Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: Cần quảng bá sản phẩm OCOP trong khách sạn, khu du lịch của địa phương
'Thử hỏi xem trên kệ trong tủ lạnh mỗi khách sạn, nhà nghỉ không phải là Pepsi, Coca – Cola… mà là nước uống, bánh kẹo đạt chứng nhận OCOP của địa phương thì cảm xúc của người dùng sẽ dâng trào thế nào', Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ về cách quảng bá sản phẩm OCOP.
Sáng 17/7, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), giai đoạn 2021-2025.
Có hơn 9850 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 sao
Theo ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, đến nay, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn NTM (tăng 11,3% so với cuối năm 2020). Tính đến 30/6/2023, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đã có 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 66,9% sản phẩm 3 sao, 32,2% sản phẩm 4 sao, 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao (đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận).
Đã có 5.069 chủ thể OCOP, trong đó có 38,5% là HTX, 24,4% là doanh nghiệp, 34,1% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Các địa phương đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP, điển hình như: vùng Đồng bằng sông Hồng (chiếm 31,36% tổng sản phẩm OCOP cả nước); vùng miền núi phía Bắc (chiếm 19,8%) và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (chiếm 18,4%).
Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP 5 sao đã được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tin tưởng, lựa chọn làm quà tặng trong các hội nghị quan trọng và các chuyến công tác nước ngoài; đồng thời, được một số bộ, ngành sử dụng làm quà tặng đại biểu trong các hội nghị của ngành.
Bên cạnh những kết quả kể trên, Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn, cụ thể là góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường. Nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, đặc biệt là bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống. Sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường… Góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu.
Tuy nhiên, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cũng cho rằng, cần phải thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, tồn tại của Chương trình OCOP sau hơn 5 năm triển khai. Số lượng sản phẩm OCOP tăng nhanh nhưng chưa thực sự bền vững, một số địa phương còn chạy theo thành tích, tập trung vào những sản phẩm đã được hình thành, không phải là các sản phẩm có lợi thế; thiếu sự chủ động của các chủ thể khi tham gia vào chương trình; chưa tập trung đến các giải pháp về chuẩn hóa chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm, nâng cao năng lực thực sự của chủ thể (về quản trị, tổ chức sản xuất, năng lực thị trường…); hoạt động xúc tiến thương mại tuy được nhiều địa phương triển khai nhưng còn manh mún, thiếu đồng bộ….
Theo đó, Văn phòng Nông thôn mới Quốc gia đề nghị cần tăng cường tuyên truyền, chuyển đổi tư duy và nâng cao năng lực cho các chủ thể OCOP; Hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP dựa trên lợi thế và theo yêu cầu của thị trường. Về khía cạnh xúc tiến thương mại, Chương trình cần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt tập trung vào nâng cao nhận thức và quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng, đưa OCOP trở thành một dấu hiệu nhận diện về sản phẩm trên thị trường, tạo niềm tin để thúc đẩy thương mại.
Học lại cách quảng bá sản phẩm OCOP
Trước thực trên trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, nhiều quốc gia thực hiện chương trình quy nông, quy hương, không phải tất cả đều về nông thôn, nhưng họ coi nông thôn là vốn quý, di sản, tài sản và họ làm nhiều chương trình du lịch làng nghề, du lịch nông nghiệp nông thôn kích hoạt để chấn hưng nông thôn, để nông thôn trở thành nơi đáng sống, đáng để quay về.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ông vừa đi thực tế tại Bắc Kạn về và thấy rằng vẫn còn nhiều hộ nghèo và câu hỏi đặt ra là làm gì để thu nhập của bà con tăng 1,5 lần không phải là dễ.
Theo đó, Bộ trưởng Hoan đề cập đến Chương trình OCOP. “Đồng Tháp có hàng trăm sản phẩm OCOP, nhưng khi tôi ra siêu thị không có sản phẩm OCOP nào. Vậy đầu ra các sản phẩm OCOP đi đâu?”, ông Lê Minh Hoan đặt câu hỏi và cho rằng, vấn đề cần làm đó là kích hoạt sự tham gia của cộng đồng, để các chủ thể chăm chút chính sản phẩm OCOP của mình và để sản phẩm đi xa. “Bởi chính chúng ta chưa trân quý sản phẩm của mình thì đừng mong rằng thị trường chấp nhận”, ông Lê Minh Hoan đặt vấn đề.
Theo đó, Bộ trưởng NN&PTNT cho biết sắp tới sẽ suy nghĩ về việc đổi lại thang chấm điểm sản phẩm OCOP, chất lượng bao bì là một tiêu chí nhưng cũng cần tính tới tiêu chí cộng đồng của sản phẩm với sự tham gia của nhiều người, thực ra OCOP là hồi sinh năng lực, tạo ra thu nhập cho cả cộng đồng. Cùng với đó, chúng ta cần phải chứng minh được tính thương mại hóa, thị trường hóa của sản phẩm OCOP, đồng thời một số thang điểm khác như tiêu chí về môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Ông Hoan cho biết, để quảng bá sản phẩm OCOP, Thái Lan đã in ấn phẩm đưa lên các chuyến bay của hãng hàng không Quốc gia. Thái Lan cũng có phần mềm quản lý sản phẩm OCOP, cung cấp thông tin về thị trường cho sản phẩm đó. Đây là những cách làm hay để Việt Nam học hỏi.
Chưa kể, với các địa phương có thế mạnh về phát triển du lịch, Bộ trưởng Hoan chia sẻ rằng tại sao không quảng bá sản phẩm OCOP trong các khách sạn, nhà nghỉ, khu du lịch của địa phương. “Thử hỏi xem trên kệ trong tủ lạnh mỗi khách sạn, nhà nghỉ không phải là Pepsi, Coca – Cola… mà là nước uống, bánh kẹo đạt chứng nhận OCOP của địa phương thì cảm xúc của người dùng sẽ dâng trào thế nào”, ông Hoan cho rằng các địa phương có thể học cách làm này.
Trước gợi mở của Bộ trưởng, ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh cho hay, địa phương này phấn đấu có 10 sản phẩm OCOP 5 sao, hiện nay đang có 6 sản phẩm. Quảng Ninh đang quảng bá các sản phẩm OCOP thông qua các tờ rơi được gửi trong khách sạn. "Vào khách sạn Quảng Ninh sẽ có tờ rơi hoặc cửa hàng nhỏ ở sảnh khách sạn quảng bá, giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước sản phẩm OCOP. Đây là cách làm để quảng bá tốt sản phẩm OCOP”, ông Sơn cho hay.