Bộ trưởng Bộ Y tế: Nhiều bệnh viện đang trở thành con nợ

Chiều 27/10, tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu giải trình vấn đề đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu. Theo Bộ trưởng, các bệnh viện bị nợ đọng do thanh toán theo tổng mức chưa đáp ứng yêu cầu, vì thế, nhiều cơ sở y tế thực sự trở thành con nợ.

Infographics: Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan Chính phủ đã rất thẳng thắn, không né tránh Tháo gỡ vướng mắc, bất cập về đấu thầu thuốc, thiết bị, sinh phẩm y tế Có nên bỏ đấu thầu thuốc tập trung và giao cho các địa phương, cơ sở tự quyết? Cần hành lang pháp lý minh bạch trong đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế

Ngành Y tế đang khó khăn hơn bao giờ hết

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, ngành Y tế đang phải đối mặt với những khó khăn hơn bao giờ hết. Đối với tình trạng nợ đọng bảo hiểm y tế, có những vướng mắc liên quan đến việc triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm y tế và Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ còn quy định chưa thống nhất. Chính vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện liên quan đến việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế theo phương thức giá dịch vụ y tế đang có thắc mắc, vướng mắc liên quan đến việc áp dụng tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại Quốc hội.

“Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sửa đổi Nghị định 146/2018/NĐ-CP, hiện đang được Bộ Tư pháp thẩm định. Trước mắt, Bộ Y tế đã trình Chính phủ nghị quyết về việc đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế để giải quyết khó khăn trong thanh toán trong năm 2021 và hiện nay” - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế để đảm bảo cung ứng tại các cơ sở y tế, Bộ trưởng cho biết, vấn đề thiếu thuốc liên quan đến việc đăng ký lưu hành kịp thời các sản phẩm thuốc, trang thiết bị y tế và việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế.

Đối với việc đăng ký lưu hành thuốc, thiết bị y tế, Chính phủ cũng đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết để giải quyết các vấn đề liên quan đến đăng ký lưu hành. Đến thời điểm này, Bộ Y tế cũng đã công bố danh mục trên 10.000 thuốc hết hạn hiệu lực; tiếp tục được cấp giấy lưu hành đến ngày 31/12/2022 nên đã cơ bản đảm bảo được nguồn cung ứng thuốc trên thị trường của năm 2022, đáp ứng kịp thời thuốc phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh của nhân dân và phòng, chống dịch.

Bộ Y tế cũng đang phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi Luật Dược và các nghị định, thông tư có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế và các nội dung liên quan đến việc cấp đăng ký lưu hành, đấu thầu tập trung quốc gia. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên được phân công làm công tác đấu thầu và công bố rộng rãi kết quả đấu thầu, thành lập tổ công tác để hỗ trợ cho công tác đấu thầu…

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nêu ra một số giải pháp đảm bảo nguồn nhân lực y tế. Theo đó, đối với cả các chính sách liên quan hỗ trợ cho nhân viên y tế, Bộ Y tế đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 56/2011/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ mức phụ cấp đối với nhân viên y tế cơ sở, sở y tế dự phòng. Hiện nghị định này đang được trình Chính phủ. Các chính sách để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giúp tăng nguồn nhân lực y tế, Bộ Y tế sẽ báo cáo bổ sung trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp này.

Cán bộ y tế mong không phải đối phó với quy trình mua sắm

Trước đó, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu cho biết, đến nay các chân kiềng của ngành Y tế từ y tế cơ sở, y tế điều trị đều đối mặt với nhiều vấn đề, thiếu từ nhân lực, thuốc và trang thiết bị hiện đại. Các bệnh viện rất khó trong quá trình thực hiện tự chủ.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho hay, ĐBQH luôn nhận được những lời phàn nàn của cử tri về chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt là chất lượng khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế. Nhưng ở các bệnh viện, anh em nhân viên y tế từ lãnh đạo cho tới nhân viên đều lực bất tòng tâm, thiếu tất cả, thiếu từ nhân lực, thiếu thuốc có chất lượng và thiếu cả trang thiết bị hiện đại.

Quốc hội dành 2 ngày để thảo luận về các vấn đề quan trọng của đất nước.

Quốc hội dành 2 ngày để thảo luận về các vấn đề quan trọng của đất nước.

Cán bộ y tế hiện chỉ có mơ ước duy nhất là tập trung vào chuyên môn, để khám chữa bệnh cho bệnh nhân một cách tốt nhất, chứ không phải là hằng ngày đối phó với các quy trình mua sắm, thanh toán và nguy cơ bị xử lý cả hành chính lẫn hình sự.

ĐB Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) cho rằng, mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Tuy nhiên, có một thực tế mà trong khi người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang dần quen với việc tìm đến bác sĩ, đến cơ sở y tế để thăm khám, điều trị bệnh thì giờ cơ hội cho điều đó thật khó.

Theo ĐB, báo cáo của Chính phủ về tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế có ghi số người tham gia bảo hiểm y tế tại một số nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế giảm.

ĐB kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện rà soát kỹ lưỡng, chính xác, có đánh giá chi tiết, cụ thể để khắc phục những tồn tại nêu trên.

Cán bộ y tế mong tập trung vào chuyên môn

"Cán bộ y tế hiện chỉ có mơ ước duy nhất là tập trung vào chuyên môn, để khám chữa bệnh cho bệnh nhân một cách tốt nhất, chứ không phải hằng ngày đối phó với các quy trình mua sắm, thanh toán và nguy cơ bị xử lý cả hành chính lẫn hình sự" - ĐB Phạm Khánh Phong Lan nói.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bo-truong-bo-y-te-nhieu-benh-vien-dang-tro-thanh-con-no-115533.html