Bộ trưởng Bộ Tài chính: Tổng số tiền giãn, giảm thuế, phí và lệ phí năm 2022 rất lớn

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, tổng số tiền giãn, giảm thuế, phí và lệ phí trong năm 2022 là rất lớn, lên tới 233.000 tỷ đồng.

Giảm khoảng 33.488 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn

Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Quốc hội về thực hiện nghị quyết chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Theo đó, Bộ Tài chính cho biết trước bối cảnh giá dầu thế giới và giá xăng dầu thành phẩm thế giới liên tục tăng dẫn đến giá xăng dầu trong nước tăng cao thời gian qua, để góp phần ổn định giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, Bộ Tài chính đã và đang trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh chính sách thuế đối với xăng dầu.

Về thuế bảo vệ môi trường, đã đề xuất giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/1 đến hết ngày 10/7/2022 (từ 3.000 đồng/lít xuống còn 1.500 đồng/lít).

Giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa và giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (trừ nhiên liệu bay) từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 10/7/2022.

Giảm khoảng 33.488 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Ảnh minh họa.

Giảm khoảng 33.488 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Ảnh minh họa.

Giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mờ nhờn xuống bằng mức sàn trong khung thuế bảo vệ môi trường từ ngày 11/7/2022 đến hết ngày 31/12/2022 theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 ngày 6/7/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, ước tác động giảm thu ngân sách nhà nước theo Nghị quyết này khoảng 7.950 tỷ đồng đã bao gồm cả thuế giá trị gia tăng.

"Theo đó, tổng giảm thu ngân sách nhà nước do việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2022 (gồm Nghị quyết số 13/2021; Nghị quyết số 18/2022 và Nghị quyết số 20/2022) khoảng 33.488 tỷ đồng", Bộ Tài chính thông tin.

Đề xuất giảm đến 50% thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt

Về thuế nhập khẩu, để đa dạng hóa nguồn cung xăng nhập khẩu cho thị trường trong nước (tránh bị động bởi phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN), đồng thời đảm bảo mức chênh lệch phù hợp với mức thuế suất theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 51/2022 ngày 8/8/2022.

Nghị quyết này để sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi từ mức thuế suất 20% xuống mức thuế suất 10%.

Về thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng, ngày 7/7/2022, Tổng thư ký Quốc hội đã có Thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

"Trong đó đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu các nội dung liên quan đến thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, dầu để trình Quốc hội xem xét, quyết định phù hợp trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn giữ ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế, đời sống người dân và tăng trưởng nền kinh tế", Bộ Tài chính cho biết.

Tổng số tiền giãn, giảm thuế, phí và lệ phí trong năm 2022 là rất lớn, lên tới 233.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa.

Tổng số tiền giãn, giảm thuế, phí và lệ phí trong năm 2022 là rất lớn, lên tới 233.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có Tờ trình Chính phủ về Dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu.

"Theo đó, trình Quốc hội có quyết nghị giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc giảm tối đa 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm tối đa 50% mức thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu cũng như thời gian áp dụng giảm thuế cụ thể trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô và đời sống người dân", Bộ Tài chính nêu rõ.

Bộ Tài chính cho biết trong thời gian tới, sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan triển khai phương án hỗ trợ người có thu nhập thấp, người yếu thế khi giá cả một số mặt hàng thiết yếu tăng cao.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, tổng số tiền giãn, giảm thuế, phí và lệ phí trong năm 2022 là rất lớn, lên tới 233.000 tỷ đồng.

"Việc tăng cường hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát", Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Theo VTV

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/bo-truong-bo-tai-chinh-tong-so-tien-gian-giam-thue-phi-va-le-phi-nam-2022-rat-lon/20221026100322906