Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung: Không để dân thiếu ăn thiếu mặc, không bỏ sót người dân gặp khó khăn
Ngày 14/7, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm lĩnh vực lao động, người có công và xã hội 6 tháng cuối năm 2021 và triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ trì tại điểm cầu của Trung ương có các đồng chí: Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan.
Dự tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc đồng chí Nguyễn Việt Phương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố.
6 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu tác động không nhỏ từ đợt bùng phát dịch Covid – 19 lần thứ 4, song với phương châm “đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển”, 6 tháng đầu năm 2021, ngành LĐ-TB&XH cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ.
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 3,7%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng trên 65%; có 40.602 lao động đi làm việc ở nước ngoài; hơn 10.600 người được hỗ trợ học nghề; trên 3,1 triệu người nhận trợ cấp xã hội.
Đặc biệt, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; trình Quốc hội đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025; trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; hỗ trợ cho trẻ em bị nhiễm Covid – 19 và trẻ em phải cách ly tập trung để phòng chống dịch.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa; huy động nguồn lực xã hội chăm lo đời sống người có công với cách mạng; tích cực thực hiện đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
6 tháng cuối năm, ngành LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục kiên định thực hiện mục tiêu kép vừa quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả, vừa tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động.
Cùng với đó, sẽ chủ động, tích cực triển khai Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ; có giải pháp duy trì lực lượng lao động, bảo đảm sức khỏe cho người lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về lao động, người có công và xã hội; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho đối tượng yếu thế...
Tại hội nghị, lãnh đạo một số tỉnh, thành, các bộ, ngành đã tập trung trao đổi, chia sẻ công tác triển khai một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid – 19 theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ, Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, các đại biểu kiến nghị, Bộ LĐ-TB&XH thiết lập đường dây nóng hỗ trợ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19...
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, để thực hiện tốt các mục tiêu của ngành đã đặt ra, thời gian tới, các cục, vụ, đơn vị trực thuộc bộ, địa phương tiếp tục rà soát lại các chỉ tiêu mục tiêu để có kế hoạch triển khai hiệu quả; quan tâm chăm lo người có công nhiều hơn nữa; đẩy mạnh công tác đấu tranh, phòng chống xâm hại phụ nữ, gây thương tích ở trẻ em.
Đồng thời, chú trọng giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động; tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu lao động, rút ngắn thời gian tìm việc của người lao động.
Đặc biệt, việc triển khai Nghị quyết số 68, các địa phương cần chủ động, linh hoạt triển khai chính sách cho người lao động tự do, ưu tiên chú trọng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, bảo đảm phương châm “không để dân thiếu ăn thiếu mặc, không bỏ sót người dân gặp khó khăn”.