Bộ trưởng Bộ Y tế: Thần tốc xét nghiệm COVID-19 tại Hà Nội và 21 tỉnh, thành
Tiến độ xét nghiệm tại một số nơi chưa đáp ứng được các yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.
Chiều 8/9, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có công điện gửi UBND TPHCM , TP Hà Nội, Phú Yên và 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam gồm: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, An Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Kiên Giang, Khánh Hòa, Tây Ninh, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Bình Phước, Bến Tre, Cà Mau, Hậu Giang và Sóc Trăng về việc thần tốc xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc, trong đó xác định thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then chốt, trong thời gian qua, các địa phương, nhất là các nơi đang thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã đẩy mạnh việc triển khai xét nghiệm trên diện rộng, tuy nhiên tiến độ xét nghiệm tại một số địa phương chưa đáp ứng được các yêu cầu phòng, chống dịch.
Nhằm nhanh chóng kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, không để tình trạng giãn cách kéo dài trên diện rộng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trên khẩn trương chỉ đạo thực hiện các nội dung.
Cụ thể, các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội thần tốc xét nghiệm cho toàn bộ người dân để phát hiện sớm nguồn lây nhằm cách ly, khoanh vùng, dập dịch kịp thời; hạn chế phong tỏa trên phạm vi rộng và thực hiện tốt việc chăm sóc điều trị người nhiễm COVID-19.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tần suất, thời gian lấy mẫu, xét nghiệm theo các khu vực nguy cơ, theo hướng dẫn sau:
+ Đến ngày 15/9/2021, tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao: lấy mẫu xét nghiệm tại nhà ở/hộ gia đình cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (từ 2-3 ngày/lần); lấy mẫu đơn kháng nguyên nhanh hoặc lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo nhà ở/hộ gia đình.
+ Tại các khu vực có nguy cơ và các khu vực khác: lấy mẫu xét nghiệm tại nhà ở/hộ gia đình cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần (5-7 ngày/lần); lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo nhà ở/hộ gia đình;
Tiếp tục xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến cơ sở khám, chữa bệnh và tại cộng đồng. Thực hiện xét nghiệm 3 ngày/lần đối với nhân viên, người lao động (là các trường hợp có nguy cơ cao) tại các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, người trực tiếp cung cấp dịch vụ thiết yếu. Xem xét, tổ chức thực hiện việc hướng dẫn người dân tự lấy mẫu có sự giám sát của nhân viên y tế.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trên huy động tối đa các lực lượng tham gia lấy mẫu, tổ chức nhiều đội lấy mẫu lưu động và không giới hạn thời gian lấy mẫu.
Tăng cường hướng dẫn người dân tự lấy mẫu thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh có sự hỗ trợ của nhân viên y tế hoặc tình nguyện viên đã được tập huấn. Khi tổ chức thực hiện lấy mẫu đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, không để xảy ra lây nhiễm chéo. Thực hiện việc gộp mẫu làm xét nghiệm kháng nguyên nhanh và RT-PCR phù hợp với tình hình thực tế.
11 tỉnh, thành hỗ trợ Hà Nội xét nghiệm diện rộng toàn thành phố
Chiều 8/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Kế hoạch số 206 xét nghiệm diện rộng, tiêm chủng vắc xin phòng, chống COVID-19 cho người dân trên địa bàn thành phố.
Mục đích của kế hoạch nhằm tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ từng phút, từng giờ, bằng mọi biện pháp tận dụng tối đa thời gian “vàng" giãn cách xã hội thần tốc xét nghiệm diện rộng toàn thành phố theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 71 ngày 6/9/2021 cho người dân một cách an toàn, hiệu quả nhằm phát hiện sớm các trường hợp lây nhiễm; kịp thời cách ly, khoanh vùng, dập dịch và chăm sóc, điều trị phù hợp. Tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 mũi 1 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn đến ngày 15/9/2021 trên cơ sở số vắc xin được Bộ Y tế phân bổ và giao.
Kế hoạch yêu cầu đến ngày 15/9 tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao: hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (từ 2- 3 ngày/lần); tại các khu vực có nguy cơ và các khu vực khác: hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần (5- 7 ngày/lần); xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến bệnh viện khám, chữa bệnh và tại cộng đồng.
Xét nghiệm 3 ngày/lần đối với nhân viên, người lao động tại các cơ sở khám, chữa bệnh và các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh và theo hướng dẫn tại Công điện số 1305 ngày 2/9 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19.
Thành phố cũng hướng dẫn người dân tự lấy mẫu có sự giám sát của nhân viên y tế hoặc tình nguyện viên. Áp dụng xét nghiệm RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh kết hợp với việc gộp mẫu phù hợp. Trường hợp xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp, phải trả kết quả xét nghiệm trong vòng 12 giờ.
11 tỉnh, thành phố sẽ tham gia hỗ trợ thành phố trong công tác xét nghiệm, tiêm chủng gồm 7 tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 71 là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thái Nguyên và 4 tỉnh, thành phố Hà Nội đề nghị hỗ trợ là Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng.
Thành phố yêu cầu bảo đảm công tác chuẩn bị chu đáo, toàn diện, chỉ đạo chặt chẽ; phương án tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và xét nghiệm SARS-CoV-2 thống nhất, phù hợp năng lực, công suất tiêm chủng, không để mẫu tồn trong 24 giờ; bảo đảm công tác hậu cần đầy đủ, đồng bộ và có sự phối hợp chặt chẽ, hiệp đồng linh hoạt giữa các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cho các lực lượng tham gia lấy mẫu, xét nghiệm, tiêm chủng và người dân, tránh lây nhiễm chéo trong khu vực lấy mẫu, tiêm chủng.
Các tỉnh, thành phố tham gia hỗ trợ thành phố Hà Nội trong công tác xét nghiệm, tiêm chủng thực hiện tại quận, huyện, thị xã nào thì địa phương đó chịu trách nhiệm bố trí nơi ăn, chỗ ở và bảo đảm điều kiện làm việc.
Phạm vi thực hiện cụ thể: Vùng 1 (15 quận, huyện): Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thường Tín, Thanh Oai; Vùng 2 (5 quận, huyện): Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh; Vùng 3 (10 huyện, thị xã): Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên.
Tại Vùng 1, việc lấy mẫu xét nghiệm và tiêm chủng do các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố thực hiện; tại Vùng 2 đơn vị hỗ trợ thực hiện là các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên; tại Vùng 3 đơn vị hỗ trợ thực hiện là các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng. Thời gian triển khai xét nghiệm diện rộng, tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch COVID-19 là đến ngày 15/9/2021.
Các địa phương được giao chỉ đạo rà soát, lập danh sách người lấy mẫu xét nghiệm, danh sách người tiêm chủng và huy động đầy đủ số lượng thực hiện theo Kế hoạch; phân công lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, hướng dẫn người dân thực hiện quy định về an toàn phòng, chống dịch tại khu vực lấy mẫu xét nghiệm và các điểm tiêm; Chỉ đạo việc chuyển mẫu xét nghiệm tới các cơ sở thực hiện xét nghiệm theo phân luồng tiếp nhận mẫu xét nghiệm.
UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, phân công nhân lực để nhập 100% dữ liệu lấy mẫu xét nghiệm ngay từ khi lấy mẫu và cập nhật vào hệ thống để báo cáo theo thời gian thực; Chỉ đạo thành lập các tổ lấy mẫu, xét nghiệm COVID-19 tự nguyện tại cộng đồng dưới sự hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các hoạt động trước, trong và sau khi tổ chức triển khai chiến dịch xét nghiệm, tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch COVID-19.