Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh: Nước thải sinh hoạt qua xử lý rất thấp, chỉ được 17%

Trả lời câu hỏi về tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh cho biết, cả nước chỉ có khoảng 17% nước thải sinh hoạt được xử lý, tỷ lệ rất thấp. Do vậy, hoạt động hợp tác công tư, xã hội hóa đầu tư các nhà máy xử lý nước thải đô thị là rất quan trọng.

Hệ thống xử lý chất thải y tế ở tuyến huyện còn thiếu

Đại biểu Quốc hội (ĐB) Huỳnh Thị Hằng Nga (Trà Vinh) cho rằng, cơ sở hạ tầng, công nghệ xử lý chất thải chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tế, đặc biệt là các cơ sở y tế quy mô nhỏ còn gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn giải pháp xử lý chất thải lây nhiễm, nước thải y tế, từ đó ảnh hưởng đến môi trường sống của cộng đồng dân cư. ĐB chất vấn Bộ trưởng Bộ TN-MT về giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, quản lý tốt vấn đề liên quan đến chất thải lây nhiễm, nước thải y tế?

 Từ trái qua: Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC

Từ trái qua: Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC

Cùng quan tâm đến xử lý rác thải, nước thải ở các đô thị, ĐB Đào Chí Nghĩa (TP Cần Thơ) chất vấn khi nào Bộ TN-MT ban hành thông tư hướng dẫn hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải và chất thải?

Trả lời hai nội dung trên, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh nhìn nhận hiện nay, hệ thống xử lý chất thải y tế đang được quan tâm đầu tư ở tuyến y tế cấp tỉnh. Tuy nhiên, ở cấp huyện còn gặp khó khăn do nhiều lý do, trong đó có việc kêu gọi đầu tư bằng hình thức xã hội hóa. Bộ trưởng cho rằng, thời gian tới sẽ quan tâm đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế ở tuyến huyện.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trong giờ giải lao của phiên chất vấn, trả lời chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trong giờ giải lao của phiên chất vấn, trả lời chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC

Trả lời câu hỏi về tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, cả nước chỉ có khoảng 17% nước thải sinh hoạt được xử lý, tỷ lệ rất thấp. Hoạt động hợp tác công tư, xã hội hóa đầu tư các nhà máy xử lý nước thải đô thị rất quan trọng.

Bộ trưởng nhấn mạnh, đầu tư công quan tâm đến việc thu gom, còn xử lý cần được xã hội hóa, bởi việc xử lý nước thải phải gắn với vận hành. Nếu làm được việc này sẽ tăng được tỷ lệ xử lý nước thải.

Bộ TN-MT đang xây dựng thông tư, dự kiến cuối năm 2024 sẽ ban hành thông tư hướng dẫn để thực hiện Luật Bảo vệ môi trường đã được Quốc hội thông qua để tạo điều kiện đẩy mạnh hợp tác công tư, xã hội hóa, góp phần tăng cường xử lý chất thải đô thị.

Khai thác mỏ khoáng sản tối đa 50 năm

ĐB Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) chất vấn Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh về vấn đề khai thác cát biển làm vật liệu xây dựng sẽ tác động lớn đến môi trường biển, dẫn tới xói lở bờ biển. Bộ TN-MT đã có giải pháp nào? Quan tâm đến việc gia hạn khai thác các mỏ khoáng sản, ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho rằng một số mỏ khai thác khoáng sản đã hết giấy phép và muốn kéo dài. Vậy quan điểm của Bộ trưởng Bộ TN-MT ra sao về vấn đề này?

 Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn của ĐBQH. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn của ĐBQH. Ảnh: QUANG PHÚC

Trả lời về tác động của việc khai thác cát biển đối với bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học biển, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Nghị quyết số 36 về chiến lược phát triển bền vững biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ, việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển phải đảm bảo được yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Bộ trưởng cho rằng, biển là một thể thống nhất, việc khai thác sử dụng tài nguyên biển thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Các dự án đầu tư về du lịch, công nghiệp, đô thị dọc bờ biển đều cần đánh giá tác động môi trường thật kỹ lưỡng, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường biển, hệ sinh thái biển, vận tải biển, hàng hải, nuôi trồng thủy hải sản.

 ĐBQH dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 4-6. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐBQH dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 4-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Để giải quyết những vấn đề chồng lấn, giao thoa này, quy hoạch biển quốc gia đã có những phân vùng sử dụng, định hướng không gian phát triển, quy hoạch gắn với quy hoạch các ngành, quy hoạch của các địa phương có biển. Do vậy, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần thực hiện nghiêm túc việc quy hoạch để giải quyết vấn đề này, để vừa phát triển được kinh tế vừa bảo vệ được môi trường.

Về quản lý các mỏ hết thời gian cho phép khai thác theo giấy phép, Bộ trưởng cho biết, thời gian cấp phép mỏ tối đa là 30 năm, các mỏ được phép gia hạn nhiều lần, tổng thời gian không quá 20 năm.

Bộ trưởng giải thích, nghĩa là tuổi thọ của một mỏ theo luật là 50 năm. Như vậy, trường hợp các mỏ sau khi khai thác 30 năm mà đang còn trữ lượng, chủ mỏ đã thực hiện đầy đủ, bài bản các giấy tờ thủ tục, thực hiện đúng nghĩa vụ thuế với Nhà nước, nghĩa vụ bảo vệ môi trường, trước khi hết hạn 45 ngày, chủ mỏ cần làm hồ sơ đề xuất để xin gia hạn.

"Các cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét hồ sơ để quyết định việc tiếp tục giao mỏ theo quy định", Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trả lời.

Giám sát hồ thủy điện xả nước

ĐB Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) chất vấn việc hiện nay nhiều hồ thủy điện không đảm bảo dòng chảy tối thiểu. Việc này dẫn đến nguồn nước ở hạ lưu bị thiếu nước, hạn hán và gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển đa dạng sinh học, đời sống người dân.

Về công tác duy trì dòng chảy tối thiểu đối với các công trình thủy điện, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, hiện nay, các thủy điện đều phải chấp hành quy định về duy trì dòng chảy tối thiểu để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, đặc biệt là các thủy điện ở vùng cao.

Bộ đã có nhiều cố gắng thực hiện việc yêu cầu các nhà máy thủy điện lắp hệ thống quan trắc, giám sát, kết nối về bộ để theo dõi, giám sát, quản lý. Hiện đã có hơn 850 hồ thủy điện kết nối về bộ, khi có hiện tượng không duy trì dòng chảy tối thiểu thì sẽ tổ chức trực tiếp kiểm tra, xử lý theo quy định.

Thời gian tới, Bộ TN-MT sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, đồng thời yêu cầu các địa phương thực hiện kết nối hồ thủy điện với cấp sở, cấp bộ để cùng giám sát, đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu, không làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.

VĂN MINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bo-truong-bo-tn-mt-dang-quoc-khanh-nuoc-thai-sinh-hoat-qua-xu-ly-rat-thap-chi-duoc-17-post742910.html