Bộ trưởng Bộ NN-PTNT: Để phát triển bền vững thì cả doanh nghiệp và hộ nông dân đều phải phát triển cùng nhau
Ngày 28-6, tại Long An, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Long An tổ chức Diễn đàn 'Phát triển Nông nghiệp Việt Nam 2023' với chủ đề 'Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững'.
Tại diễn đàn, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, cho biết, thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Trong đó, nêu rõ các giải pháp nổi bật như: Doanh nghiệp có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư thì được nhà nước hỗ trợ kinh phí tương đương với 20% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho 5 năm đầu tiên. Hoặc như hỗ trợ cơ sở chế biến nông sản, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm 60% kinh phí đầu tư và không quá 15 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án,…
“Tôi cho rằng Chính phủ và các địa phương cần đặc biệt quan tâm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nông nghiệp, chúng ta cũng cần xây dựng các mô hình, các doanh nghiệp thành công trong đầu tư vào nông nghiệp để nhân rộng và khích lệ, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư tiềm năng. Dẫu biết, đầu tư vào ngành nông nghiệp là ngành nghề gặp nhiều rủi ro và khó khăn, lợi nhuận thì mỏng, bấp bênh, nhưng việc đầu tư vào nông nghiệp cũng chính là phát huy thế mạnh nổi bật của nước ta, cơ hội thành công vì thế cũng rất lớn và đặc biệt hơn, là tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh”, ông Phạm Tấn Công nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út, cho biết, Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã khẳng định phát triển nông nghiệp là thế mạnh và cũng là sứ mệnh của vùng ĐBSCL. Tập trung phát triển sản phẩm chiến lược theo 3 trọng tâm: thủy sản, trái cây và lúa gạo theo hướng tăng trưởng tỷ trọng thủy sản, trái cây và giảm tỷ trọng lúa gạo. Phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với thương mại, dịch vụ logistics, du lịch sinh thái; công nghiệp trọng tâm là công nghiệp chế biến nâng cao giá trị và sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp.
Diễn đàn lần này cũng sẽ là dịp để tăng cường liên kết các nhà đầu tư, doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội, hợp tác đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tái tạo, nông nghiệp xanh bền vững và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp chế biến nông sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, kết hợp phát triển nông nghiệp với du lịch và du lịch nông nghiệp.
Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM Đinh Minh Hiệp, cho biết, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của các bên góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội giữa TPHCM và các tỉnh vùng ĐBSCL nói chung và thúc đẩy hợp tác đầu tư, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói riêng cần đẩy mạnh giải pháp chủ yếu như: Xây dựng cơ chế trao đổi thông tin, cập nhật tiến độ chương trình hợp tác, nghiên cứu xây dựng trang web cập nhật nội dung hợp tác vùng và nội dung hợp tác song phương với từng địa phương để cùng thúc đẩy đầu tư phát triển, thiết lập hệ thống trao đổi thông tin hai chiều về lĩnh vực nông nghiệp qua truyền thông đa phương tiện; Cơ chế thúc đẩy hợp tác đầu tư hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của các địa phương tại thị trường trong nước và quốc tế;...
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhận định, cả thế giới đều đang đối mặt với các vấn đề về biến đổi khí hậu, thị trường tiêu thụ nông sản khó khăn.
"Đã đến lúc chúng ta phải cần nhau, không thể sống biệt lập mà phải mở rộng tiếp thu các tinh hoa. Đã đến lúc chúng ta phải tiếp cận cách tiên tiến. Cần các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia chung tay đóng góp cho nông nghiệp nước nhà, đóng góp hơn là chỉ trích. Tất cả chúng ta ở thế hệ hôm nay đừng vì lý do sinh tồn lấy đi những gì của tương lai, đừng đánh đổi tài nguyên môi trường đa dạng sinh thái vì tăng trưởng. Chúng ta có hàng trăm ngàn doanh nghiệp, hàng triệu doanh nghiệp, nhưng chúng ta có 50 triệu hộ nông dân. Do đó, để phát triển bền vững thì cả doanh nghiệp và hộ nông dân đều phải phát triển cùng nhau. Nếu đứt gãy một trong hai thì sẽ không bao giờ bền vững. Hiện nay, thế giới đang tiếp cận khái niệm về nền kinh tế bao trùm, tư duy phát triển để thay thế tư duy tăng trưởng. Nếu không giải quyết được bài toán hài hòa giữa các bên thì sẽ không có bền vững. Doanh nghiệp sẽ lún vào con đường đầy khó khăn. Doanh nghiệp cần lợi nhuận, nhưng nếu nói đó là mục tiêu nhất thiết đạt được thì không phải mà phải là tạo ra sự phát triển cho cộng đồng và đạt được lợi ích lợi nhuận thông qua đó”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các địa phương khi quan tâm thu hút “đại bàng” thì cũng đừng quên những con “chim sẻ”, hợp tác xã, những hộ nông dân, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cần nâng cánh “chim sẻ” để tạo hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp tổng thể. Nông nghiệp hiện nay không phải là đơn giá trị mà phải tích hợp đa giá trị và những khái niệm về nông nghiệp gần đây đã được mở rộng rất nhiều như: nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tái sinh, nông nghiệp điện quang, nông nghiệp du lịch... Đồng thời, xem đó là một nền kinh tế mới, một giá trị rộng hơn, sâu hơn trước.
Long An đủ chỗ cho tất cả doanh nghiệp tới và ứng dụng tất cả các sáng kiến mới mẻ nhất, chứ không chỉ dừng lại ở sản xuất, thu mua, chế biến. Giá trị cao nằm ở các đổi mới sáng tạo, từ một sản phẩm ra hàng trăm ngàn sản phẩm, có hàm lượng tri thức cao hơn, phục vụ cho nhiều đối tượng tiêu dùng khác nhau. Các doanh nghiệp phải đi cùng nhau, tìm kiếm thêm nhiều hướng đi, ứng dụng công nghệ để tạo ra các giá trị mới, tạo ra giá trị tuần hoàn trong chuỗi mang lại giá trị cao gấp nhiều lần.