Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói về khả năng đề kháng cho không gian số
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh sự cần thiết để mọi người có kĩ năng số, biết sử dụng các nền tảng số, có khả năng đề kháng cho không gian số, đào tạo cho cả thế hệ tương lai (học sinh, sinh viên).
Tại phiên chất vấn sáng 12/11, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn.
Nội dung chất vấn tập trung 3 vấn đề: Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; Việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; Việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Sẽ nâng cấp dạy môn tin học và đưa vào kĩ năng số
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) về phương án như thế nào để quản lý mạng xã hội trong chống tin giả, tin sai sự thật - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, đây là vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà mang tính toàn cầu. Bàn về một số giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đầu tiên là vấn đề hoàn thiện thể chế.
"Trước đây, chúng ta mới quy định xử lý cá nhân sử dụng mạng xã hội khi đưa thông tin sai sự thật, tin giả. Mới đây, chúng ta đã đưa vấn đề xử lý các nền tảng xã hội khi vi phạm luật pháp Việt Nam. Trước đây, chúng ta cho rằng đây là trách nhiệm của quản lý nhà nước, nhưng thật ra trách nhiệm lớn là đối với các nền tảng xã hội".
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, họ phải có trách nhiệm rà quét, tự động gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc.
Bên cạnh đó, chúng ta đang sống trong không gian mới là không gian số trong khoảng 10 năm trở lại đây. Vì vậy, vấn đề truyền thông để mọi người có kĩ năng số, biết sử dụng các nền tảng số, có khả năng đề kháng cho không gian số, đào tạo cho cả thế hệ tương lai (học sinh, sinh viên) là rất cần thiết.
Cũng liên quan đến nội dung không gian số, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông có nên phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành khác để nghiên cứu đưa kinh tế số, kỹ thuật số trở thành môn học và đưa vào chương trình giáo dục phổ thông hay không?
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, "cuộc di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại là sự di chuyển từ thế giới thực sang thế giới số". Vấn đề đặt ra là có nên dạy kĩ năng số, kiến thức về kinh tế số, xã hội số vào chương trình giáo dục phổ thông hay không? Công nghệ số là sự phát triển tiếp theo của công nghệ thông tin và có tính cách mạng, tạo ra cuộc cách mạng về chuyển đổi số.
Vì vậy, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ nâng cấp dạy môn tin học và đưa vào kĩ năng số, có thể tăng thời lượng cho môn học này.
Khi cơ quan báo chí để xảy ra sai phạm, sẽ xem xét trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí
Cũng trong phiên chất vấn sáng nay, liên quan đến nhóm vấn đề về giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên) chất vấn về nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng một số cơ quan báo chí chú trọng khai thác mặt trái của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có dấu hiệu trục lợi? Qua đó, đảm bảo hoạt động báo chí bám sát tôn chỉ, mục đích để tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mỗi năm có 14-15 phóng viên, cộng tác viên bị bắt, tuy nhiên so với 21 nghìn người làm báo có thẻ phóng viên và gần 45 nghìn người làm báo, Bộ trưởng cho rằng, đây là những "con sâu làm rầu nồi canh", 80% trong số người bị bắt này thuộc các tạp chí nhỏ, tạp chí thuộc các Bộ, xã hội nghề nghiệp, những nơi mà cơ quan chủ quản, Tổng biên tập có sự buông lỏng quản lý đối với cơ quan báo chí và phóng viên của mình.
Về cách để xử lý vấn đề tạp chí không bị báo hóa và hoạt động đúng tôn chỉ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tiêu chí để nhận dạng "thế nào là báo hóa tạp chí" và đăng công khai trên các trang tin và mạng xã hội để toàn xã hội giám sát, sẽ dựa trên các tiêu chí này để thanh tra, kiểm tra, qua đó, đánh giá các cơ quan báo chí có vi phạm hay không? Đồng thời công khai tôn chỉ, mục đích của 800 cơ quan báo chí trên các Cổng thông tin để bất kỳ tổ chức, địa phương có thể tra cứu chức năng hoạt động, tôn chỉ, mục đích, "nếu không đúng thì có quyền từ chối, còn nếu bị ép thì có đường dây nóng để báo cáo". Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thanh tra, kiểm tra, giám sát nhiều hơn các tạp chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích.
Vừa qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã có quy định mới, trong đó sẽ xử lý trực tiếp Tổng biên tập và phóng viên nếu có vi phạm.
Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã ban hành quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn các đại biểu Quốc hội quan tâm đến việc sửa đổi Luật Báo chí trong thời gian tới, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng phóng viên báo chí.
Trả lời đại biểu về lo ngại báo hóa tạp chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu các giải pháp, trong đó cùng với công khai tiêu chí nhận dạng, phát triển phần mềm để rà soát, đánh giá và theo dõi hàng ngày, hàng tháng và hiện đang được sử dụng, bước đầu phát huy hiệu quả, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra cũng được thực hiện tốt (mỗi năm tăng 20% số lượt thanh tra, kiểm tra đối với cơ quan báo chí).
Tuy nhiên, thời gian qua vẫn ít kiểm tra cơ quan chủ quản báo chí, do vậy để khắc phục tình trạng này, có nhiều văn bản được ban hành để nhấn mạnh đến vai trò của cơ quan chủ quản.
Mới đây, Ban Bí thư cũng ban hành quy định về công tác cán bộ, trong đó có đề cập đến vai trò của người đứng đầu cơ quan báo chí và nêu rõ những biện pháp xử lý nghiêm nếu để xảy ra sai phạm. Đặc biệt, khi cơ quan báo chí để xảy ra sai phạm, sẽ xem xét trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, về lâu dài, vẫn phải thực hiện kinh tế báo chí. Cơ quan chủ quản phải đủ năng lực, đủ nguồn lực để hỗ trợ một phần cơ quan báo chí, khi đó mới thành lập cơ quan báo chí.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về nguồn lực để chuyển đổi số báo chí (tài chính, con người), Bộ trưởng cho biết, về nhân lực phục vụ chuyển đổi số, nếu không đủ, có thể thuê đơn vị bên ngoài, nhất là đối với những cơ quan báo chí nhỏ. Còn những cơ quan báo chí lớn có nguồn lực, có thể tự làm, nhưng cơ bản các cơ quan báo chí nên thuê, vì chi phí nhỏ hơn và không cần người để vận hành các hệ thống.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang cho phát triển nền tảng số dùng chung để chuyển đổi số các cơ quan báo chí nhỏ, đặc biệt là các tạp chí, để hỗ trợ miễn phí cho các cơ quan báo chí.
Về vấn đề tài chính, Bộ trưởng khẳng định hiện nay nguồn lực của nhà nước sẽ tập trung vào 6 cơ quan báo chí chủ lực. Đối với những cơ quan báo chí khác, các cơ quan chủ quản phải có trách nhiệm đầu tư nguồn lực để đảm bảo cho cơ quan báo chí của mình có đủ năng lực cạnh tranh.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ yêu cầu các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới rà quét và không quảng cáo các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới
Cũng trong sáng nay, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội liên quan đến tiến độ thực hiện đề xuất cấm quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi có thông tin chính thức từ Bộ Y tế đây là những sản phẩm cấm quảng cáo, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ yêu cầu các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới rà quét và không quảng cáo các sản phẩm này, xử lý các trường hợp vi phạm.