Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Một bộ phận cán bộ có tư tưởng giữ an toàn, sợ sai
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, đổi mới, sáng tạo tức là những quy định của pháp luật đang chồng chéo, vướng mắc cần được tháo gỡ - tức phải vượt rào.
Ngày 24-3, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Kiến nghị được hồi tố
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhận định đây là một nghị định rất khó và mang tính chính trị rất cao. “Trong bối cảnh chúng ta đang tích cực đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì một bộ phận cán bộ có tư tưởng chần chừ, giữ an toàn, sợ sai” - bà Trà nêu lý do vì sao cần có những cơ chế, chính sách để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Phát biểu sau đó, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa Trần Quốc Huy chia sẻ sở này được giao nhiệm vụ tham mưu, đề xuất cho tỉnh nội dung bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm từ năm 2022. “Chúng tôi làm suốt một năm không ra được vì rất khó” - ông Huy nói.
Theo ông Huy, điều các địa phương cần nhất là quy trình tiếp nhận ý tưởng đổi mới, sáng tạo thế nào và cấp có thẩm quyền nào sẽ ban hành quyết định để đưa sáng kiến ấy vào cuộc sống và nếu xảy ra vấn đề gì thì cán bộ được bảo vệ.
“Có những trường hợp cấp trên cho làm nhưng khi có việc gì sai trái lại “truy” ông tham mưu. Cuối cùng, lãnh đạo không sao cả, toàn các ông tham mưu bị xử lý.” Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh NGUYỄN TRỌNG TÂN
Trong khi đó, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Trọng Tân mong mỏi nghị định này nhanh chóng được đưa vào thực hiện, thậm chí kiến nghị có hồi tố. “Tôi sợ khi nghị định có hiệu lực, nhiều cán bộ của ta đã bị xử lý rồi nếu không hồi tố. Hoặc cần có cơ chế nào đó áp dụng ngay, để những cán bộ dám đổi mới được miễn tố, miễn trách nhiệm hành chính, hình sự” - giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh nói.
Ông Tân nêu thực tế ở địa phương có việc sở vướng mắc, huyện vướng mắc xin ý kiến UBND tỉnh, câu trả lời nhận được là “đồng ý với chủ trương” nhưng khi sai lại “truy” người đề xuất. “Tôi nghĩ không được như thế. Cấp trên cho làm, người ta mới dám làm thế nhưng khi có việc gì sai trái lại “truy” ông tham mưu. Đây là chuyện có thật, Bắc Ninh đang có chuyện như thế. Cuối cùng, lãnh đạo không sao cả, toàn các ông tham mưu bị xử lý” - ông Tân nhìn nhận.
Theo ông, cơ quan nào mà cấp trên đồng ý thì cơ quan đó cũng phải chịu trách nhiệm, cấp dưới liên đới chỉ ở mức độ nào đó. “Đây là những nội dung cần đưa vào dự thảo để khuyến khích cán bộ cấp dưới tham mưu” - ông Tân đề nghị.
Lo ngại bị lạm dụng
Liên quan đến phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, dự thảo nghị định đưa ra hai phương án. Phương án 1 là áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước. Phương án còn lại mở rộng hơn, Bộ Nội vụ đề xuất áp dụng chung cho cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan nói trên.
“Đổi mới, sáng tạo phải từ cán bộ, công chức, viên chức chứ không phải chỉ đội ngũ lãnh đạo” - cũng như nhiều ý kiến góp ý tại hội thảo, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh Lê Minh Đạo tán thành với phương án 2.
Một quy định khác của dự thảo nhận được nhiều quan tâm, góp ý của đại biểu là nguyên tắc: “Cán bộ có ý tưởng, cách làm mới, mạnh dạn đột phá, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt và những vấn đề chưa có quy định hoặc có quy định nhưng không còn phù hợp với thực tiễn thì được khuyến khích và bảo vệ nhưng phải bảo đảm không trái hiến pháp, điều lệ Đảng”.
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa Trần Quốc Huy cho rằng những đột phá, dám nghĩ, dám làm nhưng phải bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật. “Dự thảo quy định không được trái với hiến pháp và điều lệ Đảng như thế chưa đủ, phải là không được trái với hiến pháp, các quy định của pháp luật, thậm chí không được trái với đạo đức xã hội” - ông Huy nói.
Trong khi đó, giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh đánh giá những quy định tại nghị định này sẽ giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn. Tuy vậy, ông Nguyễn Trọng Tân lo ngại nếu quy định rộng quá sẽ bị lạm dụng. “Những nội dung chưa có quy định thì đổi mới, sáng tạo. Còn những nội dung đã có quy định và không chồng chéo thì dù có đổi mới, sáng tạo cũng phải thượng tôn pháp luật” - ông Tân nói.
Trao đổi lại, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu thực tiễn nhiều khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến: “Đồng ý về mặt chủ trương, đề nghị thực hiện theo quy định của pháp luật”. “Như thế là đã khó rồi. Ở đây, đổi mới, sáng tạo tức là những quy định của pháp luật đang chồng chéo, vướng mắc, chúng ta cần tháo gỡ, tức phải vượt rào. Do vậy mới cần thể chế hóa Kết luận 14 của Bộ Chính trị” - bà Trà nhấn mạnh và cho rằng chỉ nêu quy định như dự thảo, nếu bổ sung “theo quy định của pháp luật” là bó buộc và khó thực thi.
Bộ Nội vụ đề xuất tăng thêm hơn 7.400 công chức cấp xã
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã góp ý về dự thảo Nghị định quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.
Theo dự thảo, số lượng cán bộ, công chức cấp xã được tính theo phân loại đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã. Cụ thể, đối với xã, thị trấn loại I - II - III tương ứng là 22 - 20 -18 người; đối với phường loại I - II - III tương ứng là 23 - 21 - 19 người.
Ở những ĐVHC cấp xã có dân số lớn hơn so với tiêu chuẩn về quy mô dân số của ĐVHC cấp xã theo quy định tại Nghị quyết 1211/2016 và Nghị quyết 27/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với phường thuộc quận, cứ tăng thêm đủ 5.000 người được tính thêm một công chức.
Tương tự với phường thuộc TP thuộc tỉnh, TP thuộc TP trực thuộc trung ương, cứ tăng thêm đủ 3.500 người; phường thuộc thị xã và xã miền núi, vùng cao tăng thêm đủ 2.500 người; thị trấn và xã đồng bằng tăng thêm đủ 4.000 người… sẽ được tính thêm một công chức.
Theo tính toán của Bộ Nội vụ, ước tính số lượng cán bộ, công chức cấp xã trong cả nước tăng thêm hơn 7.418 người so với quy định hiện hành.
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa Trần Quốc Huy đánh giá đây là vấn đề “rất thực tiễn”. “Thực tiễn cán bộ, công chức cấp xã đang dôi dư rất lớn. Đặc biệt, tiếp tục sắp xếp các ĐVHC cấp xã tới đây, số lượng dân của mỗi xã sẽ lớn hơn rất nhiều, tôi nghĩ nên quy định cứ 3.000 người dân có thể tăng thêm một công thức thì phù hợp hơn” - ông Huy đề nghị.