Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung làm việc với tỉnh về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng cơ sở hạ tầng và công tác an sinh xã hội
Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, sáng ngày 11/5, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung đã dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ về làm việc với tỉnh về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng cơ sở hạ tầng, xuất nhập khẩu và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, sáng ngày 11/5, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung đã dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ về làm việc với tỉnh về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng cơ sở hạ tầng, xuất nhập khẩu và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tiếp và làm việc với đoàn về phía tỉnh có các đồng chí: Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Các đồng chí thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Tại hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh đã báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. Về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn, giai đoạn 2021 – 2022, kinh tế Hà Nam duy trì ổn định và đạt tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt 10,06%/năm (cao hơn so với một số tỉnh trong khu vực và bình quân chung của cả nước). GRDP bình quân đầu người đến năm 2022 đạt 87 triệu đồng/người. Thu ngân sách tăng cao, tốc độ thu cân đối ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 19,7%/năm.
Những tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh kinh tế và chính trị thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường song với sự chỉ đạo tập trung của Tỉnh ủy, sự điều hành sâu sát, quyết liệt của UBND tỉnh, sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản giữ được ổn định và phát triển.
Tuy nhiên, tỉnh cũng gặp những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư công; về đất đai; về đầu tư, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản; khoáng sản và vật liệu xây dựng. Vì vậy, tỉnh đề xuất trong quá trình triển khai một số dự án cụ thể: Đối với việc đầu tư xây dựng và phát triển Khu công nghệ cao Hà Nam: Đề nghị Quốc hội sớm xem xét điều chỉnh Nghị quyết số 39/2021/QH15 về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025; trong đó có nội dung giao bổ sung 663ha chỉ tiêu sử dụng đất Khu công nghệ cao cho tỉnh Hà Nam làm căn cứ phê duyệt Đề án thành lập Khu công nghệ cao Hà Nam; Ủy quyền cho tỉnh thực hiện một số nội dung để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hình thành, đầu tư xây dựng và phát triển Khu công nghệ cao Hà Nam.
Về dự án Khu du lịch Tam Chúc: Đề nghị tiếp tục quan tâm bố trí vốn ngân sách Trung ương để thực hiện đầu tư hoàn thiện Khu du lịch Tam Chúc; quan tâm tháo gỡ vướng mắc khi thực hiện phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Đối với dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cơ sở 2: Đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế quan tâm chỉ đạo sớm tháo gỡ các vấn đề khó khăn, vướng mắc để các bệnh viện trên sớm đi vào hoạt động.
Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ song hành 02 bên đường Vành đai 5: Đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, hỗ trợ đầu tư 1.500 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương kế hoạch trung hạn 2021-2025 để sớm hoàn thành xây dựng công trình, tạo liên kết giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh phía Nam vùng đồng bằng sông Hồng qua tỉnh Hà Nam.
Bên cạnh các kiến nghị, đề xuất cụ thể trên, tỉnh Hà Nam trân trọng đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành tập trung chỉ đạo, tháo gỡ một số nội dung: Các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu các khó khăn, vướng mắc quy định pháp luật nêu trên, tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ cho địa phương, doanh nghiệp. Các Bộ, ngành sớm triển khai tham mưu, ban hành và hướng dẫn các địa phương để triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm tháo gõ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các đối tượng thu nhập thấp, thúc đẩy thị trường bất động sản…
Đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (thay thế Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP) nhằm khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành về quản lý cụm công nghiệp; đẩy mạnh đầu tư phát triển cụm công nghiệp một cách hiệu quả, chặt chẽ. Bộ Công Thương hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tỉnh Hà Nam tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại ở nước ngoài theo chương trình công tác hàng năm của Bộ Công Thương nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.
Bộ LĐ-TB&XH xin ý kiến Chính phủ về việc có tiếp tục triển khai Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 trong năm 2023 và sửa đổi Nghị định 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Lãnh đạo UBND tỉnh cũng báo cáo đoàn về công tác bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh: Thực hiện chính sách ưu đãi người có công; Công tác việc làm, an toàn lao động; Công tác Lao động, Tiền lương - Bảo hiểm xã hội; Bảo trợ xã hội và Phòng, chống tệ nạn xã hội; Công tác Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, những tồn tại, hạn chế và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Đồng thời nêu một số kiến nghị, đề xuất: Đề nghị Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH sớm tham mưu, trình Quốc hội xem xét việc sửa đổi nâng quy định về tuổi trẻ em trong Luật Trẻ em năm 2016 để khắc phục những khoảng trống và thiếu đồng nhất về áp dụng chế tài, biện pháp xử lý hình sự, dân sự, hành chính cũng như các biện pháp bảo vệ đối với độ tuổi từ 16 đến dưới 18 để phù hợp với quy định về tuổi trẻ em. Quan tâm tạo điều kiện, đầu tư cơ sở vật chất cho Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam thành Trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025.
Tại hội nghị lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh cũng nêu nhiều ý kiến làm rõ thêm về những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị. Đại diện các bộ, ngành trung ương cũng giải đáp những thắc mắc của tỉnh xung quanh các vấn đề địa phương kiến nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề nghị tỉnh và các bộ phận thường trực hoàn thiện báo cáo để trình Chính phủ. Về những vấn đề lớn cần lưu tâm, Bộ trưởng đề nghị tỉnh phải đặc biệt quan tâm đầu tư công, tập trung rất cao giải ngân đầu tư công. Cùng đó quan tâm hỗ trợ các nhà đầu tư, các khu công nghiệp. Hà Nam cũng cần khẩn trương trình Trung ương về quy hoạch tổng thể. Bộ trưởng cũng yêu cầu tỉnh đặc biệt quan tâm vấn đề nhân lực, nhất là nhân lực kỹ năng, nhân lực kỹ thuật cao...Về những khó khăn ở Khu du lịch Tam Chúc sẽ trình Chính phủ để chỉ đạo ngành chức năng sớm tháo gỡ. Hai cơ sở Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 tập trung quyết tâm tháo gỡ, ...
Trước khi làm việc tại UBND tỉnh, đoàn công tác do đồng chí Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn đầu và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đi thăm và kiểm tra một số dự án trọng điểm đầu tư cơ sở hạ tầng, bệnh viện cấp vùng đang triển khai trên địa bàn tỉnh: Dự án Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; Dự án đầu tư xây dựng Nút giao Phú Thứ và tuyến đường kết nối tại xã Tiên Hiệp, thành phố Phủ Lý; Nhà máy của Công ty Wistron Infocomm (Việt Nam) tại KCN Đồng Văn III.