Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm việc với tỉnh Gia Lai
Sáng 15-3, đoàn công tác của thành viên Chính phủ do Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Gia Lai.
Nội dung làm việc liên quan đến tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh; thúc đẩy xuất khẩu và quảng bá hình ảnh của địa phương.
Tham dự buổi làm việc về phía tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trương Văn Đạt-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Tuấn Anh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Quán triệt tinh thần buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: Gia Lai là địa phương có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng ở khu vực Tây Nguyên và trong tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. Những kết quả đạt được thời gian qua cho thấy tỉnh đã có nhiều quyết sách đúng trong phát triển và mở rộng hợp tác trong khu vực.
Thông tin về tình hình kinh tế cả nước trong 2 tháng đầu năm 2024 với những kết quả khả quan, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định đây là những tín hiệu đáng mừng đối với nền kinh tế của nước ta, tạo cơ hội để các địa phương tiếp tục phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đổi mới, sáng tạo và huy động các nguồn lực để tập trung phát triển kinh tế-xã hội.
Trưởng đoàn công tác của thành viên Chính phủ yêu cầu tỉnh Gia Lai ngoài báo cáo thực chất tình hình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn thời gian qua, cần nêu rõ về kết quả xử lý và trả lời của Chính phủ cũng như các bộ, ngành đối với những kiến nghị của tỉnh tại các buổi làm việc của thành viên Chính phủ trong năm 2023. Từ đó, tiếp tục đề xuất tháo gỡ đối với những nội dung chưa được phản hồi, trả lời và những vấn đề phát sinh mới.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cũng đề nghị các thành viên trong đoàn công tác trao đổi, làm rõ đối với những kiến nghị, đề xuất của địa phương; đồng thời, gợi mở thêm những vấn đề mới cho sự phát triển của tỉnh, nhất là trên các lĩnh vực đầu tư công, xuất-nhập khẩu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tín chỉ Carbon, phát triển du lịch sinh thái-văn hóa-lịch sử, xây dựng đô thị thông minh…
Bám sát gợi ý của Trưởng đoàn công tác, lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai và các sở, ngành đã báo cáo khái quát về tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của năm 2024 và có nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan.
Theo đó, năm 2023, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất của UBND tỉnh, Gia Lai đã đạt 14/21 chỉ tiêu chủ yếu đề ra. Trong đó, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 3,02%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp; GRDP bình quân đầu người đạt 59,08 triệu đồng.
Diện tích gieo trồng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, kim ngạch xuất khẩu, số lượng doanh nghiệp thành lập mới, số dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư… đều tăng so với năm 2022; thu ngân sách đạt 103% dự toán Trung ương giao. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục có sự khởi sắc. An ninh chính trị, an ninh biên giới được giữ vững, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định.
Tuy nhiên, tỉnh còn 7/21 chỉ tiêu chưa đạt so với Nghị quyết đề ra; tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt như kỳ vọng; công tác thu hút đầu tư còn gặp nhiều khó khăn; thị trường bất động sản trầm lắng. Một số vướng mắc trong quy hoạch, đền bù, giải phóng mặt bằng, nguồn đất san lấp… đã ảnh hưởng đến giải ngân, thu ngân sách. Tiến độ triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm.
Quyết tâm khắc phục khó khăn, trong năm 2024, tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,6%; giải ngân xây dựng cơ bản đạt trên 95%; tỷ lệ hộ nghèo còn 6,11% (giảm 2%); có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới (lũy kế 103 xã); trồng mới 9.000 ha rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,5%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,75%...
Tại buổi làm việc, tỉnh Gia Lai cũng đã báo cáo cụ thể kết quả xử lý và trả lời của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương hoặc các cơ quan có thẩm quyền đối với những kiến nghị của tỉnh tại các buổi làm việc của thành viên Chính phủ với tỉnh trong năm 2023.
Đồng thời, nêu lên một số khó khăn, vướng mắc đang gặp phải trong thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, phát triển khu công nghiệp, các dự án giao thông trọng điểm (quốc lộ 25, quốc lộ 14C, tuyến cao tốc Pleiku-Quy Nhơn), năng lượng tái tạo, việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia… và một số vấn đề khác nổi lên trên địa bàn tỉnh gắn với những kiến nghị, đề xuất liên quan.
Trên cơ sở đó, đại diện Bộ Giao thông-Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Dân tộc… cũng đã giải trình, làm rõ một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh thuộc thẩm quyền quản lý; đồng thời, tiếp thu, ghi nhận đối với những nội dung vượt thẩm quyền để tổng hợp, báo cáo Chính phủ sớm xem xét, giải quyết cho tỉnh.
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao nỗ lực của tỉnh trong năm 2023 với những thành tựu đã đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội, phục hồi kinh tế, công tác đối ngoại cũng như trong triển khai các kết luận của Chính phủ, Thủ tướng Chính Phủ tại các buổi làm việc với tỉnh.
Bộ trưởng đề nghị, năm 2024, Gia Lai cần bám sát các chương trình, kế hoạch của Chính phủ với phương châm hành động “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo và hiệu quả bền vững”; đồng thời, xác định đây là năm “nước rút” trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025) để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.
Bên cạnh chỉ ra những nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh Gia Lai cần tập trung thực hiện, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan Trung ương liên quan tiếp tục quan tâm, bám sát các đề xuất, kiến nghị của địa phương để tập trung tháo gỡ; đồng thời, có những hướng dẫn cụ thể để tỉnh triển khai hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển bền vững năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy thương mại biên giới, du lịch… cũng như hỗ trợ nghiên cứu một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển vùng Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Gia Lai.