Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Sắp xếp bộ máy tiết kiệm 25.600 tỷ đồng để tăng lương

Sắp xếp bộ máy, giảm số xã huyện và một loạt đơn vị sự nghiệp, tinh giản biên chế giai đoạn 2019-2021 đã tiết kiệm hơn 25.600 tỷ đồng để cải cách tiền lương, theo Bộ trưởng Nội vụ.

Chiều 4/11, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, đại biểu Tao Văn Giót (Lai Châu) hỏi việc tinh giản biên chế tác động tới cải cách tiền lương thế nào?

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trả lời, vừa qua, cả hệ thống đã sắp xếp bộ máy, cơ cấu lại, giảm đơn vị hành chính cấp huyện, xã; giảm một loạt đơn vị sự nghiệp, giảm biên chế, giảm số người hưởng lương từ ngân sách... Mục tiêu là cải cách bộ máy, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Việc này giúp tăng nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương, tăng lương.

Giai đoạn 2019-2021, toàn quốc đã tiết kiệm hơn 25.600 tỷ đồng. "Sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn biên chế tác động rất rõ, tạo ra nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương", Bộ trưởng nói, cho biết tới đây tiếp tục việc này để có nguồn lực cải thiện đời sống người lao động khu vực công.

Liên quan đến tinh giản biên chế, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) băn khoăn về giải pháp thực hiện Quyết định 40 của Bộ Chính trị để giảm 5% cán bộ công chức, 10% biên chế viên chức hưởng lương ngân sách trong giai đoạn 2022-2026.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn. Ảnh Quốc hội.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng cần sự quyết tâm, đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành. Vừa qua, các cơ quan sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong cơ quan bộ, ngang bộ thuộc Chính phủ; cải cách tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính bên trong các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tới Trung ương...

Về sắp xếp các đơn vị sự nghiệp, bà Trà cho biết mục tiêu giảm 10% đầu mối từ trung ương tới địa phương với phương châm trung ương gương mẫu, địa phương cùng thực hiện. Số đơn vị sự nghiệp hiện còn 753, những đơn vị phục vụ quản lý Nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ được giữ lại, còn lại rà soát để phân cấp.

Về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, bà Trà cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua đã giám sát, bổ sung các quy định và ban hành nghị quyết. Đây là điều kiện để sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn tới. "Giảm biên chế không còn cách nào khác phải cơ cấu và sắp xếp lại các tổ chức", Bộ trưởng Nội vụ nói.

Nêu chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) phản ánh: Thời gian qua, không ít cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật, gây ra phản ứng trái chiều trong dư luận. Bộ trưởng nhận xét gì về vấn đề này, đâu là nguyên nhân và giải pháp?

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, tính từ năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, xử lý kỷ luật 56 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có trường hợp phải xử lý hình sự. Riêng đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, xử lý kỷ luật hơn 20.300 người, trong số này cũng có trường hợp phải xử lý hình sự.

Theo Bộ trưởng, số lượng này tính trên tổng số cán bộ, công chức, viên chức khoảng 1% và đây cũng là con số lớn nhất từ trước đến nay.

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, vấn đề đặt ra là làm thế nào để thực hiện nghiêm theo tinh thần chỉnh đốn Đảng, tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng, thực hiện nghiêm công tác phòng chống tham nhũng, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương công vụ…

Về phía Bộ Nội vụ sẽ tham mưu ban hành Nghị định đạo đức công vụ để siết chặt hơn nữa kỷ cương đạo đức công vụ. Qua đó làm sao đảm bảo đồng bộ quy định của Đảng, quy định của Nhà nước để thực hiện xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong sạch, phục vụ nhân dân.

Tăng lương, phụ cấp cho giáo viên là việc cấp bách

Báo cáo giải trình tại phiên chất vấn chiều 4/11, ông Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, thiếu giáo viên là một vấn đề nóng được các đại biểu Quốc hội rất quan tâm và đã đề cập đến khá nhiều. Tính từ nay đến năm 2026, số giáo viên thiếu là 107.000, chỉ tiêu được duyệt hơn 65.000 cho việc tuyển từ nay đến năm 2026.

“Ngành Giáo dục rất cảm ơn Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, trong tình hình tinh giản biên chế mà vẫn bố trí cho ngành 65.000 chỉ tiêu. Đây cũng là một sự ưu ái rất lớn và vượt bậc”, ông Sơn cho hay.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh QH.

Bộ trưởng lý giải, con số 107.000 ngành Giáo dục đang tính theo thực tế, tức là các vùng miền núi, ở các điểm trường xa có thể có các lớp học không theo chuẩn, số học sinh sẽ ít hơn chuẩn lớp. Sự chênh lệch giữa các vùng nông thôn, miền núi hiện nay với tỷ lệ học sinh ở các vùng đô thị đang rất nhiều. “Một trong những khâu cần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên là cần phải rà soát, sắp xếp lại một lần nữa mạng lưới các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông”, Bộ trưởng nói.

Trong quá trình rà soát, sắp xếp năm 2021, Bộ đã sơ kết, thấy nhiều địa phương làm rất tốt, nhưng một số địa phương vẫn còn tình trạng sắp xếp một cách cơ học. Ông mong các địa phương không máy móc, cứng nhắc và cũng không vì sắp xếp để giảm số điểm trường, trong đó vẫn phải lấy mục tiêu là các cháu có được điều kiện học tập tốt nhất, thuận tiện nhất và các giáo viên cũng đỡ vất vả nhất trong quá trình triển khai các công việc của mình.

Về con số 65.000 chỉ tiêu, theo Bộ trưởng, hiện nay nhiều tỉnh, thành phố vẫn còn lượng chỉ tiêu cũ chưa tuyển. Cho nên, cần phải khẩn trương vừa tuyển số cũ, vừa tích cực tuyển theo chỉ tiêu mới.

TIN LIÊN QUAN

Sau 3 năm, Bộ TT&TT đã loại bỏ 22 triệu sim không chính chủ 04/11/2022 - 15:50

Cấp bách tăng lương, phụ cấp: Tư lệnh ngành cũng thông tin, lộ trình từ nay đến năm 2030, cần phải hoàn tất việc bồi dưỡng nâng chuẩn giáo viên. Vì thế, nhiều địa phương đề xuất Quốc hội giao Bộ GD&ĐT nghiên cứu, đề xuất có thể tạm tuyển số lượng giáo viên theo chuẩn cũ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc bồi dưỡng để làm sao đến năm 2030 số này có thể đạt chuẩn. Còn đến thời điểm đó, nếu như các trường hợp này chưa đạt chuẩn thì có thể họ phải chấp nhận không tham gia đội ngũ, đấy cũng được xem như một giải pháp cho các nguồn tuyển.

Cũng theo Bộ trưởng, trong quá trình triển khai Nghị định 116 về việc đặt hàng các trường đại học sư phạm để đào tạo giáo viên, trong quá trình thực hiện còn một số vướng mắc. Chẳng hạn rất nhiều địa phương cho đến thời điểm hiện nay không dám đặt hàng với rất nhiều lý do khác nhau. Bộ đang rà soát các nội dung liên quan, để làm thế nào đó tốt nhất cho các địa phương có thể triển khai đặt hàng đào tạo giáo viên.

Về giải pháp ngăn giảm giáo viên nghỉ việc, chuyển việc, bỏ việc, ông Sơn cho biết, Bộ sẽ rà soát các văn bản, thể chế, chính sách, trong đó vấn đề tăng lương, nâng phụ cấp ưu đãi đặc biệt cho giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học phải được thực hiện một cách cấp bách để giải quyết được đời sống cho giáo viên, với tinh thần có thực mới vực được đạo. “Đó là điều chúng tôi đang đề xuất và kiến nghị”, ông Sơn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng quan tâm đến giải pháp cải thiện môi trường làm việc và hỗ trợ về mặt chuyên môn cho giáo viên. Đặc biệt, về phía nhà giáo, về phía xã hội, về phía phụ huynh, ông mong có được sự chia sẻ, đồng hành cả hai phía. Nhà giáo cũng rất cố gắng, tiên trách kỷ, hậu trách nhân, nhưng về phía xã hội, về phía phụ huynh cũng thực sự chia sẻ và sự chia sẻ này sẽ tốt cho con em chúng ta.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/bo-truong-bo-noi-vu-sap-xep-bo-may-tiet-kiem-25600-ty-dong-de-tang-luong.html