Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Xuân Cường khảo sát tình hình tiêu thụ thanh long Long An English Edition
Ngày 11/02, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Xuân Cường làm Trưởng đoàn, đã có buổi khảo sát thực tế tình hình thu mua trái cây trên địa bàn tỉnh Long An.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần tiếp đoàn.
Toàn tỉnh hiện có 11.825,7ha trồng thanh long, trong đó diện tích cho trái khoảng 9.586,2ha, năng suất 321,5 tạ/ha, sản lượng 317.932 tấn, tập trung chủ yếu tại huyện Châu Thành, Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa, TP. Tân An.
Hiện tại, thanh long đang vào vụ thu hái nhưng tình hình tiêu thụ đang gặp nhiều khó khăn. Lượng thanh long tồn chưa tiêu thụ được từ cuối tháng 01/2020 đến nay khoảng 30.000 tấn. Chưa kể đến 59.580 tấn được thu hoạch trong tháng 02/2020 và 31.750 tấn được thu hoạch trong tháng 3/2020. Trước những diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp do chủng mới virus Corona gây ra, hàng loạt chợ và cửa khẩu thông thương sang Trung Quốc đang thông báo dời thời gian mở cửa, các đối tác Trung Quốc thu mua thanh long không nhận hàng.
Tại buổi tiếp đoàn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Lavifood – Đinh Hùng Dũng cho biết, từ sau Tết Nguyên đán 2020, một số loại trái cây chủ lực mà tập đoàn thu mua đều thu hoạch rộ, sản lượng lớn, trong khi đầu ra gặp nhiều khó khăn. Trái cây mà tập đoàn thu mua và chế biến đều xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc. Để giúp nông dân giải quyết đầu ra, tập đoàn đã đẩy mạnh thu mua để trữ đông. Lượng hàng mua vào đợt này của tập đoàn khoảng trên 1.000 tấn.
Hiện nay, các kho lạnh của tập đoàn đều đã đầy. Vì vậy, tập đoàn phải thuê thêm rất nhiều kho của các doanh nghiệp khác để tiếp tục thu mua các loại trái cây cho nông dân.
Để tháo gỡ khó khăn hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh Long An – Trần Văn Cần kiến nghị: Chính phủ có chính sách hỗ trợ tiền điện chạy kho lạnh (hỗ trợ giá điện sản xuất tính bằng giá điện sinh hoạt từ giữa tháng 02/2020 đến cuối tháng 3/2020 ), hỗ trợ lãi suất vốn vay cho doanh nghiệp thu mua, bảo quản và xuất khẩu nông sản với mức ưu đãi trong thời gian 6 tháng; Bộ xem xét đề xuất thành lập Trung tâm phân phối sản phẩm nông sản tại thị trường Trung Quốc làm đầu mối giao dịch với doanh nghiệp trong nước nhằm hạn chế rủi ro; Khảo sát, tìm kiếm các thị trường xuất khẩu nông sản khác ngoài Trung Quốc; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương thường xuyên cung cấp thông tin, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu thanh long tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc để kịp thời điều tiết, đồng thời tiếp tục đàm phán phía Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn trong việc xuất khẩu nông sản.
Phát biểu tại buổi khảo sát, ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Trong thời gian qua, cả nước đã tập trung tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp một cách đồng bộ. Một trong những chuyển biến tích cực là ngành hàng rau, quả của Việt Nam đạt được những kết quả tích cực. Cách đây 10 năm, xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt hàng chục triệu USD. Đến thời điểm này, diện tích rau, quả của Việt Nam khoảng 1,6 triệu ha, bằng 45% diện tích lúa nhưng xuất khẩu đạt trên 4 tỉ USD.
Có được những thành quả đó, trong 7 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước thì Đồng bằng sông Cửu Long có những lợi thế nhất định. Hiện khu vực này có diện tích khoảng 0,4 triệu ha với 10 loại trái cây nhiệt đới. Đây là vùng đang chiếm tiềm năng đến 60 - 70% tổng lượng xuất khẩu về quả của Việt Nam. Tỉnh Long An là một trong những địa phương phát triển cây ăn trái đạt hiệu quả cao, nhất là cây thanh long trên 11.000ha. Trước mắt, một số tập đoàn, doanh nghiệp và các nhà máy lớn chế biến, sản xuất, xuất khẩu nông sản cả nước nói chung và Long An phải cùng vào cuộc thời điểm này. Đồng thời, ông cũng đánh giá cao của các ngành, doanh nghiệp Long An đã hỗ trợ nông dân trồng thanh long trên địa bàn.
Hưởng ứng lời kêu gọi, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân… đã cùng bắt tay vào hành động nhằm tiếp sức người nông dân Việt Nam và xa hơn nữa là đóng góp sáng kiến, đồng hành phát triển nông nghiệp Việt Nam một cách bền vững, chủ động, hiệu quả.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác đã chứng kiến sự cam kết đồng hành cùng người nông dân và nông nghiệp Việt Nam của nhiều doanh nghiệp, tổ chức như: Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Chuỗi siêu thị Coop Mart, Quỹ Khởi Nghiệp Xanh, Công ty Cổ phần Đầu tư Lavifood…