Bộ trưởng Bộ Xây dựng: 'Vi phạm về trật tự xây dựng rất khó khắc phục hậu quả'
Chiều 3-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhìn nhận, vi phạm về trật tự xây dựng rất khó khắc phục hậu quả. Các trường hợp buộc phải tháo dỡ công trình vi phạm đều dẫn đến lãng phí nguồn lực xã hội.
Đối với chất vấn của đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang) về tình trạng xây dựng sai phép, không phép, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhìn nhận, vi phạm về trật tự xây dựng là các vi phạm rất khó khắc phục hậu quả.
“Do đó, giải pháp phát hiện, phòng ngừa từ sớm vi phạm trật tự xây dựng luôn là ưu tiên trong nhiệm vụ quản lý nhà nước của ngành Xây dựng”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, các biện pháp xử lý vi phạm trật tự xây dựng ngày càng chặt chẽ, nghiêm khắc theo hướng tăng nặng xử phạt và buộc phá dỡ cấu phần vi phạm. Báo cáo của các địa phương cho biết, số công trình sai phép, không phép trên tổng số công trình được thanh tra giảm dần theo từng năm. Năm 2020, số công trình sai phép, không phép chiếm tỷ lệ 23,8%, đến 6 tháng năm 2022 còn 7,1% tổng số công trình được thanh tra.
Người đứng đầu ngành Xây dựng cho biết, các quy định về xử lý vi phạm hành chính tương đối đầy đủ, chế tài đã rõ. Bộ Xây dựng với trách nhiệm quản lý nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn đôn đốc triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý theo đúng quy định; rà soát, điều chỉnh bổ sung văn bản, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện nghiêm các quy định.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ rà soát, sửa đổi bổ sung quy định kịp thời, để quản lý chặt chẽ hơn, hạn chế vi phạm trật tự xây dựng.
Trả lời chất vấn của đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) liên quan đến xử lý cán bộ để xảy ra vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, vi phạm quy định của pháp luật quy hoạch, trật tự xây dựng, Bộ đã có báo cáo đầy đủ Quốc hội. Về xử lý hành vi vi phạm đã quy định cụ thể tại Nghị định của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực xây dựng. Tuy nhiên, việc xử lý cán bộ phải theo quy trình, thủ tục, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Đối với chất vấn về vấn đề thẩm định, cấp phép và chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định và cấp phép xây dựng do đại biểu Hà Ánh Phượng (Đoàn Phú Thọ) nêu, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, Bộ chỉ chịu trách nhiệm thẩm định các công trình dân dụng đặc biệt, còn lại đã phân cấp toàn diện cho cơ quan chuyên môn ở các địa phương và các bộ, ngành khác.
“Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình triển khai các dự án, cũng như tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư công, trong dự thảo sửa đổi các luật đang xin ý kiến, Bộ Xây dựng đã đề xuất tiếp tục phân cấp cho cơ quan chuyên môn ở các địa phương thẩm định công trình nhóm B, cấp 2 trở xuống”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, nhóm công trình này hiện chiếm đến 61% tổng số hồ sơ đang được Bộ Xây dựng giải quyết. Do đó, khi quy định này được ban hành chính thức sẽ giảm đáng kể lượng hồ sơ thẩm định. Thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu để đơn giản hóa các thủ tục thẩm định liên quan, thiết kế kỹ thuật để bảo đảm cải cách hành chính, tăng cường quản lý nhà nước cũng như bảo đảm chất lượng an toàn công trình.