Bộ trưởng Bộ KH&CN: Việt Nam có nhiều cơ hội về công nghiệp bán dẫn
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều cơ hội và các yếu tố cần thiết để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn.
Ngày 17/3, tại TP Cần Thơ diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác 4 bên về đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn (VMBD) giữa Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Cần Thơ, Trường Đại học Cần Thơ (CTU) và Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ (CTUT) với Công ty Cổ phần giáo dục quốc tế Sun Edu (Công ty Sun Edu).
Chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao
Dự lễ có Ủy viên Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng - Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu; Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường; TS Lê Quốc Cường - Phó trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM; GS.TS Đặng Lương Mô - Cố vấn cấp cao Quốc gia về VMBD; Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo Sun Edu; Tổng Giám đốc Công ty Sun Edu Lưu Huê Tiến.
Cùng với sự tham dự của lãnh đạo các sở, ngành, viện, trường tại TP Cần Thơ, TP HCM, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); các tập đoàn, doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực điện tử và VMBD.Lễ ký thỏa thuận hợp tác về đào tạo nhân lực ngành điện tử và VMBD giữa 4 bên là tiền đề tạo ra sự lan tỏa và chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao về điện tử và VMBD tại TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL.
Theo bản ghi nhớ hợp tác, các bên sẽ tổ chức đào tạo, phát triển và mở rộng nguồn nhân lực chất lượng cao về VMBD để đón đầu nhu cầu của các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này; tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu cho đối tượng là viên chức, giảng viên, sinh viên tại TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL; tổ chức các sự kiện truyền thông về hoạt động triển khai chương trình; tổng hợp, báo cáo, đánh giá hiệu quả hoạt động đào tạo, đồng thời tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực một cách hiệu quả, chất lượng.
Tại lễ ký kết, TS Lê Quang Đạm- Tổng Giám đốc Công ty Marvell Việt Nam cho biết, Marvell lựa chọn đầu tư vào Việt Nam dựa trên 3 lý do chính: sự ổn định về địa chính trị, nguồn nhân lực có kiến thức cơ bản tốt và hiệu quả đầu tư.
TS Lê Quang Đạm cho rằng công nghiệp bán dẫn (CNBD) ở Việt Nam đang có cơ hội vàng, các nước đang hỗ trợ Việt Nam phát triển CNBD trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành CNBD toàn cầu. Chính phủ Việt Nam cũng đang dành sự quan tâm hỗ trợ với nhiều chương trình, giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành CNBD với mục tiêu đào tạo đội ngũ kỹ sư, chuyên gia đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành CNBD Việt Nam cả về chất lượng và số lượng.
Việt Nam ngày càng thu hút nhiều tập đoàn lớn trong ngành CNBD
Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, nhấn mạnh: “Nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các ngành công nghiệp quan trọng như CNBD có vai trò đặc biệt quan trọng trong tiềm lực KH&CN quốc gia. Nhân lực cũng chính là điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị CNBD toàn cầu. Đây là ngành công nghiệp đang có vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế thế giới, với quy mô thị trường toàn cầu đạt trên 520 tỷ USD năm 2023 và vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh”.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, trong hơn 30 năm qua, chuỗi giá trị của ngành CNBD đã được định hình và có hàng rào gia nhập cao, rất khó để các quốc gia đang phát triển có thể tham gia. Tuy vậy, với sự tái định vị chuỗi giá trị ngành bán dẫn sau đại dịch Covid-19, sự cạnh tranh công nghệ giữa các nền kinh tế lớn.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều cơ hội và các yếu tố cần thiết để phát triển hệ sinh thái ngành CNBD, có tiềm năng nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Trong thời gian qua, hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho việc ưu tiên thu hút đầu tư và phát triển bán dẫn đã được quan tâm xây dựng.
Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã bổ sung các ưu đãi đặc biệt cho các dự án công nghệ cao, quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, trong đó bao gồm các dự án sản xuất bán dẫn. Đến nay, Việt Nam đã và đang ngày càng thu hút được nhiều tập đoàn lớn trong ngành CNBD từ các nước phát triển như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan… (khoảng trên 40 công ty); cùng với đó, nhiều tập đoàn trong nước cũng đã gia nhập thị trường như Viettel, FPT, VNChip…
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: "Việc TP Cần Thơ chủ động thúc đẩy hoạt động phát triển nhân lực phục vụ ngành CNBD thông qua việc hợp tác đào tạo nhân lực hôm nay là minh chứng cho năng lực đổi mới sáng tạo của TP Cần Thơ (xếp hạng 5 trong bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023) và có ý nghĩa quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút vốn đầu tư không chỉ cho TP Cần Thơ mà còn cho cả vùng Tây Nam Bộ".
Tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cho biết, từ kinh nghiệm của các địa phương như: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, TP Cần Thơ đang tập trung xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ 4.0, trước mắt tập trung ở khâu phát triển nguồn nhân lực điện tử và VMBD định hướng cung ứng không chỉ cho Cần Thơ mà còn cho vùng ĐBSCL.
Đánh giá cao Công ty Sun Edu là một trong những đơn vị đào tạo tiên phong trong lĩnh vực điện tử và VMBD, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu tin tưởng thỏa thuận là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở lĩnh vực điện tử và VMBD. ''Qua đó góp phần hỗ trợ cung ứng nguồn nhân lực chất lượng ở lĩnh vực này cho Cần Thơ trong tương lai; thúc đẩy hiệu quả hoạt động xúc tiến hỗ trợ, thu hút các dự án đầu tư lớn vào Cần Thơ, phát triển ngành CNBD của thành phố cũng như vùng ĐBSCL''- ông Hiếu kỳ vọng.