Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: 'Ngoại giao cây tre' nâng cao vị thế của Việt Nam
Chủ trương triển khai đường lối đối ngoại Đại hội Đảng lần thứ XIII gắn tư tưởng 'ngoại giao cây tre' đã giúp ngoại giao Việt Nam gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng.
Ngày 19-12, Bộ Ngoại giao khai mạc hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 với chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Cục diện thế giới đa cực, đa trung tâm
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết nhìn lại từ sau Đại hội XIII của Đảng và Hội nghị Đối ngoại toàn quốc đến nay, tình hình thế giới và khu vực đã trải qua những biến động lớn. Bên cạnh những thuận lợi, có nhiều diễn biến phức tạp hơn so với dự báo, khó khăn, thách thức mới xuất hiện và gay gắt hơn.
"Thế giới đang đứng trước bước ngoặt sang cục diện mới, đa cực, đa trung tâm, đa tầng nấc. Trong đó, các cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt hơn; chính trị cường quyền gia tăng; điểm nóng xung đột ở một số khu vực bùng phát; an ninh truyền thống và phi truyền thống đan xen ngày càng phức tạp" - Bộ trưởng Ngoại giao đánh giá.
Tuy nhiên, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là mục tiêu chung hướng tới của đại đa số các quốc gia, dân tộc. Bình đẳng, dân chủ, công bằng, tôn trọng pháp luật quốc tế và phát triển bền vững là giá trị chung của nhân loại.
Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra những thách thức mới, song cũng mở ra cơ hội lớn cho các quốc gia.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh công tác đối ngoại và ngoại giao đã bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là các chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, phát huy mạnh mẽ bản sắc "ngoại giao cây tre Việt Nam".
Theo ông Bùi Thanh Sơn, các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao, diễn ra rộng khắp các châu lục và tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng, nhờ đó củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế của đất nước.
Từ sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, ngành ngoại giao cùng các cấp ngành đã tổ chức thành công 45 chuyến thăm của các lãnh đạo chủ chốt đến các nước láng giềng, đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và gần 50 chuyến thăm của lãnh đạo các nước đến Việt Nam.
Đáng chú ý có những chuyến thăm nổi bật như chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden... đã tạo nên bước phát triển mới về chất trong cục diện đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Trước những biến động phức tạp của tình hình quốc tế, đối ngoại cùng quốc phòng, an ninh đã xử lý đúng đắn với các đối tác trên cơ sở kiên định nguyên tắc, linh hoạt trong sách lược và ứng xử, kiên trì thúc đẩy đối thoại để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là đạt được những kết quả quan trọng về phân định, giải quyết một số vấn đề biên giới lãnh thổ.
Phát huy mạnh mẽ bản sắc "ngoại giao cây tre Việt Nam"
Trình bày tham luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đánh giá dưới sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn, cả hệ thống chính trị đã triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII. Bản sắc “ngoại giao cây tre” đã tiếp tục được khẳng định, phát huy, tạo ra những bước ngoặt mang tính lịch sử, thay đổi về chất trong quan hệ với các nước lớn.
“Có thể khẳng định, chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh Việt Nam là đối tác tin cậy, thành viên tích cực, trách nhiệm, được khẳng định trên trường quốc tế. Những thành tựu đối ngoại đạt được là minh chứng rõ nét về đường lối đối ngoại đúng đắn của Việt Nam được đúc kết từ Hội nghị Đối ngoại toàn quốc” - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Đóng góp chung vào thành tựu đối ngoại, đối ngoại Công an nhân dân (CAND) tiếp tục khẳng định vai trò là một trong những trụ cột chính trong chính sách đối ngoại Việt Nam.
Để thực hiện có hiệu quả các phương châm đi trước mở đường, mắt tinh tai thính, không để bị động bất ngờ, công tác đối ngoại CAND được triển khai một số hướng: tập trung thu thập các thông tin, nghiên cứu, dự báo chiến lược, nắm vững những xu hướng hoạt động, quan hệ của các nước lớn, nước láng giềng, khu vực, xu hướng kinh tế, chính trị để kịp thời tham mưu với Trung ương, Đảng, Nhà nước; củng cố niềm tin chiến lược, tạo thuận lợi, mở rộng quan hệ đối ngoại trên nhiều lĩnh vực; thống nhất chính sách đối ngoại kéo dài của chính sách đối nội...
Cũng như thông qua đối ngoại củng cố hình ảnh đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng làm cầu nối giải quyết xung đột, gìn giữ hòa bình...; tham gia tích cực các diễn đàn đa phương, quá trình xây dựng các luật lệ, tiêu chuẩn mới liên quan đến đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống.
Trình bày tham luận, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường với những vấn đề nảy sinh chưa từng có tiền lệ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quán triệt thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại được chỉ ra trong Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 34 của Bộ Chính trị về định hướng, chủ trương triển khai đường lối đối ngoại Đại hội Đảng lần thứ XIII gắn tư tưởng ngoại giao cây tre Việt Nam gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng.
Đại tướng Phan Văn Giang điểm lại những dấu ấn nổi bật, như: hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng được triển khai đồng bộ, có nhiều cách làm sáng tạo, đạt kết quả quan trọng, đóng góp vào thành công chung của công tác đối ngoại đất nước; tăng cường tiềm lực quốc phòng, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, hợp tác quốc phòng song phương và đa phương đã góp phần củng cố tin cậy chiến lược, giữ thế cân bằng trong quan hệ đối ngoại, nhất là đối với các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các nước lớn, các nước đối tác khác, từ đó thúc đẩy xu thế hòa bình, hóa giải xung đột góp phần bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.