Bộ trưởng Bộ Y tế nói về giải pháp quản lý tình trạng mua bán thuốc không cần kê đơn
Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan về giải pháp nào để quản lý tình trạng mua - bán thuốc không cần kê đơn.
Mỗi cơ sở khám, chữa bệnh được cấp một giấy phép hoạt động duy nhất
Sáng 12/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế.
Trả lời chất vấn của đại biểu Tráng A Dương liên quan đến quản lý các phòng khám đa khoa tư nhân sau khi bị xử lý vi phạm hành chính, sau đó chuyển sang hình thức khác để hoạt động, không đáp ứng yêu cầu tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ được cấp một giấy phép hoạt động duy nhất.
Đây là căn cứ để hành nghề và phải đáp ứng được các điều kiện: Về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, nhân lực. Trong đó, các điều kiện về nhân lực ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bắt buộc phải có số lượng người làm việc toàn thời gian, người hành nghề phải có đăng ký hành nghề và phải đáp ứng các điều kiện như không được hành nghề tại 2 cơ sở trong cùng một thời gian.
Bộ trưởng cho biết, nếu người hành nghề đã làm toàn thời gian tại một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, khi cơ sở đó bị đình chỉ, người này không thể làm ngay cho một cơ sở khác, mà phải chấm dứt hợp đồng lao động tại cơ sở vừa mới có vi phạm.
Bên cạnh đó, thực tiễn nhiều năm vừa qua cho thấy, có một số cơ sở bị đình chỉ thường gắn với lỗi của người chịu trách nhiệm về chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó.
Do vậy, khi vi phạm, tùy theo mức độ vi phạm, người chịu trách nhiệm chuyên môn chính có thể bị tước giấy phép hành nghề, nên để hoạt động được ngay cũng phải có một thời gian để thực hiện theo quy định và đáp ứng được các yêu cầu mới được cấp lại giấy phép.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, qua phản ánh của đại biểu, Bộ Y tế ghi nhận và lưu ý, trong quá trình triển khai các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là liên quan tới các hành vi vi phạm, cần chú ý tránh tình trạng lạm dụng, lợi dụng.
Liên quan tới chất vấn của đại biểu về việc quản lý thực phẩm chức năng, quản lý mỹ phẩm, vai trò trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành liên quan tới nội dung này, từ vấn đề xác nhận nội dung, công bố sản phẩm, xác nhận nội dung quảng cáo, cho đến vấn đề quản lý thị trường, Bộ trưởng cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành đối với thực phẩm chức năng, cũng như mỹ phẩm, chúng ta quản lý theo cơ chế hậu kiểm.
Theo cơ chế này, tổ chức cá nhân phải chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, đăng ký kinh doanh, đơn vị có chức năng kinh doanh mỹ phẩm tiến hành công bố sản phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Bộ Y tế hoặc sở y tế.
Tùy theo từng loại sản phẩm, cơ quan quản lý sẽ tiến hành hậu kiểm và xử lý, xử phạt các tổ chức, cá nhân có vi phạm theo quy định pháp luật về thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
"Bộ Công Thương cũng trình Chính phủ ban hành các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm. Trong đó, đã có các quy định bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; có định nghĩa liên quan tới hàng nhập lậu" - Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin.
Đối với các sản phẩm bán trên website hoặc trên trang thương mại điện tử, tổ chức hội thảo để lừa dối người tiêu dùng, đặc biệt là người cao tuổi, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, nội dung này cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý thực phẩm chức năng và mỹ phẩm theo hướng: Quy định chặt chẽ hơn các điều kiện kinh doanh, cũng như tăng các mức xử phạt đối với hành vi vi phạm.
Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động của Ban Chỉ đạo 389, các lực lượng như hải quan, biên phòng, quản lý thị trường và các tổ chức liên quan tăng cường phối hợp kiểm tra, ngăn chặn lưu thông hàng hóa trái phép trên thị trường. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là ở cấp chính quyền địa phương để phát hiện những hành vi sai phạm và xử lý theo quy định…
Giải pháp nào để quản lý tình trạng mua - bán thuốc không cần kê đơn?
Nêu câu hỏi chất vấn, đại biểuHồ Thị Minh - đoàn Quảng Trị - cho biết, theo quy định, dược sĩ phải có mặt tại nhà thuốc khi mở cửa hoạt động, thuốc kê đơn chỉ được bán khi có đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các nhà thuốc không có dược sĩ, thuốc kê đơn không có đơn vẫn được bán tràn lan.
Đại biểu đề nghị Bộ Y tế cho biết giải pháp nào để quản lý tình trạng "mua - bán thuốc không cần kê đơn".
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, người chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn dược của cơ sở kinh doanh nói chung và của cơ sở bán lẻ nói riêng là người chịu trách nhiệm cao nhất trước pháp luật về mọi hoạt động chuyên môn của cơ sở.
Các văn bản quy phạm pháp luật về dược cũng quy định rất chặt chẽ để đảm bảo người chịu trách nhiệm chuyên môn, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình.
Bộ trưởng lấy ví dụ, Luật Dược năm 2016 đã quy định nghiêm cấm các hành vi bán lẻ thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc.
Nghị định 117 cũng quy định hành vi người chịu trách nhiệm chuyên môn nếu không có mặt tại cơ sở quy định có thể bị xử phạt hành chính đến 5 triệu đồng.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, Sở Y tế của các địa phương là cơ quan thực hiện việc tiếp nhận thẩm định cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dược đối với cơ sở kinh doanh dược là đơn vị thuốc bán lẻ.
Thời gian qua, các Sở Y tế đã tăng cường công tác giám sát hoạt động đối với các cơ sở bán lẻ. Có thể khẳng định rằng, đối với hoạt động này ngày càng chặt chẽ hơn.
"Tôi cũng rất quan tâm đến nội dung này. Cách đây mấy ngày tôi cũng đeo khẩu trang, bịt mặt ra hàng thuốc gần nhà mua một loại thuốc kê đơn thuộc phạm vi thuốc kê đơn. Chị bán hàng nói thuốc này phải có đơn thuốc mới bán được" - Bộ trưởng nói và cho biết, trong thực tiễn có người này người khác nhưng cơ bản hình thức này đã được tăng cường, quản lý.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã triển khai quy định quy chế hệ thống kê đơn điện tử quốc gia. Đây là một hệ thống quản lý thống nhất trên toàn quốc, giúp cho các cơ sở y tế, nhà thuốc kê đơn quản lý đơn thuốc, giám sát hoạt động bán thuốc theo quy trình minh bạch.
"Hệ thống này yêu cầu tất cả nhà thuốc phải cập nhật thông tin mỗi khi phát hành hoặc bán thuốc theo đơn và liên kết chặt chẽ với các cơ sở y tế để kiểm tra, giám sát" - Bộ trưởng cho hay.
Nếu có thông tin sai lệch, các cơ sở không tuân thủ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về dược. Bộ Y tế đang tăng cường cùng với Bộ Công an trong quá trình triển khai Đề án 06 cũng tăng cường kết nối về hệ thống quản lý dược trên toàn quốc. "Chúng ta có quy định nhưng trong thực tiễn, có thể nơi này, nơi đó còn vi phạm. Khi phát hiện, sẽ xử lý nghiêm theo quy định" - Bộ trưởng nhấn mạnh.