Bộ trưởng Bộ Tài chính: Kiên quyết cắt vốn đối với các dự án đầu tư công 'sai hẹn'
Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, về dài hạn, cần tăng cường năng lực và trách nhiệm của đối tượng sử dụng vốn đầu tư công ở tất cả các khâu của dự án và kiên quyết cắt vốn đối với các dự án thực hiện không đảm bảo kế hoạch đề ra...
Bài liên quan
Đường Hồ Chí Minh đoạn Hòa Liên - Túy Loan sẽ sử dụng vốn đầu tư công
Chuyển đổi sang đầu tư công 2 dự án thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam
Tiền “nằm sẵn” ở Kho bạc để đáp ứng nhu cầu giải ngân đầu tư công…
Trong bối cảnh tác động tiêu cực của dịch Covid-19, TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội từng thừa nhận, ảnh hưởng của dịch làm cho tình trạng kinh tế đang bị đình trệ, đặc biệt khi đình trệ lớn nhất là làm giảm cầu.
Đẩy nhanh đầu tư công là một giải pháp hết sức cần thiết, trước mắt đầu tư công kích cầu, thúc đẩy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hoạt động sản xuất doanh nghiệp để đáp ứng những nhu cầu cho hoạt động đầu tư công, tạo sự lan tỏa cho các doanh nghiệp. Không chỉ đóng vai trò kích cầu trong ngắn hạn mà nguồn vốn đầu tư công hướng vào những công trình hạ tầng quan trọng của quốc gia.
Đặc biệt năm nay, nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn theo hình thức xã hội hóa hoặc hợp tác đầu tư công – tư, đã được chuyển đổi sang hình thức đầu tư công hoặc tăng cường tỷ lệ vốn đầu tư công. Điều này đảm bảo nhịp độ phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia, thúc đẩy tốc độ hồi phục kinh tế thời “hậu Covid”, ông Cường nhấn định.
Đồng quan điểm chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cũng thừa nhận, đầu tư công, đặc biệt đối với những dự án đầu tư hạ tầng quy mô lớn, nếu tập trung giải ngân được và thực hiện được thì không chỉ tăng nhu cầu nội địa trước mắt mà còn tạo nền tảng cho tăng trưởng trong những năm tiếp theo.
Vai trò của đầu tư công càng thể hiện giá trị khi qua suốt cả năm 2020 trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động của đại dịch Covid-19, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đã có sự chuyển biến tích cực so với năm 2019. Ước tính đến ngày 31/12/2020, chi đầu tư phát triển đạt 82,8% dự toán (cùng kỳ đạt 62,9%).
Đặc biệt trong các tháng cuối năm 2020, các bộ, ngành, địa phương và các chủ đầu tư đã rất nỗ lực, cố gắng tập trung cho công tác giải ngân, phấn đấu đến hết niên độ ngân sách nhà nước năm 2020 (31/1/2021) cơ bản giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công nguồn Ngân sách Nhà nước đã được giao.
Bước sang năm 2021, với tư cách là đơn vị “chủ chi” trong đầu tư công, ngay sau khi nhận “công lệnh” từ Chỉ thị số 06/CT-TTg đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, để thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công năm 2021, khiến đầu tư công thực sự trở thành trụ cột “kéo” tăng trưởng kinh tế, ngay từ khâu lập kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2021, Quốc hội, Chính phủ đã quán triệt nguyên tắc tập trung bố trí cho các dự án chuyển tiếp, hoàn thành, đã đảm bảo thủ tục đầu tư.
Xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm trong năm 2021 nên trước hết Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành trong Quý I/2021 Nghị định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.
Cùng với đó sẽ minh bạch hóa quy trình thanh toán, quyết toán, quy định rõ trách nhiệm giữa chủ đầu tư, các đơn vị liên quan và cơ quan thanh toán trong quy trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát các khó khăn, vướng mắc liên quan đến pháp luật về Ngân sách Nhà nước, đầu tư công, xây dựng, quy hoạch. Đồng thời, kiến nghị hướng dẫn rõ hoặc sửa đổi, bổ sung bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo, thuận lợi cho quá trình triển khai các chương trình, dự án đầu tư công…
Về tổ chức thực hiện, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định sẽ thực hiện kịp thời việc kiểm tra phân bổ vốn của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhằm đảm bảo việc giao kế hoạch vốn theo đúng Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện việc phân bổ chi tiết đến từng chủ đầu tư, từng dự án và nhập dự toán trên hệ thống Thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) để đảm bảo nguồn vốn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu giải ngân của các dự án…
Thống kê giải ngân đầu tư công qua các năm.
… Nhưng sẽ kiên quyết cắt vốn đối với các dự án “sai hẹn”
Theo Tư lệnh Bộ Tài chính, đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài tại các bộ, ngành và địa phương vẫn còn chậm chạp, còn tới 26.000 tỷ đồng không thực hiện được, phải hủy dự toán. Và việc giải ngân nguồn vốn này tại các bộ, ngành và địa phương gặp khó khăn do cả nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan.
Về khách quan, các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động của đại dịch Covid-19 nặng nề hơn so với các dự án vay vốn trong nước. Bởi hầu hết các hoạt động sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, dẫn đến nhiều dự án không có khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành nên không có hồ sơ thanh toán, không thể giải ngân.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được thì Bộ trưởng Bộ Tài chính thẳng thắn nhìn nhận về sự chủ quan, trách nhiệm người sử dụng vốn chưa được đề cao, chất lượng chuẩn bị dự án chưa đạt yêu cầu, phải liên tục điều chỉnh. Năng lực triển khai còn yếu kém, chậm trễ trong công tác đấu thầu, ký hợp đồng, giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu…
Bên cạnh đó còn có các nguyên nhân do vướng mắc thực thi quy định pháp luật như chậm giải phóng mặt bằng, vướng mắc trong tái định cư; vướng mắc trong triển khai các quy định mới liên quan tới quản lý định mức đầu tư…
Xuất phát từ thực trạng đó nên việc giải ngân chậm vốn vay nước ngoài sẽ dẫn đến tình trạng rút ngắn thời gian giải ngân và các dự án sẽ phải vừa rút vốn vừa trả nợ hoặc kéo theo tình trạng hủy vốn với nhà tài trợ. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện dự án, hiệu quả sử dụng vốn vay trong bối cảnh nguồn vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài đang thu hẹp lại.
Để tháo gỡ cho kế hoạch của năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao trách nhiệm của đối tượng sử dụng vốn trong tất cả các khâu.
Về kiểm soát thu - chi, các bộ ngành, địa phương cần khẩn trương hoàn thành thủ tục đề nghị giải ngân hoặc hoàn chứng từ đối với khối lượng đã hoàn thành được Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi.
Chủ dự án phối hợp với cơ quan cho vay lại, hoàn thiện hồ sơ thẩm định phương án tài chính đối với các dự án cho vay lại, thẩm định tài sản đảm bảo, để đẩy nhanh việc ký kết hợp đồng cho vay lại.
Đối với các dự án giải ngân theo kết quả đầu ra, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ quản chương trình, dự án ODA, tiến hành kiểm đếm kịp thời cho từng dự án, từng địa phương đã có khối lượng hoàn thành để làm thủ tục rút vốn, không chờ toàn bộ các địa phương hoàn thành mới tiến hành kiểm đếm.
“Về dài hạn, cần tăng cường năng lực và trách nhiệm của đối tượng sử dụng vốn ở tất cả các khâu của dự án và kiên quyết cắt vốn đối với các dự án thực hiện không đảm bảo kế hoạch đề ra”, tư lệnh Bộ Tài chính đề nghị.