Cống hiến hết mình vì sự nghiệp 'trồng người'
3 nhà giáo của tỉnh Gia Lai vừa được vinh danh tại lễ tuyên dương nhà giáo tiêu biểu năm 2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức vào ngày 17-11. Họ là những người luôn tận tụy với nghề và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp 'trồng người'.
1. “Người thầy không chỉ dạy chữ mà còn gieo niềm tin, niềm hy vọng cho học trò vùng khó”-Đó là tâm niệm của thầy Vũ Văn Tùng-Giáo viên Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa).
Hơn 10 năm công tác tại trường, thầy Tùng hiểu rõ sự khó khăn, thiếu thốn của học trò vùng khó. Chứng kiến nhiều học sinh Bahnar phải bỏ học vì gia cảnh nghèo khó, thầy Tùng không khỏi chạnh lòng. Từ trăn trở ấy, mô hình “Tủ bánh mì 0 đồng” do chính thầy sáng lập đã ra đời vào tháng 12-2021 nhằm hỗ trợ bữa ăn sáng cho hơn 200 học sinh dân tộc thiểu số của trường. Đến nay, tổng kinh phí thực hiện mô hình là hơn 400 triệu đồng.
Bên cạnh đó, thầy Tùng còn triển khai mô hình “Trao sinh kế cho học trò nghèo” bằng việc trao tặng dê, bò cho học sinh khó khăn của các trường học trên địa bàn huyện. Hàng năm, thầy cũng vận động giáo viên, bạn bè, gia đình và các nhà hảo tâm ủng hộ Quỹ “Tiếp bước đến trường” để tặng quà cho học sinh và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn…
Trong công tác giảng dạy, thầy Tùng luôn trau dồi kiến thức và phẩm chất đạo đức để phục vụ tốt nhiệm vụ chuyên môn; tham mưu Ban Giám hiệu tổ chức các cuộc họp với già làng, trưởng thôn và các ban, ngành, đoàn thể để tuyên truyền, vận động học sinh tới lớp.
Mới đây, thầy Tùng là 1 trong 10 nhà giáo tiêu biểu trên toàn quốc được Tổng Bí thư Tô Lâm tặng hoa động viên, chúc mừng tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11).
Thầy Tùng xúc động bày tỏ: “Với một giáo viên vùng khó như tôi thì đây chính là niềm động viên, khích lệ to lớn để phấn đấu hơn nữa trong sự nghiệp “trồng người”. Ở ngôi trường có trên 90% học sinh người Bahnar, người thầy không chỉ gieo con chữ mà làm sao để các em vơi bớt khó khăn, thiếu thốn. Chính tình yêu thương của mình sẽ là ngọn lửa thắp lên niềm tin, niềm hy vọng cho học trò vùng khó”.
Là nhà giáo truyền cảm hứng, thầy Tùng cũng vinh dự trở thành khách mời của chương trình truyền hình trực tiếp “Thay lời tri ân” năm 2024 do Bộ GD-ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức vào tối 17-11.
Với chủ đề “Hy vọng”, chương trình đã truyền đi thông điệp: Thầy-cô giáo chính là người gieo những “mầm xanh” tri thức, gieo những hy vọng, niềm tin và hình thành nên nhân cách để các thế hệ học sinh thành công trong cuộc sống. Tại chương trình, câu chuyện xúc động, truyền cảm hứng của thầy Tùng được tái hiện đầy ấm áp và ý nghĩa.
2. “Trường là nhà, đồng nghiệp là người thân, học sinh là con em”. Cô Đinh Như Quỳnh-Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Kon Dơng số 2 (huyện Mang Yang) đã khẳng định như thế khi chia sẻ về 24 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Từ năm 2000 đến 2016, cô Quỳnh trực tiếp đứng lớp giảng dạy. Từ năm 2016 đến 2023, cô là Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Kon Dơng số 1 (huyện Mang Yang). Đến năm 2024, cô Quỳnh được bổ nhiệm giữ chức Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Kon Dơng số 2.
Nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi, cô Quỳnh đã có các sáng kiến kinh nghiệm theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh như: một số kinh nghiệm giúp học sinh lớp 2 vùng đồng bào dân tộc thiểu số làm tốt dạng toán trừ có nhớ; bồi dưỡng năng lực cảm thụ văn học cho học sinh; một số kinh nghiệm giúp học sinh làm tốt dạng bài “tìm x” cơ bản và nâng cao; một số mẹo nhỏ giúp học sinh làm tốt bài văn kể chuyện; biện pháp rèn một số kỹ năng nhằm phát triển năng lực tự học và giải quyết vấn đề cho học sinh thông qua môn Đạo đức; một số kinh nghiệm tạo hứng thú cho học sinh cùng tham gia xây dựng trường học điển hình về dạy-học và sử dụng tiếng Anh…
“Dù ở ngôi trường nào, vị trí nào, tôi cũng muốn cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người”. Tôi luôn xem trường học là nhà, đồng nghiệp là người thân, học sinh là con em. Dù là giáo viên hay cán bộ quản lý giáo dục cũng cần có niềm đam mê, càng gắn bó thì tình yêu thương học trò cứ thế nhiều thêm. Đó cũng là yếu tố giúp tôi đạt được thành tích trong các phong trào thi đua yêu nước”-cô Quỳnh tâm sự.
24 năm vừa giảng dạy trực tiếp vừa quản lý, cô Quỳnh luôn tích cực nghiên cứu khoa học, tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, tìm tòi sáng kiến cải tiến phương pháp giảng dạy và quản lý để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, cô cũng luôn gương mẫu đi đầu trong nghiên cứu các đề tài, sáng kiến để áp dụng có hiệu quả vào công tác giảng dạy. Nhiều sáng kiến kinh nghiệm của cô được áp dụng hiệu quả tại Trường Tiểu học thị trấn Kon Dơng số 1 và có thể áp dụng tại các trường tiểu học trong và ngoài tỉnh.
Cô Quỳnh cũng luôn có ý thức tự học, tự tìm hiểu, tiếp cận công nghệ thông tin, chuyển đổi số để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, phù hợp với yêu cầu của ngành và giúp bản thân nâng cao tính sáng tạo cũng như trở nên linh hoạt hơn trong quá trình giảng dạy, quản lý. Bởi vậy, cô đã trở thành giáo viên nòng cốt trong thực hiện chuyển đổi số, hướng tới xây dựng trường học thông minh tại đơn vị, địa phương.
Là một trong những nhà giáo tiêu biểu toàn quốc được vinh danh trong dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, cô Quỳnh cho rằng: “Đây không chỉ là niềm vinh dự của riêng bản thân mà còn là của tập thể nhà trường; là động lực mạnh mẽ để tôi cùng tập thể nhà trường có thêm sức mạnh, cống hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục. Những ngày tháng miệt mài bên trò nhỏ, từ những trang giáo án dày lên theo năm tháng… giờ đây như được đền đáp bằng sự ghi nhận trọn vẹn này”.
Theo cô Quỳnh, việc được tham gia chương trình tôn vinh trang trọng, ấm áp và đầy ý nghĩa giúp cô tự tin rằng những nỗ lực của mình đã tạo ra giá trị ý nghĩa không chỉ cho học sinh mà còn cho cả cộng đồng.
“Tôi sẽ tiếp tục phấn đấu, không ngừng đổi mới và cống hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục. Không chỉ đơn thuần là niềm vui mà còn là sự thiêng liêng của nghề giáo. Tôi sẽ tiếp tục giữ vững niềm tin vào giá trị của nghề giáo, yêu nghề, yêu trẻ và không ngừng sáng tạo trên con đường mà mình đã chọn”-cô Quỳnh khẳng định.
3. Nỗ lực đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng dạy và học là cống hiến nổi bật của thầy Trương Thanh Vũ-Giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (huyện Krông Pa). Thầy Vũ là giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng, được Sở GD-ĐT chọn làm giáo khảo chấm thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh hàng năm.
Thầy luôn chủ động đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy học vùng dân tộc thiểu số. Nhiều năm liền, thầy Vũ đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh, được tặng nhiều giấy khen, bằng khen.
Thầy Vũ kể: Từ nhỏ, thầy đã rất thích thú và chăm chú theo dõi những giờ dạy của bố. Tốt nghiệp đại học sư phạm Toán, thầy đến nhận công tác tại Trường THPT Nguyễn Du. Thầy đã 22 năm đứng trên bục giảng và trở thành người đi đầu trong đổi mới sáng tạo và góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở vùng khó.
Đối với thầy Vũ, sự học không chỉ dừng lại ở những bài giảng trong sách giáo khoa mà phải hướng các em đến những bài học làm người, cách đối nhân xử thế, có lối sống đẹp…
“Biết bao thế hệ học trò người dân tộc thiểu số của chúng tôi đã biết vươn lên trở thành người có ích cho xã hội. Là thầy cô, chúng tôi luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của học trò. Với học trò người dân tộc thiểu số, tôi áp dụng phương pháp giảng dạy gần gũi, thiết thực để các em dễ hiểu và ghi nhớ bài nhanh hơn”-thầy Vũ cho biết.
Ông Trần Bá Công-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT:Những thành quả mà ngành Giáo dục tỉnh nhà gặt hái được trong những năm qua có sự đóng góp rất lớn của các nhà giáo. Những câu chuyện về các thầy cô không chỉ là minh chứng cho tinh thần tận tụy, lòng yêu nghề mà còn là nguồn cảm hứng vô tận cho thế hệ hôm nay và mai sau. Bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ, họ đã gieo mầm cho những ước mơ, khơi dậy hy vọng và mở ra tương lai cho biết bao thế hệ.
Nhiều đề tài sáng kiến kinh nghiệm của thầy Vũ được Sở GD-ĐT đánh giá có tính hiệu quả áp dụng cho toàn ngành như: phương pháp tính giới hạn của tổng; giúp học sinh sử dụng một số kỹ thuật giải toán hình học giải tích trong mặt phẳng; sử dụng phương pháp hình học để giải bài toán cực trị trên mặt phẳng phức...
“Được vinh danh tại lễ tuyên dương nhà giáo tiêu biểu năm 2024, tôi xem đây là kỷ niệm đẹp trong suốt 22 năm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Tôi sẽ tiếp tục phát huy tinh thần, trí tuệ và tâm huyết để phục vụ cho giáo dục; cố gắng là hạt nhân nòng cốt, là tấm gương sáng lan tỏa trong phong trào đổi mới GD-ĐT tỉnh nhà”-thầy Vũ bày tỏ.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/cong-hien-het-minh-vi-su-nghiep-trong-nguoi-post301583.html