giáo dục, Bộ trưởng cho biết, trong Luật Giáo dục đã quy định cụ thể về các trường chuyên biệt, trường năng khiếu, bởi đây là những trường bồi dưỡng nhân tài, chuẩn bị nhân lực chất lượng cao trong tương lai. Học sinh học trong các trung tâm giáo dục thường xuyên, học phổ thông trong các trường cao đẳng, các học sinh cũng thuộc đối tượng miễn học phí được nêu trong dự thảo Nghị quyết.
Về mức hỗ trợ đối với học sinh ở các trường ngoài công lập, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố sẽ xác định mức hỗ trợ bao nhiêu đối với trường công, thì cũng hỗ trợ mức tương tự đối với học sinh tại trường ngoài công lập. Bộ trưởng cho biết, nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp đối với trường công lập, đối với học sinh ở trường ngoài công lập, nhà nước sẽ hỗ trợ một phần bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho người học.
Đối với ý kiến của đại biểu hạn chế thu các loại phí khác ngoài học phí, hạn chế dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Theo quy định chỉ có 3 đối tượng được học thêm trong trường, gồm: học sinh học lực yếu, học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp, học sinh bồi dưỡng năng khiếu, nhưng về nguyên tắc đây là trách nhiệm của nhà trường và không thu phí.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=94239