Thực hiện CSR mang lại lợi ích kép giữa cộng đồng và doanh nghiệp
Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, việc thực hiện CSR có thể giúp công ty tạo ra lợi ích kép, nâng cao giá trị thương hiệu và đóng góp tích cực cho xã hội. Đây là cách tiếp cận tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển dài hạn và bền vững của doanh nghiệp.(KTSG Online) - Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, việc thực hiện CSR có thể giúp công ty tạo ra lợi ích kép, nâng cao giá trị thương hiệu và đóng góp tích cực cho xã hội. Đây là cách tiếp cận tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển dài hạn và bền vững của doanh nghiệp.
Sáng nay (14-11), tòa soạn The Saigon Times thuộc Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group) đã tổ chức Lễ tôn vinh Saigon Times CSR 2024 và tọa đàm “Vì một tương lai bền vững” tại TPHCM.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Hữu Chương, Phó tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Sài Gòn cho biết, chương trình Saigon Times CSR lần thứ 6 năm nay đã trở thành một nền tảng kết nối các doanh nghiệp có chung tầm nhìn về phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội. Sau 6 năm tổ chức, ban tổ chức đã chứng kiến nhiều hoạt động CSR phong phú và ấn tượng từ các doanh nghiệp tham gia. Những sáng kiến này không chỉ mang lại lợi tch cho cộng đồng mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội, cộng đồng nơi họ hoạt động.
Các chương trình, dự án CSR tiêu biểu năm nay đã cho thấy cam kết mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường và hỗ trợ cộng đồng. Trong đó, có những hoạt động như cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, nâng cao chất lượng giáo dục, dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh.
Trong khuôn khổ buổi lễ tôn vinh, Saigon Times cũng tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Vì một tương lai bền vững” với sự góp mặt của các diễn giả là chuyên gia phát triển bền vững và lãnh đạo của những tập đoàn lớn.
80% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cao hơn cho sản phẩm xanh, sạch
Tại buổi tọa đàm, PGS. TS. Bùi Thị Mai Hoài, Viện trưởng Viện Tài chính bền vững, Đại học Kinh tế TPHCM cho biết, kết quả của nhiều khảo sát do các tổ chức trong nước và quốc tế thực hiện cho thấy, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm thân thiện với môi trường và sản phẩm của những doanh nghiệp có hoạt động trách nhiệm với xã hội.
Chẳng hạn, một khảo sát của Công ty Nielsen, có đến 86% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả tiền cao hơn để mua những sản phẩm tốt cho sức khỏe và thân thiện môi trường. Đặc biệt, 73% người lao động cho biết họ sẽ trung thành với công ty nếu đơn vị tích cực thực hiện các hoạt động vì môi trường, xã hội.
Trong khi đó, một khảo sát khác của Deloitte vào năm 2023 về hành vi của 23 quốc gia cho thấy, 65% người tiêu dùng xác nhận niềm tin của họ vào thương hiệu sẽ được cải thiện nếu như thương hiệu đó có hoạt động trách nhiệm với xã hội.
Từ đó, bà Hoài cho rằng, tỷ lệ người tiêu dùng và đối tác quan tâm đến sản phẩm thân thiện đến môi trường, thương hiệu có hoạt động CSR đang ngày càng tăng lên. Điều này cho thấy, việc các doanh nghiệp chuyển từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh bền vững là một lựa chọn đúng đắn. Cùng với đó, những doanh nghiệp đi trước và làm thật sẽ có nhiều lợi thế.
Nói về lợi ích khi triển khai CSR, ông Joseph Low, Chủ tịch Khối Bất động sản, Tập đoàn Keppel tại Việt Nam cho hay, các hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đã trở thành một yếu tố then chốt trong chiến lược xây dựng thương hiệu bền vững. Trong bối cảnh thị trường đầy cạnh tranh như hiện nay, giá trị của một thương hiệu không chỉ được đánh giá dựa trên chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ,mà còn thể hiện thông qua những đóng góp của doanh nghiệp đối với cộng đồng xã hội.
Vì vậy, việc doanh nghiệp triển khai hiệu quả các chương trình CSR không chỉ cải thiện hình ảnh thương hiệu mà còn tạo ra lợi ích kép với giá trị lâu dài cho cả cộng đồng và doanh nghiệp.
Theo ông, CSR cũng giúp nâng cao sức hấp dẫn của doanh nghiệp trong mắt các nhà đầu tư vì hiện nay nhà đầu tư đều chú trọng đến các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị. Những doanh nghiệp có chiến lược CSR hiệu quả sẽ dễ dàng thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư tiềm năng.
Cơ hội song hành thách thức
Từ góc độ thực tiễn kinh doanh, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc thực hiện CSR hiện nay không chỉ đem lại cơ hội mà còn có thách thức.
Theo ông Craig MacLean, Tổng giám đốc Công ty Anheuser-Busch InBev Vietnam, rào cản lớn nhất khi thực hiện CSR là chi phí và lợi nhuận trên mức đầu tư. Tuy nhiên, doanh nghiệp không nên xem CSR là một gánh nặng mà nên xem đây là cơ hội, kinh nghiệm để hoạt động tốt hơn, từ đó mang lại tác động tích cực đến lợi nhuận của doanh nghiệp trong tương lai.
Việc thực hiện CSR tại doanh nghiệp cần có sự cam kết và tầm nhìn dài hạn của người đứng đầu doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp giải quyết được bài toán này, vấn đề chi phí sẽ không còn là gánh nặng như cách hiểu của nhiều người.
Theo ông David Whitehead, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Mavin, khi thực hiện CSR, điều quan trọng phải có sự kết nối giữa các nhân sự với nhau. Cụ thể, doanh nghiệp phải làm thế nào để thuyết phục nhân sự, giải thích cho nhân viên hiểu giá trị mang lại của CSR. Khi đội ngũ nhân sự hiểu rõ điều này, doanh nghiệp sẽ có được nguồn lực hỗ trợ hiệu quả. Vì vậy, doanh nghiệp cần vạch ra những cam kết rõ ràng khi thực hiện chương trình CSR.
Bên cạnh khó khăn khi cân bằng những chi phí ngắn hạn và lợi ích lâu dài, ông Joseph Low, Chủ tịch Khối Bất động sản, Tập đoàn Keppel tại Việt Nam còn cho biết, để thực hiện các sáng kiến CSR, doanh nghiệp nên phối hợp với chính quyền để nắm bắt rõ cộng đồng xã hội đang cần gì nhằm vạch ra những chiến lược cụ thể, đáp ứng kịp thời. Đó cũng là thách thức mà doanh nghiệp nào cũng có thể gặp phải khi thực hiện hoạt động CSR.
Để có chiến lược CSR hiệu quả, PGS. TS. Bùi Thị Mai Hoài cho rằng, doanh nghiệp phải đo lường hiệu quả và thời gian thực hiện dự án. Điều này nhằm đánh giá tiến độ thực hiện sáng kiến để có những cải thiện phù hợp. Ngoài ra, sáng kiến CSR cũng cần đảm bảo mong đợi của các bên liên quan và gắn chặt với mục tiêu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc này không chỉ giúp lan tỏa thương hiệu mà còn đảm bảo được sự tham gia của các bên liên quan, giúp sáng kiến CSR có thể dễ thực hiện thành công hơn.
Theo ông Trương An Dương, Giám đốc điều hành khu vực phía Bắc và khối bất động sản nhà ở, Frasers Property Vietnam, doanh nghiệp cần có những chiến lược dài hạn CSR và thực hiện các chiến lược một cách nhất quán.
Sau buổi tọa đàm, 40 doanh nghiệp đã được Ban tổ chức chương trình vinh danh và trao giấy chứng nhận cho những nỗ lực thực hiện các chương trình trách nhiệm xã hội và có đóng góp to lớn trong hành trình hiện thực hóa phát triển bền vững.
Dưới đây là danh sách 40 doanh nghiệp được vinh danh trong chương trình Saigon Times CSR 2024 vào ngày 14-11-2024.